Ung thư thanh quản (UTTQ) là ung thư biểu mô thanh quản, chủ yếu thuộc loại ung thư tế bào vảy, xảy ra khi biểu mô tăng trưởng một cách mất kiểm soát và hình thành khối u. Ung thư thanh quản thường xuất hiện ở người từ độ tuổi 40 trở đi, phổ biến ở nam giới. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ung thư thành quản là bệnh gì?
Thanh quản là một phần của đường hô hấp, có hình ống, trên thông với hầu, dưới nối với khí quản, có nhiệm vụ phát âm và dẫn khí. Thanh quản có vai trò trong việc thở, nuốt và nói.
Ung thư thanh quản là một dạng ung thư biểu mô trong thanh quản. Khi thanh quản bị tổn thương thì các chức năng này cũng bị ảnh hưởng.
Đây là bệnh phổ biến chiếm khoảng 20% trong các bệnh ung thư nói chung ở Việt Nam và xếp hàng thứ hai ở các bệnh ung thư vùng đầu cổ, đứng sau ung thư vòm họng. Nghiên cứu tại mỹ cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư thanh quản là 60%.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân UTTQ hiện nay vẫn chưa được hiểu chính xác. Bất kỳ tác nhân nào làm thay đổi sự tăng trưởng của tế bào biểu mô thanh quản đều có thể dẫn tới ung thư thanh quản.
Những người có một số yếu tố nguy cơ sau sẽ có khả năng bị ung thư thanh quản cao hơn.
- Tuổi: UTTQ thường gặp ở những bệnh nhân trên 55 tuổi.
- Giới: Nam giới có nguy cơ bị ung thư thanh quản cao gấp 4 lần nữ giới.
- Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn rất nhiều, đặc biệt kèm theo thường xuyên uống rượu thì khả năng bị bệnh càng cao. Những người đã ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư thực quản cũng như ung thư phổi, khoang miệng, tụy, bàng quang và thực quản.
- Rượu: Những người uống rượu sẽ có nguy cơ cao hơn bị mắc bệnh ung thư thanh quản so với những bệnh nhân không uống rượu. Nguy cơ tăng cao tùy thuộc lượng rượu uống vào. Nguy cơ này cũng tăng lên khi bệnh nhân vừa uống rượu vừa hút thuốc.
- Tiền sử bản thân: Những bệnh nhân có tiền sử bị các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ có nguy cơ cao hơn bị ung thư thanh quản.
- Nghề nghiệp: Công nhân tiếp xúc với acid sulfuric hoặc niken có nguy cơ cao bị ung thư thanh quản. Ngoài ra, tiếp xúc với amiăng cũng làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh này. Những công nhân làm việc với amiăng cần phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc an toàn làm việc để tránh bị hít phải bụi amiăng.
Triệu chứng thường gặp
- Khó thở: Nhiều bệnh nhân UT thanh quản có dấu hiệu khó thở là triệu chứng đầu tiên. Có những bệnh nhân xuất hiện thở rít, hoặc có tiếng khò khè (stridor). Triệu chứng này xuất hiện khi ung thư thanh quản gây hẹp đáng kể đường kính đường hô hấp của bệnh nhân.
- Thay đổi giọng nói: Đây là một triệu chứng quan trọng, là dấu hiệu cảnh báo sớm với triệu chứng khàn tiếng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu bạn thấy giọng nói của mình bị thay đổi trong khoảng 3 tuần mà không thấy có cải thiện thì bạn cần phải đi gặp bác sĩ để khám kiểm tra.
- Hạch ở vùng cổ: Người bệnh cũng có thể tự sờ thấy một hạch ở vùng cổ. Đây là dấu hiệu cho thấy các tế bào ung thư đã lan rộng vào tổ chức bạch huyết ở vùng cổ.
- Đau họng: Đau họng liên tục dai dẳng kèm theo dấu hiệu như có cục vướng ở họng cũng là dấu hiệu sớm của ung thư thanh quản và cần phải được kiểm tra y tế.
- Khó nuốt: Ít gặp triệu chứng này, thường gặp ở giai đoạn muộn của ung thư thanh quản, khi khối u đã xâm lấn vào vùng miệng thực quản ở phía sau.
Điều trị ung thư thanh quản
Chuẩn đoán bệnh
Để chắc chắn bạn có mắc bệnh hay không, bác sĩ sẽ khám vùng cổ và họng của bạn. Đồng thời có thể cho bạn thực hiện các xét nghiệm dưới đây:
- Nội soi thanh quản: Dùng ống nội soi mềm hoặc cứng để quan sát thanh quản.
- Sinh thiết: Đây là xét nghiệm quan trọng để kiểm tra một khối là lành tính hay ác tính (ung thư). Được thực hiện bằng cách bấm một mẩu mô nhỏ của thanh quản chỗ nghi ngờ u. Sau khi xử lý sẽ được quan sát dưới kính hiển vi.
- CT scan (chụp cắt lớp điện toán): Giúp xác định vị trí và kích thước của khối u. Ngoài còn cho thấy khối u đã lan ra khỏi thanh quản hay các phần lân cận hay chưa.
