Viêm bao khớp cổ chân là một trong những căn bệnh về xương khớp khá phổ biến hiện nay. Bệnh lý này gây đau đớn và ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của người bệnh. Tuy nhiên, khi chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị đúng đắn sẽ giúp nhanh chóng đẩy lùi bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân là gì?
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân còn được gọi là viêm bao khớp cổ chân. Đây là tình trạng gây nên cảm giác đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, bao hoạt dịch tại vị trí này là những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng, thực hiện nhiệm vụ làm giảm ma sát giữa gân và xương. Các bao bao gồm: Achilles, Retrocalcaneal, và Medial Malleolus, có thể bị viêm độc lập hoặc cùng lúc.
Nguyên nhân gây viêm bao khớp cổ chân
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng chấn thương vật lý ở khớp cổ chân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm bao khớp cổ chân. Dưới đây là một số nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra tình trạng này.
- Chấn thương: Khớp cổ chân có bao hoạt dịch nằm dưới da nên khi bị tác động vật lý mạnh sẽ làm chúng bị tổn thương và viêm nhiễm.
- Nghề nghiệp: Làm vườn, lao công, vận động viên, bốc vác,… Những nghề này bắt buộc phải vận động nhiều sẽ khiến cho khớp phải hoạt động thường xuyên và chịu nhiều áp lực. Do đó mà bao hoạt dịch bị tổn thương và gây ra bệnh.
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân càng lớn ở đối tượng tuổi càng cao. Lý do là bởi tuổi tác làm cho xương khớp bị lão hoá và mất đi độ chắc khỏe dẫn đến dễ bị tổn thương.
- Bệnh lý: Đối tượng đang mắc và có tiền sử mắc các bệnh lý như gout, bệnh lý thấp khớp, tiểu đường,…
Triệu chứng thường gặp
Viêm màng hoạt dịch khớp cổ chân được chia làm hai dạng chính, gồm: cấp tính và mãn tính. Mỗi tình trạng sẽ có những triệu chứng khác nhau, cụ thể như:
Cấp tính
Tình trạng thường xuất phát từ chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh khớp. Triệu chứng thường gặp gồm:
- Đau khi sờ nắn.
- Phạm vi cử động của khớp bị thu hẹp.
- Người bệnh cảm thấy đau dữ dội khi vận động.
- Cơn đau trở nên dữ dội khi thực hiện động tác co lại hoặc duỗi ra do các cơ bị nén.
- Trường hợp viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng, nhiệt độ trên da sẽ tăng lên, có thể chênh lệch so với mức nhiệt ban đầu khoảng 2,2 độ.
Mạn tính
Viêm bao hoạt dịch mạn tính thường xảy ra do các chấn thương lặp đi lặp lại hoặc khớp chịu áp lực quá lớn. Tình trạng này thường không gây đau đớn. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng chất lỏng tăng lên sẽ dẫn đến hiện tượng sưng tấy.
Nhìn chung, hầu hết người bệnh mắc viêm bao hoạt dịch cổ chân đều nhận thấy có những triệu chứng thường gặp sau:
- Đau nhức vùng phía sau cổ chân.
- Đi khập khiễng.
- Phạm vi chuyển động của cổ chân bị hạn chế.
- Cổ chân bị căng cứng.
- Vùng da cổ chân bị sưng, đỏ và nóng.
- Cảm thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động chịu trọng lượng như chạy, đứng…

Biến chứng viêm bao khớp cổ chân
Mặc dù viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân vẫn có thể tự lành nhưng nhiều trường hợp vẫn cần đến sự chăm sóc và can thiệp y tế. Việc chủ quan không điều trị sớm rất dễ khiến tình trạng tiến triển nặng thêm, từ đó dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng như:
- Vùng viêm trở nên dày, to vĩnh viễn.
- Sự mở rộng của vùng viêm khiến các cấu trúc xung quanh bị chèn ép nghiêm trọng, gây đau đớn mỗi khi di chuyển.
- Cơn đau khiến khả năng vận động của cổ chân bị hạn chế, về lâu dài có nguy cơ gây teo các cơ xung quanh.
- Viêm bao hoạt dịch cổ chân thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới do thói quen sử dụng giày cao gót trong thời gian dài.
Phương pháp chẩn đoán viêm bao hoạt dịch mắt cá chân
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cổ chân của người bệnh, đặt một số câu hỏi về chấn thương, thói quen vận động, mức độ cơn đau… Sau đó, một số phương pháp chẩn đoán có thể được thực hiện để đưa ra kết luận chính xác nhất về tình trạng viêm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm kiểm tra nhiễm trùng hoặc một số bệnh có thể gây ra tình trạng viêm bao hoạt dịch tại khớp cổ chân.
- Siêu âm: Phương pháp này giúp đánh giá tổng quát về độ dày, lượng dịch trong mỗi bao hoạt dịch, tình trạng xơ cứng của gân vùng cổ chân.
