Bệnh ung thư nội mạc tử cung đang ngày càng gia tăng và trở thành căn bệnh ung thư phụ khoa phổ biến đối với chị em phụ nữ. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh cũng như thực hiện các biện pháp ngăn ngừa là vô cùng quan trọng.
Ung thư nội mạc tử cung là bệnh gì?
Ung thư nội mạc tử cung (hay còn gọi là Ung thư tử cung hay Carcinôm nội mạc tử cung) là bệnh ung thư phụ khoa thường gặp trong số các bệnh lý ung thư ở nữ giới. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến hơn trong khoảng 45-75 tuổi. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung khi chẩn đoán là 60, tuy nhiên hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần.
Ung thư nội mạc tử cung thường gặp hơn ở những đối tượng thừa cân, béo phì, mắc bệnh đái tháo đường, hay dùng các sản phẩm có chứa hormone estrogen, tiền căn gia đình có người mắc bệnh ung thư đại tràng, buồng trứng hoặc nội mạc tử cung, mãn kinh trễ, có kinh sớm trước 12 tuổi, tiền căn có điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng, xạ trị vùng chậu, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tăng sản nội mạc tử cung không điển hình.
Nguyên nhân gây ung thư nội mạc tử cung
Mất cân bằng nội tiết tố
Tình trạng mất cân bằng nội tiết tố có thể gây tích trữ mỡ thừa trong cơ thể, dẫn đến gia tăng lượng estrogen. Điều này là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư nội mạc tử cung mà chị em không nên chủ quan xem thường.
Kinh nguyệt không đều
Rối loạn kinh nguyệt cũng là một trong những căn nguyên của bệnh ung thư nội mạc tử cung. Ngoài ra, những chị em có kinh nguyệt lần đầu quá sớm hoặc quá muộn cũng dễ mắc bệnh hơn.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Những người có sở thích ăn nhiều dầu mỡ béo có nguy cơ mắc bệnh carcinom nội mạc tử cung cao hơn những người ăn uống lành mạnh, chú trọng bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày. Lý do là, chất béo xấu có thể gây tích trữ hormone estrogen dẫn đến tăng sinh nội mạc tử cung, từ đó gây ra ung thư.
Mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp
Bệnh tiểu đường, tăng huyết áp thường ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên, làm tăng nồng độ estrogen, dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, tăng sinh nội mạc tử cung,… Và điều đó là nguyên nhân gây ra ung thư nội mạc tử cung.
Do yếu tố di truyền
Nếu người thân trong gia đình bạn đang mắc bệnh ung thư tử cung thì rất có khả năng bạn cũng là đối tượng mắc bệnh. Vì vậy, đối với trường hợp này, hãy thực hiện kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư nội mạc tử cung ngay từ sớm nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tăng tối đa cơ hội sống còn.
Triệu chứng ung thư nội mạc tử cung
Một số dấu hiệu nghi ngờ, cảnh báo bạn nên quan tâm và chú ý như sau:
- Xuất huyết âm đạo: Ra máu âm đạo bất thường ở phụ nữ đã mãn kinh hoặc rong kinh, rong huyết ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc còn kinh. Triệu chứng này hay gặp khoảng (80%).
- Dịch âm đạo bất thường: Chảy dịch hôi âm đạo có thể gặp khoảng 30% các người bệnh. Chảy dịch thường do nhiễm khuẩn, máu lẫn chất hoại tử tạo mùi hôi.
- Đau vùng hạ vị khi khối u đã lan tràn hoặc xâm lấn vào các bộ phận khác trong hố chậu. Tình trạng này thường xuất hiện muộn và khoảng 20,4% người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân cũng là một trong những dấu hiệu nghi ngờ cần lưu ý.
- Thay đổi thói quen đi vệ sinh: Khối u có thể tác động chèn ép lên bàng quang và vùng xương chậu khiến người bệnh có cảm giác đau và khó đi vệ sinh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng bí tiểu, tiểu buốt, nước tiểu màu đỏ (có máu),…
Tuy nhiên, để được xác định chính xác tình trạng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kỹ càng hơn.