Các giai đoạn của bệnh
Ung thư bắt nguồn từ thanh quản có thể lan tới các phần khác của cơ thể thông qua đường mạch máu hay đường bạch huyết. Các giai đoạn được chia tùy theo kích thước của khối u và khối u đã lan tới đâu.
Các giai đoạn của ung thư thanh quản có thể được nhóm thành ung thư giai đoạn sớm và giai đoạn tiến triển:
- Giai đoạn sớm (Gồm giai đoạn 0, 1 và 2): khối ung thư còn nhỏ và còn khu trú tại thanh quản. Nghĩa là chưa lan tới các phần khác của cơ thể.
- Giai đoạn tiến triển (Giai đoạn 3 và 4): Khối ung thư phát triển lớn hơn và ảnh hưởng đến dây thanh âm. Dây thanh âm nằm trong thanh quản, giúp chúng ta phát ra âm thanh khi nói hay hát. Hoặc khối ung thư đã lan tới các hạch bạch huyết hay các phần khác của cơ thể. Hạch bạch huyết là các cấu trúc nhỏ hình hạt đậu nằm khắp nơi trong cơ thể.
Điều trị ung thư
Điều trị ung thư thanh quản được quyết định sau khi đã xác định giai đoạn bệnh. Điều trị đặc hiệu phụ thuộc vào vị trí, kích thước và giai đoạn của khối u. Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc phối hợp nhiều phương pháp.
Hóa trị
Hóa trị liệu ung thư là việc sử dụng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Các bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp tùy vào phác đồ điều trị. Các thuốc được sử dụng trong UTTQ thường dùng theo đường tiêm tĩnh mạch. Có nhiều cách sử dụng hóa chất trong ung thư thanh quản:
- Hóa trị trước phẫu thuật hoặc xạ trị: với mục đích làm nhỏ các khối u kích thước lớn trước phẫu thuật hoặc xạ trị.
- Hóa trị sau phẫu thuật và xạ trị: thuốc được dùng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Hóa chất cũng được sử dụng trong trường hợp di căn xa.
- Hóa trị có thể được sử dụng cùng với xạ trị để thay thế phẫu thuật. Thanh quản không bị cắt bỏ và giọng nói vẫn được giữ nguyên.
Xạ trị
- Xạ trị là biện pháp sử dụng tia X năng lượng cao để giết chết các tế bào ung thư. Tia X tấn công vào khối u và tổ chức xung quanh. Đây là biện pháp điều trị tại chỗ và chỉ ảnh hưởng tới các tế bào trong trường chiếu. Một đợt điều trị kéo dài 5 ngày một tuần trong 5 đến 8 tuần.
- Ung thư thanh quản có thể điều trị bằng xạ trị đơn thuần hay kết hợp phẫu thuật hoặc hóa chất.
- Xạ trị đơn thuần: Điều trị cho các khối u nhỏ hoặc các bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật.
- Xạ trị kết hợp phẫu thuật: Xạ trị được sử dụng để thu nhỏ kích thước khối u trước phẫu thuật hoặc tiêu diệt tế bào ung thư còn sót hoặc tái phát sau phẫu thuật.
- Xạ trị kết hợp hóa chất: Xạ trị có thể điều trị trước trong hoặc sau điều trị hóa chất.
- Sau tia xạ có nhiều bệnh nhân cần được nuôi dưỡng tạm thời bằng ống thông dạ dày.
Phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật là biện pháp ngoại khoa nhằm lấy bỏ khối u thanh quản. Cách thức phẫu thuật chủ yếu dựa vào kích thước và vị trí khối u, được phân thành nhiều loại:
- Cắt toàn bộ thanh quản.
- Cắt một phần thanh quản:
- Cắt thanh quản trên thanh môn
- Cắt dây thanh âm: lấy bỏ một hoặc hai dây thanh âm
Đôi khi phẫu thuật viên cũng nạo vét hạch, lấy bỏ cả những khối hạch vùng cổ khi có di căn đến đó. Trong cuộc mổ UTTQ, phẫu thuật viên có thể cần phải mở khí quản. Không khí sẽ lưu thông thông qua lỗ mở này. Lỗ mở khí quản đôi khi chỉ là tạm thời, cho tới khi bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật một số bệnh nhân có thể cần một ống nuôi dưỡng tạm thời.
Sau phẫu thuật cắt một phần hay toàn bộ thanh quản, người bệnh cần được phục hồi chức năng nói bằng các liệu pháp ngôn ngữ.
Nên tái khám ít nhất 3 tháng 1 lần trong 2 năm đầu. Sau đó mỗi 6 tháng 1 lần trong 2 năm tiếp theo để phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của u tái phát.
Việc điều trị ung thư thanh quản đạt hiệu quả cao nhất khi bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm. Hút thuốc lá và uống rượu nhiều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư thanh quản. Bệnh có thể gây ra các biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác, nên không được chủ quan. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đến khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.