U phổi lành tính là một bệnh lý không phải hiếm gặp nhưng lại khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng vì lo sợ nó sẽ trở thành khối u ác tính trong tương lai gần. Nguyên nhân hình thành là do đâu và làm thế nào để khắc phục? Hãy cùng theo dõi qua bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về u phổi lành tính bạn nhé!
Khối u là gì?
Khối u là sự tích tụ bất thường của mô khi các tế bào phân chia quá nhanh hoặc không chết đi như bình thường. Khối u phổi xuất hiện ở mô phổi hoặc trong đường hô hấp dẫn đến phổi. Các khối u phổi có thể là ác tính (ung thư) hoặc lành tính (không phải ung thư).
U phổi lành tính là gì?
U phổi lành tính (tiếng Anh là Benign Lung Tumors) là thuật ngữ ám chỉ khối u ở phổi, phát triển ”lành tính”, không lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, tăng trưởng chậm và thường không gây nguy hiểm chết người. Khối u lành tính ở phổi này cũng xuất phát từ sự biến đổi cấu trúc ở phổi, nhưng theo hướng ít nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện vẫn chưa có kết quả nghiên cứu ra nguyên nhân thực sự dẫn tới sự tăng sinh của các tế bào hình thành nên các khối u phổi lành tính. Có thể chúng chính là kết quả của những tình trạng sau:
- Do người bệnh thường xuyên hút thuốc lá.
- Bệnh nhân nhiễm virus gây u nhú.
- Áp xe phổi: Thường là do vi khuẩn khiến phổi có những vết nhiễm trùng bên trong chứa đầy mủ; Khi khối áp xe được giải phóng và hồi phục có thể tạo thành sẹo phổi.
- U hạt: do nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn (vi khuẩn lao) tạo ra các chùm nhỏ tế bào bị viêm ở phổi.
- Các dị tật bẩm sinh như sẹo phổi, u nang phổi hoặc dị dạng về phổi khác.
- Mắc các bệnh lý gây viêm như u hạt Wegener, sarcoidosis hoặc viêm khớp dạng thấp.

Dấu hiệu u phổi lành tính
Hầu hết các u phổi lành tính không có các triệu chứng cụ thể vì thế nó được lý giải vì sao các khối u này thường chỉ được phát hiện khi chụp X-quang. Trong một số trường hợp bệnh nhân u phổi có thể có các biểu hiện cụ thể sau:
- Thở khò khè.
- Ho kéo dài, ho ra máu.
- Khó thở.
- Khàn tiếng.
- Sốt, nhất là khi kèm theo viêm phổi.
- Sụt cân, mệt mỏi.
Chuẩn đoán u xơ lành tính
Nếu phát hiện có khối u phổi, hoặc các nốt phổi có kích thước, hình dạng khác thường, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm lao để kiểm tra bệnh lao.
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
- CT phát xạ ảnh (SPECT).
- Chụp cộng hưởng từ (trong một số trường hợp).
- Sinh thiết lấy mẫu mô và khám dưới kính hiển vi để xác nhận xem khối u lành tính hay ung thư.
Nói chung, để phân biệt u lành tính và ung thư phổi thì điều quan trọng nhất là cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán mới có kết luận chính xác. Từ đó, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị u phổi lành tính
Với các trường hợp khối u được chẩn đoán lành tính, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc để thu nhỏ kích cỡ khối u hoặc kìm hãm sự phát triển của nó. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đề nghị bạn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) nhằm theo dõi bất kỳ thay đổi nào về kích thước hoặc hình dạng của khối u.
Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật/mổ để loại bỏ khối u nếu:
- Bạn là người hút thuốc lá hoặc có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao.
- Bạn bị khó thở hoặc gặp phải các triệu chứng đường hô hấp khó chịu khác.
- Các xét nghiệm cho thấy khối u có khả năng tiến triển thành ung thư.
- Nốt phổi hoặc khối u phổi tiếp tục phát triển mà không có dấu hiệu ngừng lại.
Phương pháp phẫu thuật như thế nào tùy thuộc vào vị trí và loại khối u. Bác sĩ có thể loại bỏ một phần nhỏ của khối u, một hoặc nhiều phần của một thùy, một hoặc nhiều thùy của phổi hoặc toàn bộ lá phổi. Trong mọi trường hợp, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng ít mô càng tốt.
U phổi lành tính hoàn toàn có thể được chữa trị dứt điểm nếu bạn phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần là rất cần thiết. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng và phương án điều trị ngay lập tức nếu bạn được chẩn đoán có khối u trong phổi.