Khớp vai rất dễ bị chấn thương khi chơi thể thao, và nếu bạn từng bị trật một lần, tình trạng trật khớp vai sẽ dễ tái hồi (tái phát). Trật khớp vai tái hồi không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, sức lao động, khả năng chơi thể thao của người bệnh mà còn gây thoái hóa khớp vai và giảm chức năng vai về sau.
Trật khớp vai tái hồi là gì?
Trật khớp vai tái hồi là tình trạng các dây chằng sẽ bị giãn, thậm chí nghiêm trọng hơn là bị đứt khi gặp tình trạng khớp vai bị trật nhiều lần, mãn tính. Chấn thương khiến hệ thống cố định ở khớp mất đi sự vững vàng vốn có, dẫn đến hệ thống sụn viền cùng dây chằng quanh khớp bị tổn thương nặng. Sau lần trật đầu tiên, khớp vai sẽ có khả năng trật đi trật lại nhiều lần khác gây ra tình trạng trật khớp vai tái hồi. Có đến 90% bệnh nhân bị gặp tình trạng này sau lần bị trật khớp vai đầu tiên.
Vì sao tình trạng trật khớp vai hay tái hồi lại
Khi bạn bị trật khớp vai, không chỉ mỗi khớp vai bị tổn thương mà còn khiến cho các vùng xung quanh và các mô mềm khác như gân, sụn và dây chằng. Đây là bộ phận giúp giữ cho khớp ở đúng vị trí. Tuy nhiên, khi các bộ phận này bị rách hoặc bị tổn thương đáng kể do trật khớp vai, khiến khớp vai bị suy yếu, tình trạng này có thể gây ra chứng trật khớp vai tái hồi trong tương lai.
Đối với một số người, trật khớp vai tái hồi có thể xảy ra mà không có chấn thương ban đầu. Đây là nhóm những người lao động nặng nhọc, đòi hỏi vận động vai nhiều như mang vác đồ nặng thường xuyên, vận động viên ném đĩa, vận động viên nhảy sào, vận hành máy móc, lính cứu hỏa, công nhân xây dựng, người chơi bóng chuyền, người chơi quần vợt, người bơi lội, những người đam mê tập luyện, người tập tạ và những người chơi nhạc ((những người chơi trống)… gây ra sự hao mòn của sụn và mất ổn định các mô mềm xung quanh khớp vai có thể dẫn đến trật khớp vai nhiều lần.
Nguyên nhân khiến khớp vai bị trật lại nhiều lần
Trật khớp vai thường xảy ra khi bị chấn thương trực tiếp vào vùng vai, hoặc những tổn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại trong các hoạt động hằng ngày hoặc chơi thể thao làm lỏng lẻo dây chằng bao khớp. Các nguyên khiến khớp vai bị trật lại nhiều lần bao gồm:
- Tổn thương nghiêm trọng ở lần trật vai đầu tiên: Khi chỏm xương cánh tay trật khỏi ổ chảo, xương ổ chảo và các dây chằng xung quanh thường bị thương. Hơn nữa, vành sụn xung quanh ổ chảo (gọi là sụn viền ổ chảo) cũng có thể bị rách và tổn thương nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến trật khớp vai tái phát.
- Chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại (RSI): Hội chứng RSI được mô tả là sự tích tụ dần dần tổn thương cơ, gân và dây thần kinh do các chuyển động vai lặp đi lặp lại, chẳng hạn như giơ cao tay để thực hiện động tác đánh tennis, bóng chuyền, sải tay cùng một kỹ thuật khi bơi lội… Hệ quả là dây chằng ở vai trở nên lỏng lẻo hơn, dần dần làm cho vai không ổn định và dễ bị trật khớp nhiều lần.
- Tính không ổn định của vai: Đây là một nguyên nhân hiếm gặp của trật khớp bả vai nhiều lần. Trong trường hợp này, bệnh nhân chưa từng bị sái vai trước đó, dây chằng cũng không lỏng lẻo. Thế nhưng, vai vốn có tính không ổn định nên dễ dàng bị trật ra nhiều hướng vào bất kỳ thời điểm nào.
