Trượt đốt sống chính là sự di chuyển bất thường của đốt sống khiến cột sống bị biến dạng, tổn thương, gây nên nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người bệnh.
Trượt đốt sống lưng là bệnh gì?
Trượt đốt sống lưng là thuật ngữ dùng để chỉ sự sai lệch vị trí của một đốt sống ở trên đốt sống khác. Bình thường, đốt sống có dạng hộp và chồng lên với nhau để tạo thành cột sống. Giữa các đốt sống sẽ có một đĩa đệm để tạo ra vùng đệm linh hoạt và đàn hồi cho cột sống. Tất cả sẽ được kết nối và bao quanh bởi hệ thống dây chằng và bao hoạt dịch. Ở người bị trượt đốt sống, những đốt sống sẽ di chuyển khỏi vị trí ban đầu theo hướng lệch ra trước hoặc ra sau so với đốt sống của thắt lưng dưới.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây hiện tượng trượt đốt sống được xác định là do:
- Khe hở eo đốt sống: Eo đốt sống là phần giao nhau giữa 2 mỏm khớp. Yếu tố di truyền hoặc chấn thương cột sống, dẫn đến khe hở eo đốt sống sẽ khiến đốt sống không được cố định đúng vị trí, gây ra trượt đốt sống.
- Thoái hóa cột sống: Những bệnh nhân lớn tuổi, xương khớp bị thoái hóa làm mài mòn sụn khớp, dễ gây hở eo đốt sống làm đốt sống trượt dần ra phía sau.
- Thoát vị đĩa đệm: Khi bị thoát vị đĩa đệm, nhân nhầy đĩa đệm bị thoát ra ngoài khiến cấu trúc cột sống bị lỏng lẻo, gặp tác động ngoại lực có thể dẫn đến trượt đốt sống.
- Thủ thuật ngoại khoa cột sống: Nhiều bệnh nhân sau khi thực hiện các thủ thuật ngoại khoa ở cột sống dẫn đến đốt sống bị thiếu hụt một phần, mất dần sự bền vững và trượt đốt sống xảy ra.

Dấu hiệu nhận biết bệnh trượt đốt sống
Các dấu hiệu trượt đốt sống thường diễn tiến âm thầm và chỉ thường phát hiện thông qua chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) khi người bệnh cảm thấy đau lưng và đau chân dữ dội nên thăm khám. Một số người sẽ có cảm giác đau lưng ngắt quãng, nhất là khi gập lưng.
Dấu hiệu thần kinh có thể xảy ra khi tủy sống bị kẹt vì trượt đốt sống hoặc các sợi thần kinh đi ra từ tủy sống. Ngoài ra, có một số dấu hiệu thần kinh tương tự như thoát vị đĩa đệm cũng có thể xảy ra với người bệnh, như:
- Chân bị đau.
- Có cảm giác như bị sốc điện dọc xuống bàn chân.
- Cảm thấy như có kiến bò hoặc tê bì ở ngón chân và bàn chân.
- Chân bị yếu và liệt
Biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị
- Đau mạn tính, giảm vận động, giảm chất lượng cuộc sống.
- Teo cơ, giảm sức cơ, liệt hoàn toàn, liệt sau té ngã.
- Hẹp ống sống.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: rối loạn đại tiểu tiện, suy giảm sinh dục.
- Tổn thương rễ thần kinh, chảy máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng
- Chụp X-quang quy ước ở các tư thế: Thẳng, nghiêng, cúi tối đa và ưỡn tối đa. Trong một số trường hợp, cần thiết chụp thêm film chếch 3⁄4 (phải, trái). X-quang quy ước giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ trượt.
