Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu thay đổi đột ngột trẻ nhỏ luôn là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh. Do làn da còn mỏng manh nhạy cảm nên nhiều bé bị dị ứng thời tiết và cơ thể phản ứng bằng nổi mề đay, mẩn đỏ. Tình trạng dị ứng da ở trẻ nhỏ thường thể hiện ở vùng da mặt hoặc toàn thân.
Dị ứng thời tiết ở trẻ em là hiện tượng gì?
Dị ứng thời tiết là một loại phản ứng đối với những thay đổi của thời tiết, thường gặp ở nhiều độ tuổi. Nhưng đặc biệt dễ mắc nhất ở trẻ em có cơ địa yếu. Trẻ bị dị ứng thời tiết thường hay có các biểu hiện như quấy khóc, bỏ ăn, ngứa da về đêm, nóng rát như các loại dị ứng thông thường.
Nhiệt độ ngoài trời thay đổi đột ngột là một trong những nguyên nhân gây dị ứng thời tiết ở trẻ. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như cơ thể phản ứng quá mức với nhiệt độ và độ ẩm làm sản sinh các chất dị ứng. Dị ứng thời tiết ở trẻ em gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý và sinh hoạt hằng ngày của trẻ cũng như gia đình, vì thế, cần nhận biết và khắc phục kịp thời.
Nguyên nhân gây ra dị ứng
Dị ứng thời tiết ở trẻ em được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó, hai nguyên nhân chủ yếu là do môi trường không đảm bảo và do sức đề kháng của trẻ yếu. Bên cạnh đó còn các yếu tố nguy cơ khác như:
- Sự thay đổi đột ngột của thời tiết làm cho hệ miễn dịch tạo ra kháng thể lgE để đối kháng lại các yếu tố kích thích tư môi trường. Tuy nhiên lgE trong huyết thanh tăng nhanh làm cho tế bào mast giải phóng histamin tăng vọt, gây ra các triệu chứng dị ứng.
- Tiếp xúc với phấn hoa, nấm mốc.
- Nhiệt độ môi trường có sự thay đổi nhanh chóng, đột ngột.
- Độ ẩm xuống thấp làm da khô nứt.

Triệu chứng khi trẻ bị dị ứng thời tiết
Phát ban trên da
Nốt sần, tròn hoặc như vết muỗi đốt, sưng đỏ, ấn vào có cảm giác căng, mọc ở các vùng da ít được che chắn như cổ, tay, chân, mặt hoặc toàn thân. Ngứa ngáy khó chịu ở vết sưng đỏ, ngứa tăng lên khi gãi, nóng rát.
Bị viêm mũi dị ứng
Đây là tình trạng chung của các loại dị ứng. Trẻ dị ứng với thời tiết thường có các biểu hiện hắt hơi, nhiều dịch mũi ở hốc mũi làm trẻ khó thở rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm.
Sốt
Ở một số trẻ do sức đề kháng yếu và sự nhảy cảm với môi trường còn có hiện tượng sốt.
Dị ứng trên da
Trẻ bị dị ứng với thời tiết ngoài dấu hiệu phát ban dễ dàng nhận thấy thì còn có các biểu hiện khác đi kèm như: da khô nứt, có hiện tượng tróc vảy, da đỏ hơn bình thường, có thể ửng hồng hoặc sưng tấy.
Chán ăn, mất tập trung
Những phản ứng với thời tiết trên cơ thể bé ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, vui chơi của trẻ. Các nốt ngứa ngáy thậm chí là đau rát trên da khiến trẻ buồn chán, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng và lười ăn.
Phát mề đay cấp tính
Đây là biểu hiện dễ dàng nhận thấy nhất. Biểu hiện cụ thể là nổi mẩn toàn cơ thể, hoặc cũng có thể nổi thành từng đám phù có màu hồng, kèm cảm giác ngứa dữ dội.
