Người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn I (giai đoạn đầu) thường không có triệu chứng đặc hiệu. Tầm soát là cách tốt nhất để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn I là gì?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu hay ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là tình trạng khối u chỉ mới hình thành và được tìm thấy bên trong cổ tử cung. Nó chưa lây lan đến vách chậu, âm đạo, các bộ phận lân cận cũng như ở xa.
Việc xác định giai đoạn ung thư cổ tử cung căn cứ vào mức độ tràn lan của khối u. Điều này giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị nào phù hợp nhất.
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn I (IA và IB) khi bệnh giới hạn trong cổ tử cung, chưa lan sang các mô xung quanh hoặc các cơ quan khác.
Các giai đoạn trong ung thư cổ tử cung giai đoạn I
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IA
Ở giai đoạn IA, sự phát triển của khối u rất nhỏ nên chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi.
Giai đoạn này có thể được chia thành 2 phân nhóm:
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IA1: Độ sâu tổn thương < 3mm.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IA2: Độ sâu tổn thương từ 3 – 5mm.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB
Ở giai đoạn này, khối u có kích thước lớn hơn nhưng còn giới hạn tại cổ tử cung, chưa di căn xa.
Giai đoạn này có thể được chia thành 3 nhóm:
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB1: Tổn thương có độ sâu ≥ 5mm và độ rộng < 2cm.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB2: Tổn thương có độ sâu ≥ 5mm và độ rộng từ 2 – 5cm.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB3: Tổn thương có độ rộng ≥ 4cm.
Triệu chứng bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn I
Một số biểu hiện có thể gặp phải ở người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 1:
- Chảy máu bất thường ở âm đạo: Âm đạo chảy máu không do chu kì kinh nguyệt, lượng máu nhỏ và khó nhận ra.
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt rút ngắn hoặc kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều, ít máu kinh hoặc ra quá nhiều máu…
- Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch âm đạo có màu trắng đục, vàng hoặc xanh, dịch có lẫn máu và có mùi hôi…
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Xét nghiệm Pap
Khám phụ khoa định kỳ kết hợp xét nghiệm Pap có thể phát hiện hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap (hay Pap smear) là phương pháp thu thập các tế bào từ cổ tử cung, sau đó kiểm tra để tìm các dấu hiệu tiền ung thư, ung thư hoặc các bệnh lý lành tính khác.
Xét nghiệm HPV
Nếu kết quả Pap bất thường, người bệnh thường được kiểm tra thêm bằng xét nghiệm HPV. Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá các tế bào từ cổ tử cung có nhiễm HPV hay không.
Người bệnh nằm ngửa trên bàn khám phụ khoa, một dụng cụ gọi là mỏ vịt được đưa vào âm đạo (dụng cụ này sẽ mở ra âm đạo). Bác sĩ sử dụng dụng cụ giống bàn chải để lấy tế bào hoặc nong và nạo cổ tử cung lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV.
Sinh thiết
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra cổ tử cung và lấy mẫu mô làm sinh thiết khi nghi ngờ tổn thương ác tính. Nhiều kỹ thuật có thể được sử dụng để lấy bệnh phẩm, như bấm kim sinh thiết hay khoét chóp,…
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Có thể thực hiện cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung để loại bỏ khối u. Kỹ thuật phẫu thuật ung thư cổ tử cung được chia thành 2 nhóm chính dưới đây:
Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản
Áp dụng trong trường hợp bệnh nhân còn trẻ và vẫn có mong muốn sinh con, khối u có kích thước nhỏ. Để thực hiện phẫu thuật bảo tồn cho người bệnh, bác sĩ sẽ xem xét lựa chọn một trong các cách làm sau:
- Phẫu thuật khoét chóp: Loại bỏ khối u ngay cả khi đã ăn sâu vào thành cổ tử cung.
- Phẫu thuật lạnh: Thường dùng với khối u nhỏ, chưa ăn sâu vào thành cổ tử cung.
- Phẫu thuật cắt bằng điện.
Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn có thể mang thai và sinh con. Tuy nhiên có thể tồn tại một số ảnh hưởng nhất định tùy thuộc từng ca bệnh.
Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung
Khi ung thư cổ tử cung đã bước sang giai đoạn tiến triển, khối u lan rộng sang lớp biểu mô cổ tử cung, các hạch bạch huyết và các mô lân cận thì phẫu thuật tại chỗ không thể xử lý triệt để được nữa. Lúc này người bệnh cần phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung cũng như các cơ quan vùng chậu tùy theo mức độ ung thư xâm lấn.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần tử cung: Mổ mở ổ bụng hoặc mổ nội soi để cắt bỏ cổ tử cung, thân tử cung.
- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung: Cắt bỏ tử cung và các cơ quan đã xuất hiện khối u di căn như phần trên âm đạo, ống dẫn trứng, buồng trứng,…
- Phẫu thuật cắt bỏ cơ quan vùng chậu: Cắt bỏ toàn bộ tử cung, âm đạo, buồng trứng, trực tràng, bàng quang.
Xạ trị
Xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật và hóa trị để tăng hiệu quả và tiêu diệt triệt để tế bào ung thư.
Hóa trị
Hóa trị cũng là một phương pháp được lựa chọn kết hợp cùng phẫu thuật để tối ưu hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Tuy nhiên, điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị có thể khiến bệnh nhân gặp một số tác dụng phụ nên người bệnh cần lưu ý và chuẩn bị trước tâm lý.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể điều trị hiệu quả bằng nhiều biện pháp. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết sớm những dấu hiệu ung thư cổ tử cung để được khám, điều trị kịp thời và tuân thủ phác đồ điều trị. Đặc biệt, ung thư cổ tử cung đã được phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin, phụ nữ và trẻ em gái nên chủ động phòng ngừa sớm để bảo vệ sức khỏe, tránh mắc bệnh và điều trị bởi quá trình điều trị gặp không ít khó khăn và tốn kém.
Leave a reply