Viêm thanh khí phế quản là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp không được chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm đã dẫn đến biến chứng. Vì thế, việc trang bị những kiến thức liên quan đến viêm thanh khí phế quản ở trẻ là rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh.
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ là bệnh gì?
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ em hoặc Croup là một tình trạng gây ra phù nề thanh quản và khí quản, dẫn đến đường dẫn khí dưới dây thanh âm (vùng hạ thanh môn) bị hẹp lại và khiến người bệnh có tiếng thở ồn ào khi hít vào (thở rít) và khó thở hơn.
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ thường gặp vì đây là một bệnh lây nhiễm nhưng hầu hết các đợt viêm thanh khí phế quản đều ở mức độ nhẹ, lành tính với tỷ lệ tử vong thấp, chỉ có khoảng dưới 10% trẻ mắc bệnh cần phải nhập viện để điều trị.
Độ tuổi dễ mắc bệnh: Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Ở những trẻ lớn tuổi hơn thì ít mắc bệnh này vì khí quản lớn hơn và sự phù nề cũng ít gây hẹp đường thở.
Bệnh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm, nhưng thường gặp vào những tháng mùa thu và đông. Bệnh có thể nhanh chóng chuyển nặng và thường hay bị tái phát nhiều lần.

Nguyên nhân gây bệnh
Hầu hết các trường hợp viêm thanh khí phế quản ở trẻ đều do virus gây nên, có tới 50 – 75% trong số đó là do virus parainfluenza. Các đợt viêm thanh khí phế quản chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ, số trường hợp nhập viện điều trị chiếm khoảng 10%. Ngoài virus parainfluenza, thì virus hợp bào hô hấp, virus cúm nhóm A, B, enterovirus, rhode virus và adenovirus là cũng là nguyên nhân gây ra viêm thanh khí phế quản.
Ngoài ra, khi có sự tác động của các yếu tố gây dị ứng, tình trạng này vẫn có thể tái phát lần nữa. Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát tốt vấn đề trào ngược dạ dày có thể giúp hạn chế nguy cơ tái phát của viêm thanh khí phế quản.
Triệu chứng viêm thanh khí phế quản ở
Việc hiểu biết về triệu chứng của viêm thanh khí phế quản ở trẻ có thể giúp các bậc phụ huynh chăm sóc con tốt hơn, hạn chế được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Khi bị viêm thanh khí phế quản, bé thường có những triệu chứng sau:
- Các triệu chứng ban đầu tương đối giống với nhiễm trùng đường hô hấp trên: ho, sổ mũi, sốt nhẹ, khó nuốt, khàn giọng khóc không thành tiếng.
- Nếu bệnh tiến triển nặng, bé sẽ có biểu hiện giống như bị suy hô phấp: cánh mũi phập phồng, khi bé bị ho, khi ngủ hay đang khóc thường bị rít lõm ngực và thở rít.
- Sau một tuần ho kéo dài, các triệu chứng còn lại sẽ được cải thiện dần. Tuy nhiên, vào ban đêm hoặc trẻ bị kích thích do một yếu tố nào đó cũng làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Tùy thuộc vào sức đề kháng, cấu tạo đường thở mà mỗi bé sẽ có một tình trạng khác nhau.
Chẩn đoán trẻ bị viêm thanh khí phế quản?
Bác sĩ sẽ dựa trên bệnh sử và thăm khám toàn thân để chẩn đoán trẻ có bị bệnh hay không?
Triệu chứng khởi phát đột ngột ở trẻ sẽ là ho liên tục, khàn giọng, tiếng thở rít lúc trẻ hít vào.
Không cần thiết áp dụng đánh giá xét nghiệm và hình ảnh nhưng vẫn có thể sử dụng để loại trừ các bệnh khác ở những trường hợp với triệu chứng không điển hình hoặc quá nghiêm trọng.
Không thể chẩn đoán được tình trạng co thắt bằng chụp X – quang lồng ngực nhưng có thể loại trừ các tình trạng bất thường ở phổi ở một trẻ có tiếng thở rít.
Ở những trẻ bị tái phát, nội soi phế quản là cần thiết. Đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi.

Cách chăm sóc trẻ khi bị viêm thanh khí phế quản
Thông thường, từ 3 – 5 ngày là bé sẽ khỏi bệnh, tuy nhiên thời gian này có thể kéo dài đến 2 tuần. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ tại nhà là điều rất cần thiết. Để cải thiện các triệu chứng của viêm thanh khí phế quản ở trẻ, bố mẹ cần:
- Uống nhiều nước ấm để làm lỏng chất nhầy, thức ăn mềm lỏng dễ nuốt, chia nhỏ bữa ăn.
- Tránh khói thuốc, có thể kích thích ho nhiều hơn. Đặt nằm đầu cao.
- Cha mẹ ngủ cùng với trẻ trong giai đoạn bệnh để phát hiện sớm các triệu chứng bắt đầu khó thở hơn.
- Giữ không khí ẩm, thoáng.
- Dỗ dành trẻ, tránh kích thích quấy khóc nhiều. Giữ cho trẻ cảm thấy thoải mái là điều quan trọng bởi vì trẻ mệt và khóc có thể làm trầm trọng thêm.
- Bố mẹ theo dõi các dấu hiệu bênh diễn tiến nặng lên để tái khám kịp thời.
- Nếu con bạn bị sốt (trên 38°C), bạn có thể cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen.
- Hạn chế lây lan: Nếu trẻ bị mắc bệnh, nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, tránh xa trường học và những nơi đông người. Thường xuyên rửa tay kỹ có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Đa phần các trường hợp trẻ bị viêm thanh khí phế quản đều ở mức độ nhẹ, ít khi có biến chứng nghiêm trọng nhưng nếu cha mẹ chủ quan, không theo dõi sát những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh thì bệnh vẫn có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng tới quá trình thở bình thưởng của trẻ. Vì thế, mỗi phụ huynh có con nhỏ cần ghi nhớ các chăm sóc tại nhà khi trẻ bị viêm thanh khí phế quản để giúp trẻ cải thiện triệu chứng đồng thời cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu triệu chứng bệnh của trẻ không cải thiện.
Leave a reply