Cách xử trí khi trẻ bị dị ứng thời tiết
Nhiều cha mẹ nghĩ chỉ có thời tiết nắng nóng mới khiến da bé bị ảnh hưởng, nhưng thật ra kể cả khi thời tiết lạnh, nhiều gió cũng có thể tác động đến làn da của bé.
Chăm sóc trẻ bị dị ứng do thời tiết khô
- Thường xuyên vệ sinh và đảm bảo da trẻ luôn trong trạng thái sạch sẽ, khô thoáng. Những vùng da đang bị tổn thương nên ngâm lâu hơn trong nước ấm, sau khi ngâm nên bôi kem dưỡng ẩm ngay để tránh tình trạng khô da.
- Bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ: Kem dưỡng ẩm giúp làm da duy trì độ ẩm và giữ cho da trẻ mịn màng hơn. Tuy nhiên cha mẹ nên nhờ tư vấn của bác sĩ để tránh sử dụng tùy tiện khiến tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế không để cho trẻ gãi lên những vùng da bị mẩn, ngứa. Để hạn chế cho trẻ làm trầy xước da do gãi, cha mẹ nên cắt móng tay hoặc mang bao tay cho trẻ.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, có thành phần chất liệu từ thiên nhiên.
Chăm sóc bé bị dị ứng do gió
- Kiêng đưa trẻ ra gió: Có phương án che chắn, bảo vệ trẻ khi ở nhà hay ra ngoài tránh nắng, gió. Nên cho mặc áo khoác cẩn thận, hạn chế đưa bé ra ngoài khi thời tiết đang chuyển mùa.
- Bôi kem dưỡng da cho trẻ: Gió khô, gió độc có thể khiến bé bị dị ứng, cha mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm cho bé để giữ làn da mịn màng suốt cả ngày. Tuy nhiên sử dụng loại kem dưỡng nào thì cũng nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.
Trong thời gian bé bị dị ứng nếu cha mẹ thấy có dấu hiệu bất thường như: ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi kéo dài… thì nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra và thăm khám trực tiếp.

Biện pháp phòng ngừa trẻ bị dị ứng thời tiết
Thời điểm thời tiết giao mùa chính là lúc trẻ rất dễ bị dị ứng thời tiết, vì vậy cha mẹ nên lưu ý vào những thời điểm này cần bảo vệ sức khỏe trẻ bằng những cách sau đây:
- Uống nhiều nước, ăn uống điều độ, đủ chất, ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức khỏe giảm nguy cơ dị ứng.
- Tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp thực phẩm giàu vitamin C, probiotic, khoáng chất.
- Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết thay đổi, hạn chế cho trẻ ra ngoài .
- Khuyến khích trẻ chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.
- Hạn chế đưa trẻ ra ngoài nếu như không cần thiết. Trường hợp nếu phải cho bé ra ngoài thì phải trang bị đầy đủ áo, khăn cổ, mũ che chắn cẩn thận…
- Tránh cho bé chơi dưới đất hoặc tiếp xúc với thú nhồi bông vì đây là những nơi hội tụ nhiều vi khuẩn có thể làm cho tình trạng ngứa ngáy, dị ứng của bé càng nặng hơn.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung thêm các Vitamin, dưỡng chất cần thiết như: nước cam, dưa hấu, bưởi,…
- Nên cho trẻ ăn những món có tính mát như cá, rau xanh, hoa quả,…và hạn chế ăn những món có thể gây dị ứng như: hải sản, cua, tôm, ghẹ,…
Trẻ bị dị ứng thời tiết là hiện tượng không hiếm gặp. Nếu kịp thời nhận biết thì sẽ dễ dàng khỏi bệnh, ngược lại, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, có thể để lại nhiều hậu quả to lớn. Cuối cùng, để chăm sóc tốt cho trẻ, cha mẹ hãy quan tâm, lắng nghe và chia sẻ những cảm nhận của con để có thể nhận biết sớm nhất những vấn đề bé yêu gặp phải. Chúc bạn và gia đình luôn vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Leave a reply