Cách xử lý khi khớp vai bị trật lại nhiều lần
Trật khớp vai tái hồi ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hằng ngày, gây thoái hóa khớp vai và giảm chức năng vai về sau cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý vì bệnh nhân thường lo sợ vai dễ dàng bị trật khớp nhiều lần khác khiến họ ngại vận động, lo lắng về cảm giác đau.
Có nhiều người bệnh bị trật khớp vai tái hồi tìm đến những nơi không có chuyên môn hay tự nắn sửa không đúng kỹ thuật dẫn đến tình trạng nắn khớp sai, bất động không đủ thời gian khiến tình trạng trật khớp tái diễn nhiều lần hơn.
Do vậy, khi bị trật khớp vai, bệnh nhân cần:
- Đến cơ sở y tế chuyên khoa để được nắn trật đúng kỹ thuật.
- Gặp bác sĩ chuyên khoa khám và chụp MRI để xác định tổn thương sụn viền bao khớp và mổ trật khớp vai tái hồi để đính lại sụn viền bao khớp bị rách.
- Bất động bằng đai tư thế vai dang-xoay ngoài đủ thời gian.
- Hướng dẫn cách tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại tầm vận động khớp, sức mạnh cơ bắp, sớm trở lại sinh hoạt hàng ngày, có thể lao động nặng và chơi lại thể thao. Thường thời gian bất động lành mô là khoảng 3-4 tuần, thời gian phục hồi chức năng từ 2-4 tháng.
Phòng tránh khớp vai bị trật tái hồi
Sau lần trật khớp vai đầu tiên đã được bác sĩ nắn và bất động bằng đai chuyên dùng, bạn nên:
- Tuân thủ thời gian bất động, tập phục hồi và từng bước trở lại vận động bình thường của khớp vai theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều chỉnh hoạt động: Nếu nguyên nhân khiến bạn bị trật khớp vai nhiều lần là do hoạt động lặp đi lặp lại một động tác, bác sĩ sẽ đề nghị giảm tần suất hoạt động. Đối với các vận động viên, điều này khá khó khăn vì họ khó lòng từ bỏ bộ môn thể thao mình yêu thích. Giải pháp là bạn nên tập thêm nhiều kỹ thuật khi chơi thể thao, tránh việc sử dụng một động tác nhiều lần.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng tính linh hoạt cho cơ vai, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Bạn hãy chọn các bài tập vận động phần trên của cơ thể, chẳng hạn như bơi lội, quần vợt, bóng chuyền hoặc bóng rổ.
- Thực hiện các bài tập giúp tăng sức mạnh cho cơ vai như tập tạ, xà đơn, dây kéo… khi chơi thể thao phải khởi động kỹ, không chơi trong lúc quá mệt mỏi.
- Tránh ngã: Trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi tập luyện sẽ khó tránh khỏi té ngã khiến chấn thương vùng vai. Nếu chẳng may bị ngã, bạn đừng cố dùng tay hoặc khuỷu tay để chống. Hành động này tưởng đúng nhưng lại khiến bạn dễ bị trật vai. Tốt nhất là giữ cổ tay và khuỷu tay ở tư thế uốn cong, đồng thời vặn người để tiếp đất bằng một bên hông hoặc mông chứ không phải lưng.
- Mang miếng đệm bảo vệ vai và đồ bảo hộ khác khi chơi thể thao: Một trong những nguyên nhân chính gây chệch khớp vai tái diễn là do chấn thương thể thao. Do đó, việc mang miếng đệm bảo vệ vai sẽ giúp bạn tránh được chấn thương này.
- Không vội quay lại sân tập khi chấn thương chưa lành hẳn: Đừng nôn nóng tập luyện trở lại quá sớm kẻo bị sái khớp vai một lần nữa. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thời điểm hợp lý để quay lại tập luyện.
Trật khớp vai là một chấn thương thường gặp. Để hạn chế tác hại của nó thì khi bị chấn thương khớp vai người bệnh nên đi khám ở những bệnh viện có chuyên khoa để được các bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất, giúp cho bệnh nhân có thể trở lại với cuộc sống hàng ngày và thể thao sớm nhất.