Các giai đoạn phát triển của ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung chia thành hai loại chính:
- Loại 1 thường gặp nhất, điều trị khá dễ dàng, ung thư nội mạc tử cung có đặc điểm là phát triển chậm và thường chỉ được tìm thấy bên trong tử cung.
- Loại 2 ít phổ biến hơn, phát triển nhanh hơn và , ung thư nội mạc tử cung có xu hướng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Các giai đoạn phát triển của bệnh
Khối u biệt hóa cao với đặc tính phát triển nhanh và xâm lấn mạnh sang những bộ phận khác của cơ thể.
- Giai đoạn 0: Tế bào ung thư vẫn còn ở tại chỗ, nghĩa là trên bề mặt của đường giữa tử cung.
- Giai đoạn 1: Ung thư đi ra khoảng đường giữa và tới lớp nội mạc tử cung hoặc có thể tới lớp cơ tử cung.
- Giai đoạn 2: Ung thư đi tới cổ tử cung.
- Giai đoạn 3: Ung thư lan rộng tới các mô xung quanh, bao gồm âm đạo hoặc 01 hạch lympho.
- Giai đoạn 4: Ung thư xâm lấn tới bàng quang hoặc ruột non, và có thể tới những vùng khác chẳng hạn như xương, gan hoặc phổi.
Khi ung thư nội mạc tử cung phát triển từ lớp nội mạc tới những bộ phận khác của cơ thể chẳng hạn như có khối u mới ở phổi mà khối u mới này không phải ung thư tại phổi thì được gọi là ung thư nội mạc tử cung di căn.
Chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung
Khi nghi ngờ ung thư nội mạc tử cung các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán trong đó bao gồm:
- Siêu âm vùng chậu hoặc siêu âm qua ngã âm đạo thường được sử dụng để xác định độ dày nội mạc tử cung hoặc khối u trong lòng tử cung.
- Nội soi tử cung và sinh thiết tổn thương hoặc nạo nội mạc tử cung để chẩn đoán mô bệnh học.
Bất kỳ các tổn thương ở phụ nữ tiền mãn kinh (polyp, nốt, bất thường về tưới máu,…) và dày nội mạc tử cung (> 10mm) ở phụ nữ sau mãn kinh phải được cần lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học.
Tầm soát ung thư nội mạc tử cung
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau đây:
Kiểm soát cân nặng
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế các chất béo từ những món ăn nhiều dầu mỡ như các món chiên xào (cá rán, khoai tây chiên, thức ăn đóng hộp, thịt mỡ,…), tăng cường chất xơ và vitamin từ các loại rau xanh, trái cây tươi. Đồng thời tránh dùng các chất kích thích (như thuốc lá, shisha,…) và các loại thức uống chứa cồn.
Kiên trì với việc tập luyện thể dục thể thao
Việc kiên trì tập luyện thể dục thể thao không chỉ có thể giúp bạn nâng cao sức đề kháng mà còn hỗ trợ tăng cường sự dẻo dai của các cơ bắp, kiểm soát hiệu quả cân nặng của bản thân. Nhờ vậy, sẽ đem lại tác dụng trong phòng ngừa bệnh ung thư nội mạc tử cung.
Tầm soát ung thư định kỳ
Kiểm tra sức khỏe kết hợp với thực hiện tầm soát ung thư định kỳ, nhất là với những trường hợp có các yếu tố nguy cơ cao sẽ giúp bạn phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời nếu cơ thể có các dấu hiệu bất thường.
Ung thư nội mạc tử cung là u biểu mô ác tính, có nguồn gốc từ nội mạc tử cung thường hay gặp ở các nước phát triển. Chính vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị. Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe kết hợp với thực hiện tầm soát ung thư định kỳ, nhất là với những trường hợp có các yếu tố nguy cơ cao sẽ giúp bạn phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời nếu cơ thể có các dấu hiệu bất thường.