HIV/AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch do một loại virus có tên là HIV gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục, máu và mẹ truyền qua con.
Trẻ nhiễm HIV sẽ tiến triển đến giai đoạn AIDS rất nhanh. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy 50% trẻ bị AIDS được chẩn đoán trong năm đầu tiên sau khi sinh, và 82% vào lúc 3 tuổi.
Nguyên nhân trẻ nhiễm HIV
Phần lớn trẻ nhiễm HIV khi mẹ đang mang thai, trong quá trình sinh hoặc khi cho con bú. Thai phụ sẽ được điều trị kịp thời sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV để giảm đáng kể nguy cơ lây lan virus cho con. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa HIV ở trẻ em.
Trẻ cũng nhiễm bệnh do bị lạm dụng tình dục hoặc cưỡng hiếp.
Việc truyền máu dương tính với HIV hoặc sử dụng kim tiêm chưa qua khử trùng cũng dễ lây nhiễm căn bệnh này cho trẻ em. Đặc biệt là ở các nước nghèo và nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh y tế lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.
Triệu chứng ở trẻ nhiễm HIV
Không phải tất cả trẻ nhiễm HIV đều xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng nhiễm HIV ở trẻ em thay đổi và khác nhau tùy theo giai đoạn.
Một số triệu chứng phổ biến:
- Chậm phát triển, không tăng cân.
- Không phát triển kỹ năng cần có ở lứa tuổi đó (cột mốc phát triển theo tuổi).
- Các vấn đề về thần kinh hay não như động kinh, khó khăn khi di chuyển hoặc khó tiếp thu.
- Thường xuyên mắc các chứng bệnh như nhiễm trùng tai, cảm lạnh, đau dạ dày hoặc tiêu chảy.
Khi HIV tiến triển, trẻ em bắt đầu xuất hiện các bệnh nhiễm trùng hiếm gặp và có thể gây tử vong cho những người có hệ miễn dịch không tốt. Những bệnh “nhiễm trùng cơ hội” này bao gồm:
- Viêm phổi, phế quản – phổi, nhiễm nấm phổi.
- Cytomegalovirus (CMV).
- Một loại sẹo phổi được gọi là viêm phổi mô kẽ (lymphocytic interstitial pneumonitis, hay LIP).
- Loét miệng hoặc viêm phổi do nhiễm nấm.
Điều trị HIV cho trẻ
Trẻ em được điều trị bệnh tương tự như người lớn bằng cách kết hợp các loại thuốc gọi là ART (điều trị kháng retrovirus). Nhưng nó không đơn giản bởi vì một số loại thuốc điều trị HIV không có ở dạng lỏng mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể nuốt được. Một số loại thuốc lại gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.
Nếu không có điều trị ART, một phần ba trẻ sơ sinh nhiễm HIV trên toàn thế giới sẽ không thể sống sót qua năm tuổi đầu tiên. Một nửa trong số các bé tử vong trước khi được 2 tuổi. Những bé lớn hơn không có triệu chứng vẫn có khả năng dùng ART để điều trị và sống khỏe mạnh.
Với ART, các biến chứng từ HIV hoặc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như chán ăn, tiêu chảy, ho và cảm lạnh sẽ được điều trị như những bệnh đặc trưng ở trẻ nhỏ.
Chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, bố mẹ và người thân cũng nên tâm sự với trẻ về căn bệnh theo cách phù hợp nhất với tuổi của con, để bé không phải quá sợ hãi khi nói đến căn bệnh mà mình mắc phải.
Sự hỗ trợ về mặt xã hội, tài chính và tình cảm cho cả gia đình rất quan trọng, đặc biệt là ở các vùng còn khó khăn. Trẻ nhiễm HIV/AIDS vẫn sẽ được đi học. Song song đó, các chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục cần phá vỡ sự kỳ thị xung quanh căn bệnh HIV để trẻ sẽ có cơ hội kết bạn và có cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác.
Dinh dưỡng: Vì HIV tìm thấy trong sữa mẹ, ngay cả trong sữa non, nguy cơ lây nhiễm từ sữa ở mẹ có HIV dương tính cho con là 15-20%, vì vậy hãy thay sữa mẹ bằng sữa thay thế. Không cho trẻ vừa bú mẹ vừa bú sữa thay thế bởi làm tăng cơ hội cho virus HIV xâm nhập cơ thể trẻ.
Hỗ trợ về tinh thần: Những trẻ nhiễm HIV vẫn được đến nhà trẻ, mẫu giáo, đi học bình thường vì không có nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường, cần giữ bí mật để trẻ không bị định kiến hoặc xa lánh, chỉ có thầy thuốc, cô giáo, cô nuôi dạy trẻ, người thân trong gia đình biết để phối hợp chăm sóc, theo dõi, dạy dỗ, giúp đỡ trẻ. Nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, tổ chức nhân đạo, từ thiện với gia đình của trẻ.
Vệ sinh cơ thể: Chăm sóc vệ sinh da, mũi họng, răng miệng thường xuyên cho trẻ để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.
Theo dõi sức khỏe: Trẻ bị nhiễm HIV cần phải được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Thăm khám định kỳ, để phát hiện sớm tiến triển của bệnh, tình trạng miễn dịch và nhiễm trùng.
Tiêm chủng: Là biện pháp dự phòng quan trọng với trẻ nhiễm HIV, mặc dù đáp ứng tạo kháng thể sau tiêm chủng là kém. Tuy vậy tổ chức y tế thế giới khuyến cáo vẫn tiêm chủng cho trẻ không có triệu chứng kể cả đã có triệu chứng.
Leave a reply