Cột sống có vai trò rất quan trọng đối với con người trong mọi hoạt động sống. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, cử động một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau. Ngoài ra cột sống còn giúp bảo vệ tủy sống, là trụ cột vững chắc cho mọi cơ quan trong cơ thể.
Vẹo cột sống là bệnh gì?
Cột sống của chúng ta có những đường cong tự nhiên với nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể khi ở tư thế thẳng đứng, khi đi lại hoặc chạy nhảy. Tuy nhiên, khi đường cong cột sống bị mất tính ổn định, bền vững hay còn gọi là tình trạng vẹo cột sống thì sẽ khiến cho phần vai và eo của người bệnh bị mất cân xứng.
Cong vẹo cột sống có nhiều mức độ, các mức độ khác nhau sẽ gây hậu quả khác nhau. Tình trạng vẹo cột sống ở người lớn có thể do nguyên nhân khác nhau gây ra và mỗi dạng sẽ có những đặc điểm khác nhau.
Các dạng cong vẹo cột sống thường gặp
Cong vẹo cột sống được chia thành 4 dạng, bao gồm:
- Vẹo cột sống do bẩm sinh: Tình trạng vai nghiêng, vòng eo không đều, nghiêng đầu, hình dáng tổng thể của cơ thể nghiêng về một bên trái hoặc phải.
- Vẹo cột sống thần kinh: Dấu hiệu vẹo cột sống dễ nhận thấy là sự thay đổi tư thế.
- Vẹo cột sống dính khớp: Thường gặp các triệu chứng đau nhức hoặc cứng khớp ở lưng dưới, ngứa ran chân hoặc đau nhức chân khi đi bộ.
- Vẹo cột sống triệu chứng: Triệu chứng không đau nhưng có thể gây khó chịu hoặc đau khi ngồi.
Nguyên nhân khiến cộ sống bị vẹo
Cong vẹo cột sống thường do các nguyên nhân sau:
- Bẩm sinh, di truyền.
- Các yếu tố bất thường trong lúc mang thai như thai nhi phát triển quá nhanh không tương thích với cơ thể người mẹ, ngôi thai không dịch chuyển, người mẹ tiếp xúc nhiều với hóa chất, bị chèn ép cột sống trong lúc sinh ra… khiến trẻ nhỏ bị vẹo cột sống.
- Đi đứng, ngồi sai tư thế, đặc biệt là mang vác đồ nặng trên lưng cũng khiến cho cột sống bị cong vẹo bất thường.
Đối tượng nguy cơ bệnh vẹo cột sống
Những yếu tố nguy cơ của bệnh vẹo cột sống là:
- Tiền sử gia đình có người bị vẹo cột sống.
- Người có tư thế ngồi, đi đứng sai.
- Ăn uống thiếu dinh dưỡng.
- Tập thể dục sai cách cũng góp phần gây nên bệnh vẹo cột sống.

Triệu chứng bệnh vẹo cột sống
Một số biểu hiện giúp bạn có thể nhận biết cong vẹo cột sống như sau:
- Hai vai bị lệch: Hai bên bả vai có hiện tượng bên cao bên thấp, thấy rõ nhất là khi ngồi hoặc khom lưng.
- Phần hông: Tương tự như bả vai, phần lưng có dấu hiệu lệch bên cao bên thấp.
- Sống lưng: Hình dáng lưng không bình thường, có những đoạn cột sống bị cong vẹo, cao gồ lên có thể sờ được…
- Cổ: bị lệch theo cột sống.
- Tổng quan cơ thể nhìn sẽ bị mất cân đối, người có thể nghiêng hẳn một bên.
Ngoài quan sát tình trạng cột sống, để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả, bạn cần tìm hiểu cách phân loại các dạng cong vẹo cột sống.
Tác hại vẹo cột sống gây ra
Vẹo cột sống gây ra rất nhiều hệ quả khôn lường cho người bệnh như:
Tổn thương phổi và tim
Trong trường hợp cong vẹo cột sống nghiêm trọng, khung xương sườn có thể đè lên phổi và tim. Lúc này, nếu lồng ngực ép vào phổi, người bệnh có thể thấy khó thở hơn bình thường. Trong khi đó, nếu lồng ngực ép vào tim sẽ cản trở việc bơm máu. Do đó, suy tim và các vấn đề về phổi là những biến chứng nghiêm trọng phổ biến của chứng vẹo cột sống.
