U dây thần kinh thính giác là một khối u lành tính nằm ở góc cầu tiểu não. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường như gây liệt các dây thần kinh, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
U dâu thần kinh thính giác là gì?
U dây thần kinh thính giác còn được gọi là u dây thần kinh số 8. Đây là một khối u lành tính, phát triển chậm, thường bắt đầu từ dây thần kinh sọ thứ 8 của não (dây thần kinh tiền đình).
U dây thần kinh thính giác có thể ảnh hưởng tới 1 hoặc cả 2 bên tai, thường là 1 bên, có kích thước bằng đầu ngón tay hoặc quả trứng gà nhưng nằm trong hố não sau của sọ nên có thể gây nhiều rối loạn nghiêm trọng.
Nguyên nhân gâu u thần kinh thính giác
Nguyên nhân chính xác để các tế bào Schwann nhân lên và dẫn đến u thần kinh thính giác còn chưa rõ ràng. Hầu hết các trường hợp, không xác định được nguyên nhân.
Tuy nhiên có thể một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tuổi: Thường xuất hiện ở độ tuổi 30-60 tuổi.
- Tiền sử gia đình: U xơ thần kinh type 2 có thể có trong gia đình. Tuy nhiên điều này chỉ chiếm 5% các trường hợp.
- Phơi nhiễm tia xạ: Tiếp xúc đáng kể với tia xạ ở phần đầu và cổ trong lúc nhỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sau này.

Triệu chứng u dây thần kinh thính giác
Triệu chứng của u thần kinh thính giác bao gồm:
- Nghe kém ở 1 tai trong 90 % các trường hợp.
- Ù tai, hoặc nghe như tiếng chuông kêu trong tai.
- Đau tai.
- Hoa mắt, mất khả năng giữ thăng bằng, hoặc chóng mặt nếu khối u ảnh hưởng đến tai trong.
- Giảm cảm giác xúc giác: Thường ảnh hưởng đến một bên mặt và miệng.
- Giảm cảm giác vị giác ở nửa sau của lưỡi đau đầu, nôn ói, và thay đổi nhận thức có thể có nếu khối u gây nên tăng áp lực trong sọ não, thị lực đôi khi cũng bị ảnh hưởng.
U thần kinh thính giác là u tiến triển chậm, nhưng nó có thể chèn ép các cấu trúc khác của não bộ và trở nên đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Triệu chứng ở giai đoạn sau, khi khối u lan vào hố não sau và gây liệt một số dây thần kinh sọ:
- Liệt dây thần kinh số 5: Mất phản xạ giác mạc, giảm cảm giác ngoài da ở nửa bên mặt có khối u, về sau bị liệt cơ nhai.
- Liệt dây thần kinh số 6: Mắt của bên có khối u bị lác vào trong, nhức đầu từng cơn hoặc đôi khi bị đau đầu dữ dội.
- Liệt dây thần kinh số 7: Liệt nhẹ nửa mặt hoặc co thắt cơ mặt ở bên có khối u.
- Khi khối u lan vào góc tiểu cầu não và thân não: Các chi bị rối loạn, đi đứng loạng choạng, run tay chân, đi hay bị ngã về bên có khối u.
- Triệu chứng tăng áp lực nội sọ: Đau đầu nặng vùng đỉnh đầu và gáy, nôn mửa.
Biến chứng của u thần kinh thính giác
Một số biến chứng có thể có, bao gồm:
- Mất thính lực: Tình trạng này có thể kéo dài ngay cả sau khi điều trị.
- Chóng mặt và mất thăng bằng: Nếu xảy ra, nó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
- Liệt mặt: Nếu phẫu thuật, hoặc hiếm hơn là khi bản thân khối u, ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt là dây thần kinh gần dây thần kinh thính giác, một bên mặt có thể bị xệ xuống, khó nuốt, khó nói.
- Não úng thủy: Nếu một khối u lớn đè lên thân não, điều này có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của dịch não tủy giữa tủy sống và não bộ. Nếu dịch não tủy bị ứ lại trong đầu, nó có thể dẫn đến não úng thủy.

Cách điều trị u dây thần kinh thính giác
Điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:
- Tuổi của người bệnh.
- Tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Vị trí và kích thước khối u.
Lựa chọn cơ bản để điều trị:
- Điều trị triệu chứng và theo dõi định kỳ bằng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Thường áp dụng cho các khối u kích thước nhỏ, triệu chứng nghèo nàn, bệnh nhân tuổi cao…
- Xạ phẫu: Thường được áp dụng cho các khối u kích thước nhỏ, u còn sót lại hay tái phát sau phẫu thuật.
- Xạ trị: Phương pháp này giúp làm giảm kích thước hoặc hạn chế sự phát triển của khối u dây thần kinh thính giác. Phương pháp này được ưu tiên lựa chọn cho những người bệnh lớn tuổi, có sức khỏe kém, có khối u ảnh hưởng tới cả 2 tai hoặc khối u ảnh hưởng tới bên tai duy nhất còn khả năng nghe.
- Phẫu thuật lấy u: Đây là phương pháp kinh điển, phổ biến điều trị u dây thần kinh VIII. Phẫu thuật có thể thực hiện thông qua đường dưới chẩm sau xoang Sigmoid, đường xuyên thái dương ngoài màng cứng, đường xuyên mê nhĩ…
- Theo dõi: Trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hay xạ trị, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi sự phát triển của khối u và thực hiện chụp MRI não định kỳ để đánh giá khối u.
Nếu để u dây thần kinh thính giác phát triển lớn mà không kịp thời chẩn đoán, điều trị, nó có thể cản trở sự lưu thông dịch não tủy, thậm chí gây tử vong. Do vậy, ngay khi có các triệu chứng cảnh báo bệnh, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán xác định và có phương án điều trị sớm.