Hạ thân nhiệt ở trẻ em thường xảy ra ở những trẻ có tình trạng dinh dưỡng kém và thường đi kèm với hạ đường huyết hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng.
Mối nguy hiểm khi bé bị hạ thân nhiệt
Trẻ em dễ dàng bị mất nhiệt hơn so với người lớn vì tỷ lệ diện tích bề mặt da so với cơ thể cao gấp người lớn ba lần.
Khi thân nhiệt bé thấp dần, cơ thể có xu hướng bù trừ sao cho nhiệt độ điều chỉnh về mức cân bằng. Lúc này, bé sẽ phải thở nhiều hơn để sử dụng oxy cũng như dự trữ năng lượng cần thiết. Điều này gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn máu và gây nhiều biến chứng.
Nguyên nhân trẻ bị hạ thân nhiệt
- Bé có thể đã bị nhiễm trùng: Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ bị nhiễm trùng bởi hệ thống miễn dịch còn quá non yếu. Có nhiều loại nhiễm trùng như viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết đều là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh. Các loại nhiễm trùng này lại có thể đe dọa tính mạng của bé nên cần phải can thiệp y tế ngay lập tức.
- Điều kiện thời tiết môi trường xung quanh: Môi trường sống của bé quá lạnh như khi sống ở các vùng cao hay ba mẹ có thói quen cho bé nằm điều hòa quá thường xuyên cũng là nguyên nhân làm giảm thân nhiệt. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như: bé bị ướt hoặc không mặc quần áo trong thời gian dài, mẹ không lau khô người cho bé sau khi tắm.
- Thiếu hụt các yếu tố dinh dưỡng: Các nghiên cứu cho rằng đôi khi do thiếu hụt một số yếu tố dinh dưỡng nhất định như sắt, iốt hoặc các chất dinh dưỡng khác cũng là nguyên nhân làm giảm nhiệt độ cơ thể bé.
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ sinh non: Một trường hợp có thể lý giải cho chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh là các bé sinh nhẹ cân và sinh non đều có nguy cơ mắc phải tình trạng này rất cao.

Biểu hiện hạ thân nhiệt ở trẻ
Giống như tên gọi, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ bị hạ thân nhiệt xuống dưới 36 độ C. Những bé lớn hơn thường có dấu hiệu rét run. Trẻ bị hạ thân nhiệt dưới 36 độ C cũng xuất hiện một số triệu chứng sau đây:
- Bàn tay, chân lạnh ngắt, có dấu hiệu tím tái ở đầu ngón tay, chân, đi kèm cứng cơ.
- Mệt mỏi, khó chịu. Trẻ cũng thường có dấu hiệu nhiễm khuẩn như ngủ lo bì, bú kém, suy hô hấp.
- Huyết áp giảm, trẻ có cảm giác choáng váng, chóng mặt.
- Trong một số trường hợp, hạ thân nhiệt có thể gây rối loại nhịp thở, làm chậm nhịp tim.
- Trường hợp nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 28 độ C có thể dẫn đến hôn mê, đồng tử giãn, mất phản xạ với ánh sáng.
Điều trị hạ thân nhiệt ở trẻ em
Những trẻ bị hạ thân nhiệt cần được bù nước trước tiên trong trường hợp mất nước. Sau đó hãy cho trẻ ăn ngay, nên cho con ăn thành nhiều bữa nhỏ nếu bé không cảm thấy chướng bụng.
- Giữ ấm cho trẻ: Đảm bảo trẻ được mặc ấm, đặc biệt vùng đầu. Giữ trẻ ở nơi không có gió lùa.
- Theo dõi nhiệt độ hậu môn của trẻ mỗi 2 giờ đến khi nhiệt độ tăng lên >36,5 độ C. Theo dõi mỗi 30 phút nếu sử dụng đèn sưởi ấm.
- Đảm bảo trẻ được mặc ấm đầy đủ đặc biệt vào ban đêm.
- Cần phải giữ ấm đầu, cổ, ngực, tay, chân cho trẻ.
- Kiểm tra tình trạng hạ đường huyết khi phát hiện bé bị hạ thân nhiệt.
- Hãy cho bé đến bệnh viện để con được thăm khám với các bác sĩ Nhi khoa khi cần thiết.

Phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ
Để phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ em, ba mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Cho ăn ngay đúng giờ, đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Đặt giường của trẻ ở nơi ấm, không có gió lùa và trẻ cần được mặc ấm.
- Tránh làm cho trẻ lạnh (ví dụ sau khi tắm hoặc trong quá trình thăm khám).
- Thay tã, quần áo, giường ướt để giữ trẻ và giường luôn khô ráo.
- Lau khô trẻ sau khi tắm.
- Sử dụng đèn sưởi cẩn thận, không sử dụng chai nước nóng hoặc đèn huỳnh quang.
Nhiều người khi trẻ hoặc người trưởng thành bị hạ thân nhiệt muốn làm ấm nhanh chóng nên tiếp xúc nhiệt trực tiếp như: dùng miếng dán tăng nhiệt, xả nước nóng,… Việc làm này có thể gây bỏng và không giúp tăng thân nhiệt hiệu quả.