Tự ti
Khi cong vẹo cột sống trở nên nghiêm trọng, tình trạng này có thể gây ra những thay đổi dễ nhận biết như vai không đồng đều, xương sườn nổi rõ, thắt lưng và thân mình bị lệch sang một bên. Vì thế, những người bị cong vẹo cột sống, đặc biệt là những người trẻ tuổi thường rất tự ti về ngoại hình của mình.
Dễ bị đau lưng khi lớn tuổi
Những người bị cong vẹo cột sống khi còn nhỏ có nhiều khả năng bị đau lưng mãn tính khi lớn tuổi. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề khó chịu và ảnh hưởng không ít đến chất lượng sống của người bệnh.
Các biện pháp chẩn đoán vẹo cột sống
Khi xuất hiện các dấu hiệu vẹo cột sống, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà. Thay vào đó, người bệnh nên đến các địa chỉ chuyên khoa cơ xương khớp để kiểm tra, từ đó xác định đúng nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng phù hợp.
Khi đến kiểm tra vẹo cột sống, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán như:
Khám tổng quát
Đầu tiên, bác sĩ sẽ quan sát lưng của người bệnh khi đứng thẳng để kiểm tra cột sống, vai và vùng eo của người bệnh có cân xứng hay không. Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh cúi người về phía trước để kiểm tra độ cong ở lưng trên và lưng dưới.
Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện để tìm nguyên nhân và mức độ của chứng vẹo cột sống bao gồm:
- Chụp X-quang: Khi thực hiện kiểm tra này, một lượng nhỏ bức xạ được sử dụng để tạo ra hình ảnh cột sống của người bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Xét nghiệm này sử dụng sóng vô tuyến và từ tính để có được hình ảnh chi tiết về xương và mô xung quanh chúng.
- Chụp cắt lớp vi tính CT: Trong quá trình kiểm tra này, tia X được chụp ở nhiều góc độ khác nhau để có được hình ảnh 3D của cơ thể.

Phương pháp điều trị vẹo cột sống
Để điều trị bệnh, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp sau đây:
- Thuốc giảm đau: Đây là phương pháp có thể giúp người bệnh giảm đau do tình trạng cột sống bị cong vẹo gây ra. Có những loại thuốc giảm đau không cần kê đơn nhưng cũng có những loại thuốc cần được kê đơn bởi các chuyên gia, bác sĩ. Tốt nhất hay tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập tác động kéo căng cơ và cột sống có thể giúp giảm lực chèn ép giữa các đốt sống, từ đó giúp giảm đau lưng. Ngoài ra, tập luyện thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày cũng góp phần giữ cho trọng lượng cơ thể hợp lý hơn, ngăn chặn cột sống cong vẹo nặng hơn.
- Đeo đai chỉnh cột sống: Biện pháp này khá an toàn vì không hề xâm lấn, nó giúp ổn định cấu trúc ống sống và giúp giảm đau cho người bệnh. Đây được đánh giá là phương pháp khá hiệu quả dành cho những bệnh nhân không đủ thể trạng để phẫu thuật.
- Phẫu thuật: Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, độ cong vẹo ngày càng nặng, các dây thần kinh cột sống bị chèn ép, người bệnh thường xuyên đau dữ dội, thuốc giảm đau không hiệu quả thì có thể tính đến phương pháp phẫu thuật.
Phòng ngừa bệnh vẹo cột sống
Để phòng ngừa vẹo cột sống ngay từ lúc còn trẻ, cần thực hiện những thói quen sau trong cuộc sống:
- Tập luyện thể thao đều đặn, vừa sức để tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối cho cơ thể.
- Phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ bằng chế độ ăn đầy đủ protein, chất khoáng và vitamin.
- Bàn ghế ngồi học hoặc ngồi làm phải phù hợp với chiều cao của người dùng.
- Khi ngồi thì cần ngồi thẳng lưng, không nghiêng vẹo.
- Ngồi học ngay ngắn, đúng tư thể: Ngồi thẳng lưng, hai bàn chân đặt xuống sàn, hai khuỷu tay đặt thoải mái trên mặt bàn, không rụt cổ, không để vở chéo 25 độ khi viết.
- Trẻ em không nên mang cặp quá nặng. Cụ thể, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể.
- Cặp phải có 2 quai, khi sử dụng, học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.
Các dạng cong vẹo cột sống ở người lớn và trẻ em là một trong những bệnh lý cơ xương khớp thường gặp và khó có thể cải thiện về tình trạng ban đầu. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ về ngoại hình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống về lâu dài. Vì thế, khi phát hiện dấu hiệu bị vẹo cột sống, bạn nên đến các cơ sở y tế khoa xương khớp để được kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị sớm để được cải thiện, đảm bảo được chất lượng cuộc sống về sau.