Viêm bàng quang là bệnh lý hay gặp ở nữ giới, hầu như bất cứ ai cũng từng gặp ít nhất một lần trong đời. Ở nhiều người, tình trạng này còn thường xuyên tái phát, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm bàng quang ở nữ là bệnh gì?
Viêm bàng quang ở nữ giới là tình trạng nhiễm khuẩn trong bàng quang. Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu phổ biến khi có hơn 40% phụ nữ mắc bệnh viêm bàng quang ít nhất một lần trong đời.
Ở nữ giới, viêm bàng quang có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Có 3 giai đoạn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh cao nhất mà phụ nữ nên cẩn trọng:
- Sau khi quan hệ tình dục.
- Trong quá trình mang thai.
- Sau khi mãn kinh.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang ở nữ giới
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm bàng quang ở nữ giới là vi khuẩn từ bên ngoài vào đường tiểu. Khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang thông qua đường niệu đạo, chúng sẽ phát triển và tấn công vào lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc của bàng quang gây ra những triệu chứng đặc trưng của bệnh.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ vì niệu đạo ở phụ nữ ngắn hơn nam giới. Hơn nữa, vi khuẩn còn dễ dàng lây nhiễm hơn khi niệu đạo, âm đạo và lỗ hậu môn có khoảng cách khá gần nhau. Việc không thể tạo ra một hàng rào chống vi khuẩn hiệu quả là lý do khiến vi khuẩn gây bệnh có thể nhanh chóng xâm nhập vào bàng quang. Hầu như việc vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong bàng quang có thể diễn ra trong thời gian ngắn.
Các thời điểm dễ bị viêm bàng quang
- Thời kỳ bắt đầu đời sống tình dục: Vết rách ở màng trinh có thể gây ra viêm bàng quang sau các lần ân ái. Các mảnh rách của màng trinh dính vào vách âm đạo tạo thuận lợi cho mầm bệnh đi lên bàng quang. Đây là chứng viêm bàng quang của tuần trăng mật, có khi kéo dài cho đến khi có con.
- Trong thời gian mang thai: 10% phụ nữ có thể bị nhiễm trùng niệu đạo trong thời gian này. Đó là do sự phát triển của bào thai kéo theo tình trạng ứ đọng nước tiểu.
- Sau khi sinh: Các vết rách ở bộ phận sinh dục làm giảm bớt khoảng cách giữa hậu môn và cơ quan sinh dục nữ làm cho mầm bệnh dễ dàng xâm nhiễm. Việc khâu lại sẽ giải quyết được vấn đề này.
- Tuổi mãn kinh: Việc hormone sinh dục ngưng tiết ra kéo theo việc hẹp và khô âm đạo làm màng nhầy dễ vỡ, kèm với sức đề kháng kém sẽ dễ dàng cho vi khuẩn tấn công.

Triệu chứng viêm bàng quang ở nữ giới
Viêm bàng quang ở phụ nữ một khi mắc phải người bệnh có thể thấy xuất hiện các triệu chứng sau đây:
- Rối loạn tiểu tiện: Bệnh nhân bị tiểu liên tục, thấy rát khi đi tiểu, tiểu ít nhiều này, mất kiểm soát khi tiểu.
- Nước tiểu bất thường như: Có mùi hôi tanh, tiểu đục, đầu bãi hay cuối bãi lẫn máu.
- Các cơn sốt nhẹ kèm cảm giác ớn lạnh, rùng mình.
- Tiểu ngắt quãng, tiểu són, tiểu buốt, dòng nước tiểu nhỏ.
- Nước tiểu lẫn máu, nước tiểu đục.
- Xương chậu, xương mu bị đau tức.
- Đau lưng: Bạch cầu tăng cao, bàng quang bị tổn thương có thể làm cho bệnh nhân thấy đau thắt lưng, mệt mỏi.
- Đau hơn khi có quan hệ tình dục.
- Xương chậu bất thường: Nước tiểu đầy ở bàng quang làm cho xương mu đau, nhức buốt, lạnh,…
Biến chứng viêm bàng quang ở nữ giới
Bệnh viêm bàng quang ở nữ giới là nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và hiếm có trường hợp để lại biến chứng. Dù thế, nếu bệnh kéo dài mà không được chữa trị hoặc chữa trị không đúng có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe tiết niệu nguy hiểm hơn.
