Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên. Đây là bệnh dễ tái phát nhiều lần do vậy khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng.
Trẻ bị viêm đường hô hấp trên là gì?
Viêm hô hấp trên ở trẻ bao gồm các bệnh viêm nhiễm xảy ra ở các bộ phận từ thanh quản đến mũi, cụ thể gồm: thanh quản, xoang, hầu, họng, mũi. Các cơ quan này chịu trách nhiệm trong việc thu nhận không khí, làm ấm, làm ẩm và lọc phần lớn tạp chất lạ trước khi không khí được đưa đến phổi.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh viêm hô hấp trên ở trẻ bao gồm:
Các loại virus
Bao gồm: Virus cúm, virus sởi, virus hợp bào hô hấp,… khá phổ biến, dễ lây nhiễm song triệu chứng bệnh thường khá nhẹ.
Các loại vi khuẩn
Vi khuẩn thường gây viêm hô hấp trên ở trẻ bao gồm: tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, vi khuẩn HIB, vi khuẩn Bordetella,…
Ngoài ra còn 1 số loại nấm gây bệnh song khá hiếm gặp, bệnh thường kéo dài và khó điều trị dứt điểm hơn. Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do một số yếu tố khác như: dị ứng thời tiết và các tác nhân lạ có trong không khí như khói bụi, phấn hoa, thời tiết thay đổi khiến cơ thể không kịp thích nghi,…
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị các bệnh đường hô hấp trên, tức là làm tăng cơ hội cho vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập vào cơ thể bao gồm:
- Tình trạng bệnh tật: Trẻ sinh non hoặc sinh mổ, còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do mắc bệnh HIV, điều trị corticoid kéo dài…
- Sức đề kháng của cơ thể: Bé ở độ tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh, nhất là dưới 1 tuổi. Đặc biệt là trong 2 tháng đầu sau sinh.
- Môi trường sống: Điều kiện nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc với khói (bếp, thuốc lá, than tổ ong), vệ sinh kém. Bé nằm ở phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp dễ bị khô mũi và cổ họng dẫn đến tình trạng viêm. Bệnh thường xuất hiện theo mùa thời tiết lạnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa đông – xuân nên việc không mặc đủ ấm, tắm nước lạnh, không lau khô cơ thể đều làm tăng nguy cơ bị bệnh.

Triệu chứng viêm đường hô hấp trên
Một số triệu chứng thường gặp như:
- Sốt.
- Ho.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi.
- Đau cổ họng.
- Ngứa, đau mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc…
- Mệt mỏi, chán ăn.
Biến chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên
Trẻ bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới với những triệu chứng như: khó thở, thở nhanh, thở rít, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. “Biến chứng nặng đó là tình trạng bội nhiễm kéo theo các bệnh lý khác, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp…”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm.
Chăm sóc trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp trên
Chăm sóc trẻ mắc viêm đường hô hấp trên để giúp trẻ dễ chịu hơn và triệu chứng cũng nhanh biến mất hơn:
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Phụ huynh nên tiếp tục cho trẻ ăn, bú bình thường, nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày và không nên ép trẻ.
- Trong trường hợp trẻ bị nghẹt mũi, phụ huynh có thể làm thông thoáng mũi cho bé bằng cách lấy khăn khô mềm.
- Bổ sung nước: Nước rất quan trọng, phụ huynh cần bổ sung đủ nguồn nước giúp cơ thể bé mau khỏe mạnh.
- Giữ ấm cơ thể cho bé khi thời tiết lạnh, vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ, tránh ở những nơi ẩm thấp.
- Nếu trẻ bị sốt, nên cho trẻ nằm trong phòng mát, thường xuyên lau mát ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm.
- Ngoài ra, nếu trẻ ho Cho trẻ uống trà với các dược liệu lành tính như: lá húng chanh, lá hẹ, gừng, bạc hà,…
Trong trường hợp trẻ có những triệu chứng dưới đây, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời:
- Bé không ăn uống được hoặc không bú sữa.
- Trẻ khó thở, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực… đây là biểu hiện của bệnh viêm phổi, cũng là biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên.
- Trẻ sốt cao kéo dài từ 2 ngày.

Các biện pháp phòng ngừa viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp trên là bệnh dễ mắc và thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, vì vậy, biện pháp phòng bệnh được đặt lên hàng đầu:
- Cho trẻ bú đầy đủ sữa mẹ, không nên cai sữa quá sớm.
- Hạn chế cho bé đến nơi đông người vào mùa dịch bệnh.
- Giữ đôi bàn tay luôn sạch sẽ sẽ loại trừ virus khỏi bàn tay. Để virus không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang cách ly với mầm bệnh.
- Tránh cho trẻ chơi, học tập trong môi trường đông đúc nhiệt độ quá cao, quá lạnh, không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi chơi hoặc ngủ.
- Tạo thói quen cho trẻ uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy, để cổ họng trẻ không bị khô, giữ ấm cổ cho trẻ khi ngủ tránh nhiễm lạnh, giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để chủ động tăng sức đề kháng cho trẻ.
Các bậc phụ huynh cần theo dõi nhằm phát hiện và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời đề phòng các biến chứng xảy ra. Để phòng tránh các bệnh lý viêm đường hô hấp trên ở trẻ, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sức khỏe thể chất của con nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ.