Ung thư da là một loại ung thư phát triển trong mô da. Đặc trưng bởi những thay đổi trên da, chẳng hạn như sự xuất hiện của các khối u, mảng hoặc nốt ruồi có hình dạng và kích thước đa dạng. Ung thư da được cho là do tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Tia UV có thể gây tổn thương cho các tế bào trên da, gây ung thư da.
Ung thư da là gì?
Ung thư da là hiện tượng các tế bào biểu bì trong cơ thể phát triển lệch lạc không theo trật tự, dẫn đến hình thành khối u. Tế bào ung thư sau đó lan sang các khu vực và bộ phận khác, gọi là di căn.
Tùy vào từng loại ung thư da mà bệnh sẽ có những dấu hiệu cảnh báo bệnh cụ thể. Các triệu chứng đó có thể là ngứa và đau trên da, hoặc có những thay đổi bất thường trên da, các vết loét lâu lành…
Mặc dù ung thư da là bệnh phổ biến ở người da trắng, thường gặp ở người già, ở nam giới nhiều hơn nhưng bất cứ ai cũng có thể mắc ung thư da, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và hóa chất độc hại. Lạm dụng mỹ phẩm hoặc có chế độ ăn uống không hợp lý cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư da dễ dàng phát hiện vì khi mắc bệnh sẽ có biểu hiệu rõ ràng trên bề mặt da, điều này giúp người bệnh nhanh chóng khám và chữa trị kịp thời. Tuy nhiên nhiều trường hợp chủ quan, tự chăm sóc ở nhà nhưng không đúng cách, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cũng như thẩm mỹ ngoại hình.
Có 3 loại ung thư da chính, bao gồm:
- Ung thư da biểu mô tế bào đáy.
- Ung thư da biểu mô tế bào vảy.
- Ung thư da tế bào hắc tố.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư da
Ung thư da là do thay đổi gen hoặc đột biến trong tế bào da. Nguyên nhân của những thay đổi không được khẳng định nhưng được cho là do tiếp xúc ánh nắng quá nhiều.
Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể làm tổn thương da và dẫn đến sự phát triển bất thường của các tế bào da. Tình trạng này có nguy cơ phát triển thành ung thư.
Ngoài ra, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da, gồm:
- Có tiền sử ung thư da: Một người đã từng bị ung thư da có nguy cơ cao bị trở lại. Nguy cơ cũng sẽ tăng lên nếu bạn có một thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh này.
- Người da trắng: Tất cả mọi người từ mọi màu da khác nhau đều có thể bị ung thư da. Tuy nhiên, người da trắng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn do người da trắng có ít sắc tố melanin hơn nên khả năng bảo vệ da khỏi tia cực tím yếu hơn.
- Nốt ruồi: Những người có nhiều nốt ruồi hoặc có nốt ruồi không bình thường về cấu trúc, hình dạng, màu sắc… đều tiềm ẩn có nguy cơ mắc.
- Hệ thống miễn dịch thấp: Những người có hệ thống miễn dịch thấp có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn những người bình thường, bao gồm những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi ghép tạng.
- Thường xuyên lạm dụng mỹ phẩm: Mỹ phẩm chứa hàm lượng lớn chất tiềm ẩn chất có thể gây ung thư như: Stearic acid, Mineral oil, PEG-100 stearate, Methylparaben, Propylparaben, Fragrance, Methol… Việc lạm dụng các loại mỹ phẩm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến da làm gia tăng nguy cơ mắc.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là nếu không sử dụng các loại kem chống nắng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh này. Những người sống ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cao nguyên đều có nguy cơ.
- Tiếp xúc với bức xạ: Những người phải điều trị bức xạ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, cụ thể là ung thư biểu mô tế bào đáy.
