Trật khớp háng rất hiếm gặp bởi vì khớp háng có cấu trúc vững chắc và nằm sâu bên trong cơ thể. Nhưng khi chấn thương này xảy ra, cần điều trị sớm, nếu không sẽ để lại những di chứng nặng nề như hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng, tổn thương dây thần kinh…
Thế nào là trật khớp háng?
Trật khớp háng là tình trạng chỏm xương đùi bị lệch hoặc bong ra khỏi vị trí bình thường do ngoại lực, bẩm sinh hoặc bệnh lý về xương khớp. Dựa vào tình trạng khớp háng bị trật mà hiện tượng này được chia làm 3 loại:
- Trật khớp háng trước: Chỏm xương đùi bị trật khỏi ổ chảo và hướng về phía trước, thường do tai nạn hoặc té ngã.
- Trật khớp háng sau: Chỏm xương đùi bị trật khỏi ổ chảo và hướng về phía sau, thường do tai nạn, chấn thương hoặc hoạt động thể thao.
- Trật khớp háng trung tâm: Tình trạng này khá hiếm gặp, khi đó, chỏm xương đùi sẽ bị ấn sau vào bên trong ổ chảo của khớp háng.
Nguyên nhân gây trật khớp háng
Khớp háng là khớp lớn nhất, nằm sâu trong cơ thể, rất vững chắc. Lực chấn thương phải rất mạnh mới gây trật khớp. Các nguyên nhân hay gặp đó là:
- Do tai nạn giao thông: Đđây là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Chấn thương thể thao: Bóng đá, bóng rổ, trượt tuyết…
- Tai nạn sinh hoạt hàng ngày.
- Bẩm sinh.
Trong một số trường hợp, một chuyển động bất thường hay chỉ té ngã đơn giản cũng có thể gây nên. Ví dụ: người già, loãng xương, người đã thay khớp háng…
Những yếu tố nguy cơ
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ cao mắc trật khớp háng bao gồm:
- Mắc bệnh béo phì.
- Sử dụng thuốc, dược phẩm (chẳng hạn như steroid).
- Có những vấn đề về tuyến giáp.
- Đã từng điều trị bức xạ.
- Có những vấn đề về xương liên quan đến bệnh thận.

Triệu chứng khi bị trật khớp háng
Khi bị trật khớp háng, người bệnh sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng đặc trưng bao gồm:
- Đau: Đau dữ dội vùng khớp háng.
- Sưng, phù nề.
- Co thắt cơ.
- Biến dạng.
- Chân bên sẽ ngắn hơn bên đối diện.
- Nếp lằn mông, đùi ở chân trật khớp sẽ ít hơn và cao hơn chân lành.
- Tiếng “lục cục” khi cử động.
- Hạn chế vận động khớp háng.
- Dáng đi khập khiễng, khó khăn trong đi lại.
- Hạn chế gấp, duỗi, dạng, khép khớp háng.
Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi bị trật khớp hàng
Trật khớp háng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm hoặc điều trị sai cách có thể gây ra những biến chứng hay để lại những di chứng nặng nề:
- Tổn thương dây thần kinh tọa: Dây thần kinh chạy phía sau hông bị kéo căng hoặc đè ép khi trật khớp háng sẽ khiến bạn phải chịu cảm giác đau nhức, tê và thậm chí là mất cảm giác từ phần hông trở xuống.
- Hoại tử vô mạch ở xương đùi: Các động mạch nhỏ bị kéo căng, hư hỏng hoặc rách do trật khớp háng sẽ không thể đưa máu đến nuôi chỏm xương đùi khiến phần xương này bị hoại tử dần. Điều này làm cho khớp háng mất dần khả năng chuyển động và nguy cơ phải thay khớp háng nhân tạo rất cao.
- Trật khớp háng nhiều lần: Khi xương và các mô mềm bị tổn hại, không được chữa lành sẽ không giữ được cấu trúc khớp háng ổn định dẫn đến trật khớp nhiều lần.
Khớp háng không được sửa chữa và cố định trở lại khiến hoạt động của khớp giảm dần. Tình trạng này khiến sụn khớp mất dần chất dinh dưỡng (sụn khớp hấp thụ dinh dưỡng thông qua cử động khớp) trở nên mỏng và yếu.
Phương pháp điều trị
Nắn kín
Đây là phương pháp được chỉ định càng sớm càng tốt để đưa khớp xương trở lại vị trí cũ.
Điều trị không phẫu thuật
Nếu nắn kín thành công và không có hiện tượng gãy vỡ xương, bác sĩ sẽ chỉ định bạn các biện pháp điều trị bảo tồn tiếp theo. Trong giai đoạn này bạn có thể cần mang nạng để chân được nghỉ ngơi (trong từ 6-10 tuần). Sau thời gian hồi phục, bạn có thể dần bắt đầu lại các hoạt động bình thường bao gồm cả chơi thể thao.
Điều trị phẫu thuật
Điều trị trật khớp bằng phương pháp phẫu thuật nhằm ổn định xương bằng ghim hoặc đinh vít và giúp ngăn chặn khớp hông bị trượt hoặc di chuyển ra khỏi vị trí. Điều này chỉ thường được chỉ định khi nắn kín không hiệu quả hoặc trật khớp đi kèm với gãy xương.

Những lưu ý giúp giảm thiểu nguy cơ trật khớp háng
Để tránh tổn thương và giảm thiểu tối đa nguy cơ trật khớp háng, bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe xương khớp, chú trọng nhóm thực phẩm giàu omega 3, canxi, vitamin C…
- Hạn chế vận động quá mạnh, tập luyện quá sức và mang vác đồ quá nặng.
- Chú ý yếu tố an toàn của cơ thể khi tham gia giao thông, làm việc hoặc chơi thể thao.
- Tránh những tư thế xấu như ngồi xổm quá lâu, ngồi vắt chân, xoạc dài chân, không cúi người quá thấp để lấy đồ,…
Trật khớp háng là rủi ro bất ngờ, rất khó kiểm soát và ngăn ngừa hoàn toàn. Vậy nên, trong sinh hoạt và làm việc hàng ngày, nếu gặp bất kỳ tác động mạnh nào dẫn đến đau hông, đau háng và thậm chí là đau đầu gối dữ dội, bạn nên tìm đến chuyên khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện uy tín để thăm khám và xác định xem có bị trật khớp háng hay không. Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị để nhanh chóng phục hồi.
Leave a reply