- Chụp X-quang hoặc MRI: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định các vấn đề liên quan đến vị trí xương, tình trạng viêm khớp hoặc gãy xương đang gặp phải… Ngoài ra, chất tương phản cũng có thể được sử dụng để giúp hình ảnh về cổ chân hiển thị rõ hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết nếu từng phản ứng dị ứng với loại chất lỏng này. Kim loại cũng là vật không thể mang vào phòng chụp MRI vì dễ gây thương tích nghiêm trọng.
- Cấy dịch: Xét nghiệm cấy dịch được thực hiện để kiểm tra nhiễm trùng. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim để hút chất lỏng từ bao hoạt dịch sau đó mang đến phòng thí nghiệm. Ngoài ra, việc loại bỏ chất lỏng cũng là cách để làm giảm các triệu chứng đau nhức.
Biện pháp điều trị viêm bao hoạt dịch mắt cá chân
Biện pháp giảm đau, cải thiện triệu chứng bệnh tại nhà
Đa số các trường hợp viêm bao khớp cổ chân có thể điều trị tại nhà với sự giúp đỡ của dược sĩ và một số kỹ thuật viên. Dưới đây là một số phương pháp tự chăm sóc tại nhà bạn có thể tham khảo.
- Hạn chế cử động và nghỉ ngơi: Người bệnh cần tránh các hoạt động mạnh nhất là khu vực chân để mau chóng phục hồi.
- Chườm nước đá: Bọc túi nước đá trong một cái khăn, rồi đặt lên vùng cổ chân để giúp làm giảm đau và viêm. Người bệnh chú ý phải bọc trong khăn, không đặt trực tiếp lên da.
- Không lặp đi lặp lại các hoạt động: Hành động này sẽ gây ảnh hưởng đến mức độ tổn thương của khớp.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương, cải thiện phạm vi chuyển động và tăng cường sức mạnh cho khớp, cơ, xương cổ chân. Cụ thể, người bệnh có thể được hướng dẫn một số kỹ thuật sau:
- Kỹ thuật trị liệu bằng tay (MTT): MTT được thực hiện bởi các chuyên viên trị liệu, bao gồm xoa bóp mô mềm, kéo giãn các khớp để phục hồi khả năng và phạm vi chuyển động của cổ chân. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp giảm đau hiệu quả.
- Các bài tập trị liệu (TE): TE bao gồm các bài tập kéo căng và tăng cường sức mạnh cho cơ, khớp. Từ đó, phạm vi chuyển động của cổ chân được phục hồi, bao hoạt dịch và gân cũng đồng thời được đưa về trạng thái ổn định, giảm căng thẳng hiệu quả.
- Phương pháp NMR: Các bài tập theo phương pháp NMR sẽ giúp khôi phục sự ổn định của cổ chân, cải thiện kỹ thuật chuyển động cơ học (chạy, nhảy…) để giảm căng thẳng cho bao và gân trong các hoạt động hàng ngày.
- Các phương thức khác như sử dụng sóng siêu âm, tia laser lạnh, kích thích điện… sẽ giúp giảm đau và giảm viêm hiệu quả.
- Các bài tập vật lý trị liệu tại nhà: Mục đích chính là củng cố, kéo giãn và ổn định cổ chân để giúp vết thương sớm hồi phục.
Khi tình trạng viêm ban đầu đã giảm, các chuyên gia vật lý trị liệu có thể sẽ hướng dẫn người bệnh một vài bài tập kéo giãn để bắt đầu quá trình phục hồi chuyển động hoàn toàn. Đây đồng thời cũng là giải pháp để cải thiện sức mạnh cũng như giảm căng thẳng cho gân và khớp cổ chân.
Phẫu thuật
Rất hiếm trường hợp người bệnh được thực hiện được điều trị phẫu thuật khi bao hoạt dịch cổ chân bị viêm. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật lại cần thiết trong các trường hợp cực kỳ mãn tính hoặc bao hoạt dịch bị nhiễm trùng chảy mủ.

Biện pháp phòng tránh viêm bao khớp cổ chân
- Uống đủ nước mỗi ngày, bởi nước chiếm đến hơn 70%, giúp duy trì sự trơn tru của xương khớp.
- Tránh tiếp xúc với không khí lạnh ẩm thấp, giữ ấm cơ thể nhất là vùng chân.
- Hạn chế làm việc quá sức, nên nghỉ giao lao, dành ít phút duỗi thẳng chân và nghỉ ngơi.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya.
- Trong trường hợp gặp phải chấn thương cần điều trị dứt điểm. Nên bảo hộ vùng cổ chân để tránh việc gặp các chấn thương không mong muốn.
- Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, nhưng cần tránh những động tác lặp đi lặp lại.
Giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý sẽ làm giảm bớt áp lực đè lên khớp gối.
Viêm bao khớp cổ chân – một bệnh lý xương khớp khá nguy hiểm. Đáng nói, bệnh này khá phổ biến và xảy ra ở mọi đối tượng, ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Do vậy, để có một sức khỏe tốt, mỗi người nên chủ động phòng ngừa và chữa trị dứt điểm bệnh ngay ở giai đoạn đầu.