- Tiếp xúc với hóa chất: Những người tiếp xúc với nhiều loại hóa chất được cho là gây ung thư trong số đó có arsenic chất gây các bệnh ngoài da như biến đổi sắc tố, sạm da, sừng hóa,…
- Nhiễm virus HPV: Virus này có thể lây lan qua da nếu xúc với ai đó bị mụn cóc. Một nghiên cứu tại Đại học Y khoa Dartmouth (Mỹ) cho thấy nhiễm trùng da HPV làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da như biểu mô tế bào tróc vảy và sẽ trở nên nặng hơn nếu dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Triệu chứng ung thư da
Các triệu chứng hoặc dấu hiệu thường xuất hiện trên các bộ phận của cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chẳng hạn như da đầu, mặt, tai, cổ, cánh tay hoặc chân. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện ở những bộ phận cơ thể ít tiếp xúc với ánh nắng như lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí cả vùng sinh dục…Tùy theo loại, sẽ xuất hiện các triệu chứng cụ thể sau:
Ung thư biểu mô tế bào đáy
- Vết sưng mềm, bóng trên bề mặt da.
- Da sẫm màu hoặc đỏ.
Ung thư biểu mô tế bào vảy
- Các cục mụn đỏ cứng.
- Vảy như lớp vỏ sừng.
- Có thể ngứa, chảy máu và đóng vảy.
Ung thư da hắc tố
- Đặc trưng bởi các đốm hoặc vết sưng màu nâu.
- U hắc tố trông giống như một nốt ruồi bình thường, nhưng hình dạng của nó bất thường hơn.
Biện pháp chẩn đoán ung thư da
Để chẩn đoán ung thư da, trước tiên, bác sĩ tiến hành khám lâm sàng bằng cách sử dụng kính lúp để quan sát vùng da bị tổn thương. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm để chuẩn đoán ung thư da cần thiết như:
Các phương pháp chẩn đoán, bao gồm:
- Sinh thiết.
- Chụp CT.
- MRI hoặc sinh thiết hạch bạch huyết.
Dựa vào những dấu hiệu lâm sàng đã nêu ở trên kết hợp với tiền sử bản thân và gia đình cùng kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng bệnh.
Điều trị ung thư da
Giai đoạn của bệnh
- Giai đoạn 1 :Các tế bào ung thư vẫn chưa lan ra ngoài lớp biểu bì hoặc lớp ngoài của da.
- Giai đoạn 2: Ung thư đã bắt đầu lan đến lớp da dưới biểu bì, nhưng kích thước không quá 2cm.
- Giai đoạn 3: Ung thư chưa lây lan sang các mô khác, nhưng kích thước ngày càng lớn hơn đến hơn 2cm.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã lan sang các vị trị khác, ví dụ như xương, hạch bạch huyết,.. và có kích thước hơn 3cm.
Phương pháp điều trị ung thư da
Theo kết quả xét nghiệm ung thư da và tình trạng và mức độ bệnh, cũng như giai đoạn mắc bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh để tư vấn và đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp. Các phương pháp điều trị bệnh ung thư da là:
- Phẫu thuật: Phương pháp này thường được áp dụng với những trường hợp ung thư da ở giai đoạn đầu, khi khối u chưa xâm lấn sang các vị trí khác.
- Nạo và đốt điện: Phương pháp này dùng để loại bỏ phần da bị ung thư.
- Phẫu thuật dao lạnh: Phương pháp này sử dụng khí nitơ phun lên bề mặt da có tế bào ung thư và làm cho tế bào ung thư tiêu biến.
- Ghép da: Phương pháp này giúp làm đầy da hoặc cấy ghép thay thế cho phần da đã bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.
- Xạ trị: Phương pháp này thường được chỉ định đối với những trường hợp bị ung thư da giai đoạn cuối.
- Hóa trị: Phương pháp này được chỉ định đối với trường hợp ung thư da giai đoạn cuối khi các phương pháp trên không hiệu quả.
Biện pháp phòng ngừa
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời vào ban ngày bằng việc hạn chế ra ngoài hoặc sử dụng đồ (quần áo dài tay, mũ, kính râm…) chống nắng hiệu quả, an toàn đúng cách khi ra ngoài.
- Sử dụng kem chống nắng, để ngăn chặn sự hấp thụ của tia cực tím vào da và giảm nguy cơ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời.
- Cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc gây tác dụng phụ cho da, chẳng hạn như thuốc kháng sinh. Để an toàn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Thực hiện khám da định kỳ nếu bạn nghi ngờ có những thay đổi hoặc bất thường trên da.