Trật khớp khuỷu tay là chấn thương phổ biến chỉ đứng sau trật khớp vai và xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. Trật khớp khuỷu tay nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng thần kinh, mạch máu ảnh hưởng đến khả năng vận động của tay, thậm chí gây tàn tật.
Trật khớp khuỷu tay là gì?
Trật khớp khuỷu tay là tình trạng di lệch hoàn toàn hoặc không hoàn toàn ở mặt khớp khuỷu tay, thường do nguyên nhân ngã hoặc tai nạn giao thông. Những chấn thương này thường không kéo dài nhưng nếu không được điều trị và nắn chỉnh sớm có thể gây biến dạng chi, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân khiến khớp tay bị trật
Ở người lớn, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trật khớp đầu xương khuỷu tay bao gồm:
- Ngã: Ngã xuống đè phải một tay đang dang ra có thể làm cho xương cánh tay trật khỏi khớp khuỷu tay.
- Tai nạn xe cơ giới: Áp lực có thể xảy ra khi hành khách gặp tai nạn xe cơ giới, khiến trật khớp khuỷu tay.
Ở trẻ mới biết đi, những chấn thương thường xảy ra khi có áp lực đè lên cánh tay đang dang ra. Các nguyên nhân gây thương tích như vậy bao gồm:
- Nâng không đúng cách: Việc bạn cố gắng nâng hoặc chuyển động tay của trẻ có thể gây ra tình trạng trật khớp khuỷu tay.
- Kéo đột ngột: Đứa trẻ đột nhiên bước xuống lề đường hoặc cầu thang khi bạn đang nắm tay của trẻ có thể tạo ra lực kéo, dẫn đến trật khớp khuỷu tay.

Triệu chứng trật khớp khuỷu tay
Sau khi bị chấn thương gây trật khớp khuỷu tay, bệnh nhân sẽ nhanh chóng gặp phải các triệu chứng sau:
- Khớp khuỷu tay bị đau nhức.
- Khuỷu sưng to (do các dây chằng rách gây tụ máu).
- Cẳng tay không duỗi hoặc gấp được. Hoặc cẳng tay bệnh nhân gấp chứng 40 độ, cẳng tay trông ngắn đi nhưng cánh tay trông như dài ra.
- Sờ được bờ xương tròn của đầu dưới xương cánh tay, thấy mỏm khuỷu nhô ra sau, đầu trên xương quay lồi ra ngoài và ra sau.
- Nếu hơi gấp khuỷu tay và buông ra sẽ thấy dấu hiệu lò xo (cẳng tay tự động bật về vị trí ban đầu trước khi gấp khuỷu tay).
Ngoài ra bác sĩ sẽ cần chụp X-quang khớp khuỷu các góc thẳng, nghiêng, chụp CT để xác định thế trật và tìm thêm các tổn thương phối hợp ở xương (nếu có).
Nếu bệnh nhân đến khám sớm ngay sau khi bị chấn thương thì sẽ dễ chẩn đoán (do sờ thấy các mốc xương), còn nếu đến muộn thì vùng khuỷu đã sưng nề gây khó khăn cho việc thăm khám hơn.
Biến chứng trật khớp khuỷu tay gây ra
Một số biến chứng có thể gặp là:
- Gãy xương: Tác động lực làm trật khớp khuỷu tay cũng có thể gây ra gãy xương ở khu vực đó.
- Chèn ép thần kinh: Hiếm khi các dây thần kinh di chuyển qua khuỷu tay có thể bị chèn ép hoặc gián đoạn giữa các xương bị trật. Dây thần kinh bị chèn ép có thể gây ra triệu chứng tê ở cánh tay và bàn tay.
- Chèn ép động mạch: Hiếm khi các mạch máu nuôi cho cánh tay và bàn tay có thể bị chèn ép. Thiếu máu nuôi có thể gây ra triệu chứng đau dữ dội. Thậm chí có thể gây tổn thương mô tại cánh tay và bàn tay vĩnh viễn.
- Gãy xương do giật: Khi trật khớp khuỷu, một dây chằng bị căng sẽ kéo theo một phần xương từ điểm bám của nó. Loại tổn thương này thường phổ biến ở trẻ em.
- Viêm xương khớp: Khớp bị trật có thể có nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp cao hơn trong tương lai.
Biện pháp điều trị trật khớp khuỷu tay
Một số trường hợp trật khớp khuỷu có thể tự quay trở lại vị trí bình thường ban đầu. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp cần một bác sĩ để đưa xương trở lại vị trí phù hợp.
Sử dụng thuốc
Trước khi đưa về vị trí phù hợp, bạn hoặc con bạn sẽ được cho thuốc để làm giảm đau và dãn cơ.
Các phương pháp trị liệu
Sau khi xương khớp trở về vị trí bình thường, bạn hoặc con bạn có thể cần phải đeo nẹp trong vài tuần. Bạn cũng có thể cần phải thực hiện các bài tập vật lý trị liệu. Các bài tập này sẽ giúp bạn cải thiện phạm vi chuyển động và sức mạnh của khớp.
Phẫu thuật
Bạn có thể cần phải phẫu thuật nếu:
- Bất kỳ xương trật nào bị gãy.
- Dây chằng bị rách cần được nối lại.
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu cần phải điều trị.

Cách phòng tránh trật khớp khuỷu tay
Khớp khuỷu tay là bộ phận đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể có thể vận động. Vì vậy, ngoài việc biết cách xử lý khi bị trật khớp khuỷu tay các bạn cũng nên trang bị cho bản thân những kiến thức để phòng tránh trật khớp khuỷu tay như:
- Dùng băng hoặc đai nẹp bảo vệ vùng khuỷu tay khi làm việc hoặc chơi thể thao.
- Khởi động làm nóng cơ thể và nới lỏng các khớp đúng cách trước khi chơi thể thao để làm giảm chấn thương khớp khuỷu tay.
- Tập luyện các bài tập tăng cường cơ bắp xung quanh phần khớp khuỷu tay.
- Ăn uống bổ sung dinh dưỡng từ các loại thức ăn, thực phẩm chức năng giàu glucosamine hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương khớp.
Leave a reply