Bệnh viêm đường hô hấp trên là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vì đây là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Bệnh không quá nguy hiểm song điều đáng lo là dễ tái đi tái lại, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.
Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm đường hô hấp
Ở giai đoạn ủ bệnh viêm đường hô hấp, trẻ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn. Vì vậy, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ để bé sớm hồi phục sức khỏe. Một số lưu ý quan trọng gồm:
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ để cải thiện sức đề kháng, giúp bé mau chóng khỏi bệnh.
- Cho trẻ ăn uống, bú mẹ theo nhu cầu, không cần thiết phải kiêng cữ quá mức hoặc ép trẻ phải ăn hết phần thức ăn đã được chuẩn bị.
- Không nên cho trẻ ăn thức ăn, đồ uống lạnh hay thực phẩm mà trẻ bị dị ứng.
- Nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày với số lượng ít hơn và thức ăn mềm hơn, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Có thể bổ sung thêm rau xanh và trái cây vào chế độ ăn của trẻ lớn và nước ép hoa quả vào chế độ ăn của trẻ nhỏ.
- Cho bé uống đủ nước vì trẻ có nguy cơ mất nước do sốt và thở nhanh. Đồng thời, việc uống nhiều nước cũng có tác dụng làm dịu cổ họng và làm loãng đờm.
- Nếu bé bị nôn ói 1 – 2 lần/ngày và vẫn vui vẻ, chơi đùa bình thường thì chỉ cần cho bé ăn hoặc uống thêm sữa ngay sau khi nôn ói để bé không bị đói và sụt cân.

Trẻ bị viêm đường hô hấp trên nên ăn gì?
- Bổ sung đủ nước: Nước bao gồm nhiều loại. Đó có thể là nước ép trái cây, canh, súp,… giúp loại bỏ các độc tố hay tác nhân có hại trong đường hô hấp ra ngoài.
- Thực phẩm giàu vitamin C: Các loại quả giàu vitamin C như cam, quýt, kiwi,… sẽ giúp cơ thể bé tăng cường hệ miễn dịch bởi các loại quả này chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể trẻ.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Trong ngũ cốc nguyên hạt có chứa hàm lượng carbohydrate, vitamin B, khoáng chất, selen… giúp sản sinh năng lượng và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
- Thực phẩm giàu protein: Protein thường có trong các loại hạt, đậu, thịt trắng, cá hồi,… Nhóm thực phẩm này có đặc tính chống viêm, phục hồi các mô bị tổn thương đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trẻ. Mẹ có thể bổ sung những loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn của bé.
- Rau xanh: Các loại rau xanh như cải xoăn, bông cải xanh, bina,… chứa các chất dinh dưỡng cao sẽ bảo vệ cơ thể trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh.
Những thực phẩm cần hạn chế
- Hạn chế lượng muối ăn vào vì sẽ gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng cho tim. Không nên ăn các thực phẩm có nhiều muối (đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối sẵn…).
- Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có gas, những thực phẩm dễ gây đầy bụng vì làm tăng thể tích dạ dày gây khó thở cho bệnh nhân (củ cải, ớt xanh, dưa cải, táo, ngô, hành tây, dưa chuột, dưa hấu…).
- Hạn chế các thực phẩm chiên rán như khoai tây, thịt xiên nướng… là nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở khi ho.
- Người bệnh viêm đường hô hấp không nên uống rượu và hút thuốc vì sẽ gây kích thích niêm mạc đường hô hấp, tạo ra viêm nhiễm, dẫn đến ho khạc, nhiều đờm…

Biện pháp phòng bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh viêm đường hô hấp.
- Tránh các yếu tố gây hại cho đường hô hấp của trẻ như bụi bẩn, khí độc, hơi nóng,…
- Giữ vệ sinh và bảo quản sữa mẹ đúng cách, tránh nhiễm khuẩn.
- Phụ huynh nên rửa tay đúng cách trước và sau khi chăm sóc trẻ.
- Cho trẻ vệ sinh răng miệng và súc miệng hằng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể của bé vào mùa đông, đặc biệt là vùng cổ, ngực, bụng, bàn tay, gan bàn chân.
- Tránh cho trẻ nằm phòng điều hòa quá lạnh hoặc sinh hoạt ngoài trời quá lâu, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa.
- Hạn chế đưa bé đến những nơi đông người trong mùa dịch.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học: Bữa ăn của trẻ nên đa dạng và cân bằng giữa 4 nhóm chất là chất đường bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
- Vệ sinh môi trường sống, phòng ở nên lưu thông không khí tốt, tránh tình trạng bí bách, ẩm thấp.
- Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để tạo miễn dịch chủ động giúp bé phòng tránh được nhiều căn bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh việc điều trị cho bé, các mẹ có thể kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện tốt giúp bé phục hồi bệnh. Khi sử dụng các loại thực phẩm đúng cách và hợp lý giúp trẻ cải thiện sức khỏe, tăng cường sức khỏe và sức khỏe hệ miễn dịch, đảm bảo an toàn cho bé phát triển toàn diện.
Leave a reply