Hệ thống miễn dịch của trẻ cần có thời gian để hình thành phản ứng miễn dịch với dị nguyên có trong thức ăn. Dị ứng thức ăn ít khi xảy ra khi lần đầu tiếp xúc với loại thức ăn đó.
Dị ứng thức ăn là gì?
Dị ứng thức ăn là triệu chứng của hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với những thành phần “lạ” có trong thực phẩm.
Dị ứng thức ăn hay gặp hơn ở trẻ có cơ địa dị ứng (atopy). Trẻ có cơ địa dị ứng là những trẻ thường có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường, thường có bố mẹ hoặc anh chị em cũng có cơ đị dị ứng hoặc những trẻ mắc viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản, mày đay dị ứng.
Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn ở trẻ
- Nguyên nhân khách quan: Dị ứng thức ăn thường gặp nhất với những trẻ có cơ địa bị dị ứng. Thường những bé có bệnh hen, viêm da cơ địa, mề đay, viêm mũi dị ứng sẽ có nhiều khả năng bị dị ứng thức ăn hơn những đứa trẻ khác.
- Nguyên nhân chủ quan: Do bé ăn phải thức ăn lạ. Trong thức ăn có chứa những chất có cơ chế khiến cho hệ miễn dịch của bé phản ứng lại. Từ đó gây ra những biểu hiện dị ứng ở trẻ.

Triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ
Triệu chứng dị ứng do thức ăn có thể xảy ra sau vài phút đến vài giờ sau ăn. Các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Nổi ban, mề đay, ngứa, sưng đỏ, phồng rộp da.
- Ngứa rát, phù nề lưỡi, miệng.
- Ngứa mắt, dụi mắt.
- Chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu.
- Đau bụng, tiêu lỏng, buồn nôn, nôn ói.
- Thở khò khè, nghẹt mũi, khó thở.
- Sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
- Sốc phản vệ, co thắt nặng đường hô hấp, tụt huyết áp nghiêm trọng, choáng hoặc bất tỉnh, đe dọa tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những loại thức ăn dễ gây dị ứng
Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra các dị nguyên nào là nguyên nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Từ đó phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn cho trẻ.
Sau đây là 1 số những loại thức phẩm thường gây dị ứng cho trẻ mà các bạn cần lưu ý:
- Trứng, lòng trắng trứng.
- Cá, tôm, cua, ghẹ, trai, điệp, hào sò, vẹm (đồ biển).
- Các loại hạt.
- Ngũ cốc có chứa gluten (lúa mì, mạch đen, yến mạch và lúa mạch).
- Dioxyde lưu huỳnh và sulphit (các chất bảo quản thường sử dụng trong một số thức ăn và đồ uống).
- Một số trẻ nhũ nhi có tình trạng dị ứng với sữa.

Ăn gì để phát triển hệ khuẩn đường ruột cho trẻ
Những thói quen ăn uống sau đây sẽ giúp duy trì sự ổn định và phát triển của hệ khuẩn đường ruột:
- Sử dụng đa dạng các nhóm thức ăn.
- Ăn nhiều rau củ, trái cây và các loại đậu.
- Dùng nhiều thực phẩm lên men: yogurt, kim chi, sữa chua uống…
- Dùng nhiều chất xơ.
- Giảm sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo.
- Cho trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng.
- Bổ sung men vi sinh.
Cách phòng ngừa dị ứng thức ăn ở trẻ
Để phòng ngừa tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ, bố mẹ nên thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ đang cho con bú.
- Loại trừ thức ăn có khả năng dị ứng ra khỏi thực đơn của trẻ
- Tránh để bé tiếp xúc với các thức ăn có nguy cơ gây dị ứng.
- Dặn dò giáo viên ở trường về thực đơn của con phù hợp, tránh thức ăn có thể gây dị ứng.
- Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên việc lựa chọn thực phẩm cần đảm bảo sạch, an toàn. Không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Tránh các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng: rất nhiều thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao như hải sản, các loại động vật thân mềm, tôm, cua,… Nếu bé có cơ địa dị ứng thì không nên cho trẻ sử dụng những loại thực phẩm này.
- Cung cấp cho trẻ đủ dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Dị ứng thức ăn ở trẻ là điều mà các bố mẹ cần đặc biệt lưu ý nhất trong giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm. Hãy tìm hiểu thật kỹ về thành phần các loại thực phẩm trước khi cho bé sử dụng. Đồng thời chú ý cách chế biến đế thực phẩm giữ được chất dinh dưỡng và không bị biến đổi chất.