- Cắt lớp vi tính (CT Scan): Là công cụ chẩn đoán rất có giá trị đánh giá về cấu trúc xương, xác định vị trí, mức độ trượt và các tổ thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống,…
- Cộng hưởng từ (MRI) là công cụ lý tưởng để đánh giá tổn thương về mô mềm và sự chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống thắt lưng. Trên phim cộng hưởng từ, có thể phát hiện các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh: đĩa đệm thoát vị, dây chằng dày, các tổ chức xơ sẹo, hẹp lỗ ghép,…
Điều trị trượt sống lưng
- Điều trị nội khoa: Hầu hết bệnh nhân bị trượt đốt sống được điều trị nội khoa. Những bệnh nhân ở tuổi thiếu niên, chỉ cần nằm nghỉ, mặc áo cố định ngoài và hạn chế các hoạt động gây đau là có thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh.
- Điều trị bằng phẫu thuật trong các trường hợp: trượt đốt sống có tổn thương rễ thần kinh; có đau cột sống thắt lưng điều trị nội khoa nhưng không đỡ; trượt đốt sống tiến triển ngày càng nặng. Phẫu thuật ghép xương làm liền xương vững chắc giữa các đốt sống, loại bỏ chuyển động bất thường giữa các đốt sống kém vững
- Vật lý trị liệu: Đối với chứng trượt đốt sống, các biện pháp điều trị bằng vật lý trị liệu được áp dụng chính. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập vật lý trị liệu để chỉnh lại tư thế, kết hợp châm cứu, chiếu đèn hồng quang, nắn chỉnh cột sống,… Những phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả giảm đau lâu dài, đưa đốt sống trở về đúng vị trí, phục hồi cấu trúc tự nhiên của cột sống,…

Cải thiện trượt đốt sống bằng chế độ ăn uống
Bên cạnh các phương pháp tập luyện và sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho xương khớp, phục hồi những tổn thương tại đây.
Cụ thể, nên chú ý kết hợp các thực phẩm tốt cho sức khỏe và hạn chế thực phẩm gây hại xương khớp như:
- Tăng cường sữa và các sản phẩm từ sữa giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa lão hóa.
- Bổ sung omega-3 trong các loại cá béo hoặc các loại hạt, rau mầm nhất là rau họ cải giúp giảm các phản ứng viêm trong cơ thể.
- Cung cấp vitamin và chất xơ giàu chất chống oxy hóa, bảo vệ xương khớp khỏi những tác nhân có hại từ các loại rau xanh và hoa quả, đặc biệt rau màu xanh đậm và quả mọng.
- Lựa chọn các loại ngũ cốc chưa tinh chế giàu vitamin D, tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa
- Hạn chế đồ ăn nhiều muối dẫn đến dư thừa sodium.
- Tránh thực phẩm nhiều đường giải phóng cytokine – hoạt chất gây viêm, đau khớp.
- Tránh ăn đồ dầu mỡ, đồ chiên xào, thịt đỏ dễ làm tăng tình trạng sưng viêm.
Phòng ngừa những cơn đau do trượt đốt sống
Trượt đốt sống là tình trạng rất nhiều người gặp phải, thế nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng chính những thói quen hàng ngày như:
- Duy trì tư thế tốt: Khi ngồi hoặc đứng không dựa dẫm, luôn giữ cột đống ở tư thế đúng.
- Chú ý khi nâng các vật nặng. Tùy vào sức khỏe và sự dẻo dai của từng người mà nâng các vật có trọng lượng khác nhau. Không nên cố nâng vật quá nặng bởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống.
- Tránh các môn thể thao và động tác đồi hỏi vặn mình quá mức, liên quan trực tiếp đến đốt sống.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân hoặc tăng cân quá nhanh làm tăng áp lực lên cột sống.
- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, đều đặn, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
- Phân bổ thời gian nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý.
Tuy không quá nguy hiểm nhưng trượt đốt sống lưng gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quá trình di chuyển của khách hàng. Bạn cần phát hiện sớm và có những phác đồ điều trị thích hợp ngay từ đầu để giảm những di chứng không đáng có. Trên đây là một số các thông tin hữu ích về bệnh trượt đốt sống lưng, hy vọng sẽ giúp ích, cung cấp thêm kiến thức cho quý bạn.
Leave a reply