Cảm lạnh là một trong những bệnh do virus gây ra thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh khiến trẻ khó chịu, giảm khả năng học tập và vận động. Nếu không được chăm sóc tốt, có thể xảy ra biến chứng như cúm, viêm phổi…
Trẻ bị cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là bệnh do virus gây ra và có đến hơn 200 loại virus có thể gây ra tình trạng này, một trong những loại virus phổ biến nhất là Rhinovirus. Chính vì do các loại virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để điều trị bệnh.
Thông thường, trẻ bị cảm lạnh sẽ tự khỏi và không cần phải đến khám bác sĩ. Nhưng với điều kiện là bé phải có một thể trạng mạnh khỏe. Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch kém, trẻ nhỏ bị suy giảm miễn dịch có thể gặp phải biến chứng nếu không biết xử trí đúng cách và kịp thời.
Nguyên nhân khiến trẻ bị cảm lạnh
Nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh như đã nói ở trên là do virus gây ra. Các virus này xâm nhập vào hệ thống hô hấp của bé một cách trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp với người nhiễm bệnh.
Trẻ nhỏ nào cũng có nguy cơ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, những nguyên nhân dưới đây có khả năng thúc đẩy nguy cơ bé bị cảm lạnh cao hơn:
- Trẻ vô tình hít phải virus gây bệnh.
- Thời tiết thay đổi thay đổi, hanh khô hơn, tạo điều kiện cho virus gây cảm lạnh xâm nhập và phát triển mạnh mẽ, gây bệnh cho bé.
- Trẻ tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Người lớn bị cảm lạnh chạm vào mũi, miệng của mình rồi tiếp xúc trực tiếp với bé.
- Trẻ tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi có chứa virus gây cảm lạnh.
- Trẻ bị dị ứng thời tiết, thường xuyên hít phải khói thuốc lá khiến hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh hơn.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn.
- Hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành: Về bản chất, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị cảm lạnh vì chúng chưa tiếp xúc hoặc chưa có sức đề kháng với hầu hết các loại vi rút gây bệnh
- Tiếp xúc với những đứa trẻ khác: Trẻ sơ sinh tiếp xúc với những đứa trẻ bị bệnh, điều này làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh của bé.
- Thời gian trong năm: Cả trẻ em và người lớn đều dễ bị cảm lạnh hơn từ mùa thu đến cuối mùa xuân.

Biểu hiện của trẻ khi bị cảm lạnh
Khi trẻ bị cảm lạnh, triệu chứng bắt đầu từ lúc trẻ cảm thấy không được khỏe, biểu hiện bằng đau họng, sổ mũi và ho. Lúc đầu, họng bị đau là do chất nhầy tích tụ. Sau đó, đau họng giảm đi, nước mũi được hình thành và chảy dịch từ mũi xuống họng.
Khi cảm lạnh trở nên nặng hơn, trẻ có thể thức dậy với các triệu chứng:
- Chảy nước mũi.
- Chảy nước mắt.
- Hắt xì.
- Cảm giác mệt mỏi.
- Sốt (có thể gặp).
- Đau họng.
- Ho.
Vi rút gây cảm lạnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của xoang, họng, phế quản và tai của trẻ. Cảm lạnh cũng có thể gây tiêu chảy và nôn mửa ở trẻ nhỏ. Trong những ngày đầu của cảm lạnh, trẻ có thể cáu kỉnh và hay phàn nàn về tình trạng đau đầu, khó chịu. Thời gian sau, khi chất nhầy ở mũi cô đặc lại, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Trẻ bị cảm lạnh có nguy hiểm không?
Một số biến chứng trẻ nhỏ có thể gặp phải khi bị cảm lạnh:
- Viêm tai cấp tính: Đây là một biến chứng thường gặp. Nếu bé bị cảm lạnh mà không được xử trí đúng cách sẽ có thể dẫn tới viêm tai.
- Thở khò khè: Cảm lạnh có thể gây ra thở khò khè, ngay cả khi con bạn không bị hen suyễn. Nếu con bạn bị hen suyễn, cảm lạnh có thể khiến bệnh nặng hơn.
- Nhiễm khuẩn thứ phát khác: Chúng bao gồm viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Những trường hợp nhiễm khuẩn như vậy cần được bác sĩ thăm khám và đánh giá.
- Viêm phổi: Trong trường hợp bé gặp phải những triệu chứng như sốt cao, đổ mồ hôi, ớn lạnh,… mẹ cần phải đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Biện pháp điều trị cảm lạnh cho bé
Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy tác dụng của việc sử dụng các phương pháp thay thế thuốc như vitamin C, echinacea và kẽm trong điều trị cảm lạnh. Nhưng có một số gợi ý sau đây có thể giúp trẻ trở nên thoải mái hơn:
- Cung cấp nước: Cho trẻ uống nhiều nước và các thức ăn lỏng để cung cấp nước cho cơ thể. Nên uống nước dừa, thức uống tăng cường điện giải. Hạn chế uống nước trái cây và nước có ga.
- Giảm ho: Chanh và bạc hà có tác dụng giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng.
- Nghỉ ngơi tại giường: Nếu trẻ có cảm giác mệt mỏi, hãy để trẻ nghỉ ngơi tại giường.
- Hơi nước: Phụ huynh nên phun sương nâng độ ẩm trong phòng bằng máy tạo hơi nước. Bất kỳ máy tạo hơi nước nào cũng có thể chứa nấm mốc, vì vậy hãy chắc chắn làm sạch kỹ lưỡng các thiết bị trước mỗi lần sử dụng.
- Tắm bằng nước ấm cho trẻ.
- Thoa dầu dưới mũi trẻ để làm dịu cảm giác khô da.
Với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, không cần sử dụng thuốc khi bị cảm lạnh. Cha mẹ không nên quá lo lắng và tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho trẻ. Mẹ cần biết rằng, ho chính là một cách tự nhiên để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể, cơ thể của bé hoàn toàn có đủ khả năng để sản xuất những kháng thể chống lại các virus gây cảm lạnh.

Cách phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ
Cảm lạnh có thể được phòng ngừa hiệu quả nếu ba mẹ biết cách chăm sóc bé. Hãy áp dụng những cách sau:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé. Nếu trẻ lớn rồi thì dạy bé rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi với động vật và sau khi đi vệ sinh.
- Không cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang bị cúm, cảm lạnh hoặc nghi ngờ bị cảm lạnh.
- Dạy trẻ che tay khi ho, hắt hơi.
- Nhắc trẻ không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Không được mút tay, cắn móng tay.
- Vệ sinh phòng ở, đồ chơi, đồ dùng của bé thường xuyên.
- Nên mang theo chai rửa tay khô khi cho bé ra ngoài để vệ sinh tay cho bé khi cần thiết.
Khi bị cảm lạnh thông thường trẻ sẽ sốt nhẹ, không bao gồm các triệu chứng đau nhức cơ thể, ớn lạnh hoặc cực kỳ mệt mỏi như bị cảm cúm. Mặc dù, Không gây nguy hiểm nhưng ba mẹ nên nắm bắt được các dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giúp bé nhanh khỏi cũng như tránh được nguy cơ biến chứng nặng. Đồng thời, Thận trọng hơn trong việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ ngăn ngừa những điều không mong muốn ảnh hưởng tới sức khoe của con trẻ.