Ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều trường hợp đã chữa khỏi nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn II là gì?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn II là ung thư đã bắt đầu lan ra bên ngoài cổ tử cung và xâm lấn các mô xung quanh, nhưng chưa xâm lấn tới 1/3 dưới âm đạo và thành chậu.
Ở giai đoạn này, khối u đã phát triển ra ngoài cổ tử cung, tử cung nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan xa khác.
Bệnh có thể được chia thành:
- Giai đoạn IIA: Tế bào ung thư đi ra khỏi cổ tử cung nhưng chưa lan vào các mô bên cạnh cơ quan này.
- Giai đoạn IIB: Ung thư đã lan đến mô bên cạnh cổ tử cung, song chưa xuất hiện ở các hạch bạch huyết và cơ quan xa.
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn 2
Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 đôi khi rất khó phát hiện bởi chúng hoàn toàn không đặc trưng. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh, sau đại tiện gắng sức hoặc có kinh nguyệt nặng hơn bình thường.
- Ra khí hư nhiều, khí hư lẫn máu, có mùi hôi.
- Thay đổi tiết dịch âm đạo.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau ở lưng dưới, giữa xương hông (xương chậu) hoặc ở bụng dưới.
- Có thể biếng ăn, sụt cân,…
Các dấu hiệu này có thể giống với tình trạng u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Vì vậy, điều quan trọng là chị em phụ nữ nên thăm khám và kiểm tra sớm với bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường.
Tiên lượng sống còn cho ung thư cổ tử cung giai đoạn II
Ung thư cổ tử cung giai đoạn II có tỷ lệ sống còn 5 năm là trên 60%. Ở mỗi cá nhân, tỷ lệ sống còn có thể khác nhau, điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Giai đoạn bệnh.
- Loại giải phẫu bệnh (ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy,…).
- Tuổi, tình trạng sức khỏe chung.
- Các vấn đề sức khỏe hoặc các bệnh đi kèm, đặc biệt là tình trạng suy giảm miễn dịch hay nhiễm HIV.
- Bệnh mới được chẩn đoán hay bệnh tái phát.
- Phương pháp điều trị.
- Sự đáp ứng của cơ thể với các phương pháp điều trị.
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn II
Các phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung bao gồm:
Soi cổ tử cung
Soi cổ tử cung là phương pháp giúp quan sát hình ảnh tổn thương tại cổ tử cung. Bác sĩ sẽ đặt mỏ vịt vào âm đạo, sử dụng dung dịch acid acetic bôi lên cổ tử cung nhằm quan sát những vùng bất thường. Soi cổ tử cung thường được kết hợp với sinh thiết khi cần.
Sinh thiết cổ tử cung
Sinh thiết cổ tử cung là lấy một mẫu mô nghi ngờ tổn thương ác tính sau đó gửi xét nghiệm mô bệnh học. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ quan sát mẫu mô này dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu ác tính. Có nhiều cách sinh thiết cổ tử cung, trong đó bấm sinh thiết (punch biopsy) là thủ thuật thường được sử dụng.
Các chẩn đoán hình ảnh
Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng tiểu khung
Trong ung thư cổ tử cung, chụp MRI giúp quan sát hình ảnh khối u và đánh giá tình trạng xâm lấn.
Nội soi bàng quang, nội soi trực tràng
Kỹ thuật này giúp quan sát bên trong bàng quang, trực tràng tìm các bất thường, đánh giá tình trạng xâm lấn của khối u.
Chụp cắt lớp vi tính ngực-bụng-chậu hoặc PET/CT: Phương pháp này được sử dụng trong đánh giá tình trạng di căn xa của bệnh (như di căn phổi, di căn xương,..).
Xét nghiệm máu
Tổng phân tích tế bào máu đánh giá các thành phần như số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
Xét nghiệm sinh hóa máu đánh giá tình trạng cơ thể, chức năng cơ quan (như urê, creatinin đánh giá chức năng của thận; chức năng của gan như AST, ALT, bilirubin,…).
Biện pháp điều ung thư cổ tử cung giai đoạn II
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định để điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 là cắt bỏ hoàn toàn tử cung, cổ tử cung và hai phần phụ, đồng thời nạo vét hạch chậu hai bên.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được hóa trị liệu kết hợp với xạ trị (hóa xạ trị đồng thời) nhằm loại bỏ những tế bào ung thư vẫn còn sót lại.
Xạ trị kết hợp hóa trị (hóa xạ trị đồng thời)
Hóa xạ trị kết hợp được xem như phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 chính nếu bạn không thể hoặc không muốn phẫu thuật.
Xạ trị bên ngoài kết hợp áp sát.
Xạ trị có thể được sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với hóa trị. Có thể xạ trị tiền phẫu (trước khi mổ) hoặc xạ trị hậu phẫu (sau khi mổ) tùy từng tình huống lâm sàng mà bác sĩ sẽ quyết định liệu trình nào là phù hợp nhất với bạn. Hiện nay còn có ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong lúc mổ.
Leave a reply