Bệnh ung thư ngày càng có nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của con người, đặc biệt có những bệnh ung thư chỉ gặp ở phụ nữ.
Cơ thể nữ giới luôn thay đổi, nhưng đôi khi những thay đổi có vẻ là bình thường lại là dấu hiệu bệnh ung thư ở phụ nữ. Điều quan trọng là bạn phải chú ý đến cơ thể mình để nhận thấy điều khác biệt, nhất là khi chung có liên quan đến những bệnh ung thư phụ nữ.
Mặc dù như thế, nhưng do tâm lý chung của các chị em thường e ngại trong việc khám chữa bệnh phụ khoa nên các căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng hầu như chỉ được phát hiện khi đã vào giai đoạn cuối.
Dưới đây là những bệnh ung thư mà phụ nữ thường mắc phải, Hãy xem những bệnh đó là gì nhé!
Ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ sống sót là 90% và chất lượng sống của bệnh nhân được tăng lên rõ rệt. Nếu chưa di căn ra mô xung quanh và hạch bạch huyết tỷ lệ sống sót là 100%.
Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư vú tiềm ẩn bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư vú.
- Bắt đầu có kinh hoặc khi bước vào tuổi mãn kinh, trung niên.
- Sinh con muộn hoặc không sinh con.
- Ăn nhiều chất béo, béo phì, ít vận động, ruợu bia nhiều.
Các dấu hiệu ở giai đoạn sớm
- Khối u bất thường ở vú.
- Hình dáng vú thay đổi.
- Núm vú chảy dịch hoặc máu.
- Có hạch u ở hõm nách.
Các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư vú
- Tự khám vú hàng tháng sau sạch kinh 5 ngày.
- Siêu âm tuyến vú.
- Chụp Xquang tuyến vú.
- Chọc tế bào khối u nếu có.
- Xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 15-3.
Trong ung thư vú, các dấu ấn khối u có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư vú gồm: CA15-3, CEA. Tuy nhiên, do độ nhạy của các dấu ấn khối u này trong chẩn đoán ung thư vú thấp, nhất là ở giá đoạn sớm, việc kết hợp giữa CA15-3 và CEA cũng chỉ nâng được độ nhạy lên khoảng gần 60%, nên chúng thường được sử dụng để theo dõi tiến triển của bệnh, hiệu quả điều trị và để phát hiện sớm tái phát. Do vậy khi có khối nghi ngờ tuyến vú, kết quả marker chỉ điểm ung thư trên tăng hoặc bình thường thì chị em cần chụp xạ hình tuyến vú và chọc hút tế bào.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung đang là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Tuổi thường gặp ung thư cổ tử cung là 30-59, đỉnh cao là 48-52 tuổi. Bệnh diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu cụ thể để nhận biết và thường khi xuất hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Sinh đẻ nhiều lần.
- Có nhiều bạn tình.
- Sử dụng thuốc tránh thai trong một thời gian dài.
- Bị nhiễm vi rút đường sinh dục như HPV, chlamydia.
- Nghiện thuốc lá.
Các dấu hiệu ở giai đoạn sớm
- Chảy máu âm đạo.
- Tiết dịch âm đạo bất thường.
- Đau khi giao hợp.
- Đau vùng chậu.
Các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
- Siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò.
- Nội soi cổ tử dung.
- Xét nghiệm phiến đồ tế bào âm đạp Pap’smear.
- Xét nghiệm dấu ấn ung thư SCC.
Đối với tầm soát ung thư cổ tử cung thì đặc hiệu hơn chị em phụ nên tầm soát định kỳ bằng tế bào âm đạo cổ tử cung. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ chị em phụ nữ có thể làm xét nghiệm định typ HPV xem có bị nhiễm các typ virus có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung hay không. Vì theo thống kê thì 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do HPV 16, 18. Các dấu ấn khối u có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung tế bào vảy là SCC.
Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung thường được phát hiện ở giai đoạn đầu bởi vì nó thường xuyên tạo ra chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung có thể bao gồm:
- Chảy máu sau mãn kinh, kéo dài thời gian.
- Chảy máu giữa chu kỳ, bất thường chảy ra từ âm đạo.
- Đau vùng chậu.
