Trật khớp thái dương hàm hay sái quai hàm là tình trạng xảy ra phổ biến ở cả trẻ em và người lớn với nhiều triệu chứng đau nhức, khó chịu. Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng lo ngại.
Trật khớp thái dương là gì?
Khớp xương thái dương cùng với khớp xương hàm hợp lại cùng với các bộ phận như bao khớp, dây chằng,… tạo thành bộ khớp xương thái dương hàm. Đây là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, có vai trò quan trọng đối với chức năng nhai. Trật khớp thái dương là một tình trạng khớp nối giữa xương sọ và xương hàm dưới bị mất cân bằng.
Bất cứ ai, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể bắt gặp tình trạng này. Trật khớp thái dương có thể xuất hiện sau một thời gian dài phần khớp này bị viêm nhiễm. Trật khớp thái dương làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
Các dạng trật khớp thái dương hàm
Thông qua chụp X-quang khớp thái dương hàm, kết hợp với chụp CT hệ thống sọ mặt, bác sĩ sẽ xác định trường hợp và mức độ trật khớp cắn cụ thể ở người bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra được kế hoạch điều trị phù hợp để đạt kết quả tốt nhất.
Các dạng trật khớp thái dương hàm bao gồm:
- Trật khớp thái dương hàm ra trước.
- Trật khớp thái dương hàm ra sau.
- Trật khớp thái dương hàm lên trên.
Nguyên nhân gây bệnh
- Stress, căng thẳng thần kinh, áp lực trong công việc.
- Nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, hoặc viêm – thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm.
- Chấn thương do va đập hoặc do há miệng quá rộng một cách đột ngột làm trật khớp thái dương hàm.
- Nghiến răng lúc ngủ hoặc nhai kẹo cao su quá nhiều cũng có thể khiến bị trật khớp TDH. Nghiến răng hoặc nhai kẹo cao su làm siết chặt hàm, sẽ tạo một lực quá lớn tác động lên khớp TDH, nguy hiểm nhất là làm trật khớp cắn.
- Trật khớp TDH cũng có thể do bị trật đĩa khớp hoặc sau nhổ răng, đặc biệt là nhổ răng số 7, 8 hoặc do răng mọc lệch, mọc chen chúc làm sai khớp cắn.
- Ngoài ra mòn răng, thưa răng, mất răng, răng mọc lệch lạc, bệnh nướu, nha chu, hàm giả bán phần hoặc toàn phần không chính xác hoặc thói quen xấu như cắn bút , ngậm ti giả cũng có thể khiến con bạn bị viêm khớp TDH.
Triệu chứng trật khớp thái dương hàm
Biểu hiện của trật khớp thái dương hàm là hàm dưới lệch sang một bên hoặc trề ra phía trước, người bệnh khó khăn trong việc đóng, mở miệng, thậm chí không thể khép miệng lại. Trật thái dương hàm có thể xảy ra đối với một bên mặt hoặc cả hai bên. Bên cạnh đó, người bị trật khớp thái dương hàm có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Chảy nước bọt.
- Đau nhức khớp hàm, đau đầu.
- Người bệnh bị trật khớp thái dương hàm một bên sẽ có biểu hiện như hàm dưới bị lệch sang một bên, má bên lành bị hóp lại, má bên trật sẽ dẹt, miệng há nhỏ.
- Người bệnh bị trật khớp thái dương hàm cả hai bên sẽ có biểu hiện như cằm bị nhô ra phía trước, má bị hóp cả hai bên, miệng há to.
Điều trị trật khớp thái dương hàm
Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2% với liều từ 2 – 5ml tiêm vào bên khớp thái dương hàm bị trật và các vùng lân cận nơi cơ chân bướm ngoài bám vào để cho khớp xương tự về vị trí bình thường.
Phẫu thuật
Phẫu thuật chữa trật khớp thái dương hàm chỉ thực hiện đối với người có mức độ tổn thương nặng. Đây là trường hợp nắn khớp không thể mang lại hiệu quả chữa trị cho bệnh nhân. Bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật để chữa bệnh. Sau khi đã khỏi bệnh, trong thời gian đầu người bệnh cần tránh tác động mạnh lên vùng thái dương hàm, ăn thức ăn mềm, nhai nuốt nhẹ nhàng để vùng khớp thái dương hàm được phục hồi.
Trật khớp thái dương hàm không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn và ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng như viêm khớp, xơ cứng khớp, dính khớp,… Việc phòng tránh cũng vô cùng quan trọng, cần nâng cao nhận thức các hành vi liên quan có lợi cho sức khỏe bản thân.
Leave a reply