Những biến chứng của bệnh bao gồm:
- Viêm đài bể thận: Viêm bàng quang nếu không được điều trị kịp thời, những triệu chứng bệnh kéo dài sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng lên thận, còn được gọi là viêm đài bể thận.
- Viêm bàng quang mạn tính.
- Tổn thương thận cấp và bệnh thận mạn tính.
Chẩn đoán viêm bàng quang ở nữ giới
Xét nghiệm nước tiểu
Vi khuẩn phát triển trong thành bàng quang và nước tiểu. Vì vậy khi tiểu tiện, một phần nhỏ vi khuẩn sẽ di chuyển theo đường tiểu ra bên ngoài.
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn lấy một mẫu nước tiểu để tiến hành xét nghiệm. Từ đó có thể xác định nguyên nhân gây bệnh và loại vi khuẩn gây nhiễm trùng bàng quang.
Nội soi bàng quang
Nội soi là biện pháp chẩn đoán sử dụng một ống dài, nhỏ, có gắn camera nhằm giúp bác sĩ quan sát được các cơ quan bên trong cơ thể.
Bên cạnh đó, nội soi còn được tiến hành để sinh thiết mô ở thành bàng quang.
Xét nghiệm hình ảnh
Đối với trường hợp viêm bàng quang nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh (X-quang và siêu âm).
Hình ảnh X-quang và siêu âm sẽ giúp bác sĩ quan sát mô và cấu trúc ở bàng quang. Từ đó có thể xác định nguyên nhân gây ra căn bệnh.
Điều trị viêm bàng quang ở nữ giới
Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn
Viêm bàng quang do vi khuẩn thông thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Mục đích của thuốc kháng sinh là diệt những vi khuẩn gây bệnh trong bàng quang.
Một số các loại thuốc kháng sinh thông dụng thường được dùng để điều trị viêm bàng quang ở nữ giới gồm:
- Ciprofloxacin, Levofloxacin, Ofloxacin.
- Cefuroxim, cefixim.
- Amoxicilin và acid clavulanic.
- Fosfomycin.
- Nitrofurantoin.
- Trimethoprim.
- Sulfamethoxazole.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị viêm bàng quang ngoại khoa thường ít được thực hiện. Biên pháp này thường chỉ áp dụng đối với trường hợp viêm bàng quang mãn tính, sỏi bàng quang…
Điều trị hỗ trợ
- Sử dụng khăn hoặc túi chườm nóng vùng bụng. Việc này có thể giúp giảm cảm giác căng tức hay đau bàng quang.
- Uống nước nhiều.
- Hạn chế uống cà phê, rượu, trà.
- Hạn chế ăn các loại thức ăn cay nóng. Vì những thực phẩm này có thể gây kích thích bàng quang. Từ đó gây cảm giác khó chịu hơn.

Phòng ngừa viêm bàng quang ở nữ giới
Để sức khoẻ phái yếu không bị suy giảm vì căn bệnh dễ phòng và không khó chữa này, người bệnh cần:
- Uống đủ nước: Mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít nước. Uống đủ lượng nước này giúp cơ thể bài tiết tốt tránh nước tiểu ứ đọng ở bàng quang là biện pháp hạn chế được viêm nhiễm.
- Không nhịn đi tiểu: Cố gắng đi tiểu đều đặn và không được nhịn lâu. Vì đây cũng gây ra hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở bàng quang.
- Đi tiểu ngay sau khi quan hệ: Nếu thấy hiện tượng đau của viêm bàng quang ngay sau khi quan hệ, bạn nên đi tiểu ngay vì nước tiểu sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại đang trú ngụ ở ngay niệu đạo.
- Tránh gây ẩm ướt hay làm tăng nhiệt độ cơ thể: Tránh mặc quần áo quá chật vì sẽ kích thích tiết mồ hôi.
- Chú ý giữ vệ sinh trong thời gian kinh nguyệt: Trong thời gian này nên thường xuyên thay băng vệ sinh.
Viêm bàng quang ở nữ giới là một loại bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khá phổ biến. Tuy bệnh không phức tạp cũng như tương đối khá dễ điều trị, viêm bàng quang rất dễ tái phát và tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm. Vậy nên, bạn cần nắm rõ các tác nhân gây bệnh cũng như cách điều trị đúng trong từng trường hợp bệnh. Bên cạnh đó, điều chỉnh lối sống khoa học, đẩy lùi tác nhân gây hại tới sức khỏe.
Leave a reply