- Đau khi giao hợp,…
Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Mất cân bằng nội tiết tố.
- Kinh nguyệt không đều.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp.
- Do yếu tố di truyền.
Nếu ung thư nội mạc tử cung được phát hiện sớm, loại bỏ tử cung bằng phẫu thuật thường loại bỏ tất cả của ung thư.
Các dấu ấn khối u có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung gồm HE4 và CA125. Cả HE4 và CA125 có sự tương quan thuận có ý nghĩa với giai đoạn mô bệnh học, di căn hạch bạch huyết, xâm lấn nội mạc tử cung và cổ tử cung, đều tăng một cách có ý nghĩa theo giai đoạn của ung thư nội mạc tử cung. Sự kết hợp 2 dấu ấn HE4 và CA125 giúp dự đoán mức độ xâm lấn nội mạc, sự lan ra cổ tử cung và di căn hạch, có thể được sử dụng trong tiên lượng bệnh.
Ung thư buồng trứng
Là loại ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ và được gọi là “sát thủ thầm lặng” đối với phụ nữ trên tuổi 55. Những triệu chứng có thể gặp như đau bụng và vùng chậu dữ dội, đến kinh nguyệt không đều và lông, tóc mọc quá mức.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư buồng trứng
- Tiền sử gia đình: Những người có quan hệ huyết thống như mẹ, chị, em gái ruột mắc bệnh ung thư buồng trứng. Trong gia đình có người mắc ung thư vú, ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
- Tiền sử bản thân: Những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh ung thư vú và ung thư đại tràng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.
- Tuổi: Khả năng phát sinh ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, hầu hết xuất hiện ở độ tuổi trên 50 và tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
- Mang thai và sinh con: Những phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn so với những người chưa từng sinh con. Sinh càng nhiều con thì nguy cơ càng thấp.
- Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn: Có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên là vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu.
- Điều trị hormon thay thế: Điều trị hormon thay thế sau khi mãn kinh tăng nguy cơ.
- Bột talc: Phụ nữ sử dụng bột talc nhiều ở cơ quan sinh dục làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Các dấu hiệu nhận biết
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới.
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang.
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ.
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau khi quan hệ tình dục.
Hiện nay có nhiều các dấu ấn khối u có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư buồng trứng gồm: HE4, CA 125, CA15-3 và CA72-4.
Phẫu thuật là cách thường áp dụng trong phương pháp điều trị căn bệnh này. Đối với ung thư ở giai đoạn rất sớm hoặc không tiến triển nhanh, có thể không cần điều trị bổ sung. Đối với ung thư ở giai đoạn muộn hơn và tiến triển nhanh, có thể ưu tiên điều trị bằng phương pháp hóa trị.
Ung thư nhau thai (ung thư nguyên bào nuôi)
Loại ung thư này có nguồn gốc từ sự đột biến gen của những tế bào nuôi, một thành phần trong số những tế bào chịu trách nhiệm hình thành các tổ chức có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai như: bánh nhau, cuống rốn…Và thường rất hay gặp ở những sản phụ sau nạo hút thai chửa trứng. Do vậy, những sản phụ sau chửa trứng cần phải được theo dõi liên tục, 2 tuần 1 lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần 1 lần trong 6 tháng kế tiếp và 8 tuần 1 lần trong 8 tháng tiếp theo.
Những dấu hiệu nhận biết của ung thư nhau thai là:
- Chảy máu âm đạo bất thường.
- Nghén nặng.
- Chân phù nề sớm.
- Bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai,…
β-hCG là dấu ấn khối u có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư nhau thai. Trong bệnh nguyên bào lá nuôi thai ác tính mức độ β-hCG tăng hình cao nguyên trong ít nhất trong 3 tuần. β-hCG cũng tăng trong ung thư biểu mô nhau (choriocarcinoma), ung thư biểu mô phôi và u đa phôi (polyembryomas).
Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu là hóa trị và phẫu thuật, trong đó hóa trị đóng vai trò tiên quyết. Nếu bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ thấp, các bác sĩ có thể chỉ cho điều trị bằng thuốc Methotrexate hoặc Actinomycin D. Trong trường hợp nguy cơ cao, sẽ phải phối hợp nhiều loại thuốc.
Leave a reply