Viêm bể thận cấp tính là bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu khá thường gặp, gây triệu chứng đột ngột, nghiêm trọng. Vì thế, việc phát hiện và sớm can thiệp y tế khi mắc bệnh vô cùng quan trọng, nếu không có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Viêm bể thận cấp là bệnh gì?
Viêm thận bể thận cấp là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Đây là bệnh do vi khuẩn tấn công, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm xung quanh các đài thận, bể thận, niệu quản và nhu mô thận. Vi khuẩn này có thể di chuyển từ bàng quang lên niệu quản đến đài bể thận hoặc xâm nhập theo đường máu khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết.
Viêm thận bể thận thường biểu hiện đột ngột với các dấu hiệu và triệu chứng của viêm toàn thân, có thể gây biến chứng nghiêm trọng và người bệnh thường biểu hiện đau dữ dội vùng hông lưng. Tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện sớm người bệnh phần đa được điều trị ngoại trú với kháng sinh, rất ít bệnh nhân cần phải nhập viện.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm thận bể thận cấp là nhiễm trùng thường thường bắt đầu ở đường tiết niệu dưới dạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên và lan lên bàng quang. Từ đó, vi khuẩn đi qua niệu quản đến thận.
Vi khuẩn chủ yếu tấn công con người gây bệnh là các vi khuẩn gram âm như E.Coli, Klebsiella, Proteus mirabilis, Enterobacter. Ngoài ra, các vi khuẩn Gram dương vẫn có thể gây bệnh, nhưng hiếm gặp như: Tụ cầu, liên cầu…
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố thuận lợi khiến người bệnh dễ mắc viêm bể thận cấp tính hơn, gồm:
- Nhiễm khuẩn tiết niệu ở bàng quang, niệu quản.
- Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật hệ tiết niệu.
- Tắc nghẽn đường tiết niệu, có thể do sỏi, khối u, hẹp bể thận niệu quản,…
- Tắc nghẽn đường tiết niệu do mang thai.
- Quan hệ tình dục không an toàn gây lây nhiễm vi khuẩn.
- Tồn tại các ổ viêm khu trú như: Viêm trực tràng, viêm ruột thừa, viêm phần phụ, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt.

Triệu chứng bệnh viêm bể thận cấp
Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào giới tính và độ tuổi của người bệnh, cụ thể như:
- Các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu ra máu có thể sẽ xuất hiện ở phụ nữ.
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi, các triệu chứng thông thường của viêm đài bể thận cấp có thể như không phát triển tốt, sốt và khó bú.
- Đối với bệnh nhân cao tuổi có thể có biểu hiện như thay đổi tâm trạng, sốt, suy nhược và tổn thương các hệ cơ quan khác.
Biến chứng viêm bể thận cấp tính với sức khỏe
Nếu phát hiện sớm và điều trị tốt với kháng sinh đồ phù hợp, bệnh sẽ tiến triển tốt sau một vài ngày, song phải từ 1 – 2 tuần nước tiểu mới trong trở lại. Sức khỏe của người bệnh cũng dần hồi phục.
Tuy nhiên, nếu chủ quan hoặc tự ý điều trị kháng sinh không phù hợp, bệnh nhân có thể đối mặt với những biến chứng sau:
- Áp xe thận và quanh thận.
- Nhiễm khuẩn huyết nặng, có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
- Suy thận cấp gây ra các biến chứng tăng huyết áp cấp, phù phổi cấp nguy hiểm đến tính mạng, điều trị không tốt sẽ tiến triển thành suy thận mạn.
- Hoại tử nhú thận: Gây ra tình trạng tắc nghẽn niệu đạo, niệu quản, tăng ứ mủ bể thận và là nguyên nhân gây cơn đau quặn thận, suy thận cấp.
- Viêm bể thận mạn, suy thận mạn tính.
Bệnh nhân có dấu hiệu viêm bể thận cấp tính nên chủ động đến cơ sở y tế thăm khám sớm và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Điều trị đúng với kháng sinh đồ phù hợp đem lại hiệu quả tốt nhất, ngăn ngừa biến chứng không đáng có xảy ra.
Chẩn đoán viêm bể thận cấp tính
Các kết quả sau đem lại thông tin để chẩn đoán chính xác viêm bể thận cấp tính và tình trạng bệnh, bao gồm:
- Kết quả xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu ở bệnh nhân viêm bể thận cấp tính có chỉ số bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Nếu kèm theo suy thận cấp hoặc đợt cấp của suy thận mạn sẽ thấy chỉ số ure và creatinin máu tăng cao.
- Cấy máu: Cấy máu giúp xác nhận chính xác vi khuẩn gây ra viêm bể thận cấp tính, thường chỉ định cho bệnh nhân có triệu chứng rét run, sốt cao trên 39 độ C điển hình của nhiễm khuẩn.
- Xét nghiệm nước tiểu: Trong nước tiểu có protein niệu < 1g/24 giờ, xuất hiện tế bào mủ, có nhiều tế bào hồng cầu và bạch cầu.
- Cấy vi khuẩn niệu: Cấy vi khuẩn niệu được thực hiện khi bệnh nhân có triệu chứng phức tạp, cơn đau không điển hình nên phải xác định loại vi khuẩn để áp dụng kháng sinh đồ phù hợp. Ngoài ra, xét nghiệm đánh giá chức năng thận cũng được dùng kết hợp để điều chỉnh liều kháng sinh.
- Siêu âm: Siêu âm để kiểm tra các bất thường trong cấu trúc, bệnh nhân viêm bể thận cấp tính sẽ thấy khối giảm mật độ cùng với âm dội bên trong. Các yếu tố dẫn đến viêm bể thận cấp tính như sỏi thận hoặc sỏi tiết niệu, giãn niệu quản, khối u,… cũng được phát hiện.
Ngoài ra, các chẩn đoán sau cũng có thể dùng cho bệnh nhân viêm bể thận cấp tính như: chụp bàng quang, chụp niệu đồ tĩnh mạch, chụp CT, chụp MRI,…

Điều trị viêm đài bể thận cấp
Một số phương pháp điều trị viêm đài bể thận cấp có thể được đề xuất như sau:
Dùng thuốc kháng sinh
Đối với bệnh viêm thận bể thận nếu triệu chứng không nặng sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh trong 1-14 ngày bằng đường uống. Khi tiếp cận với thuốc kháng sinh, nếu tình trạng lâm sàng không tiến triển tốt, người bệnh có hội chứng nhiễm trùng rõ, vẫn sốt, tiểu đục, đau, mất nước…) nên chuyển vào điều trị nội trú.
Các loại kháng sinh chỉ định điều trị gồm:
- Aminopénicillines: Có thể dùng đơn độc hay phối hợp với Acide clavulanique.
- Aminoglycosides: Có thể dùng đơn độc hay phối hợp với aminopénicillines.
- Aztréonam, Cephalosporines thế hệ 2 hoặc thế hệ 3…
- Cotrimoxazole, Fluoroquinolones.
Điều trị tại bệnh viện
Viêm thận bể thận sẽ được điều trị tại bệnh viện nếu trường hợp người nhiễm bệnh có triệu chứng nặng hoặc là phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền cần nhập viện theo dõi điều trị. Đối với phụ nữ có thai, việc điều trị khó khăn hơn, bác sĩ phải thận trọng khi cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh, chì sử dụng các loại kháng sinh không ảnh hưởng tới thai nhi, hạn chế chỉ định chụp Xquang, các thăm dò khác được tiến hành sau khi người bệnh sinh con.
Phẫu thuật
Viêm thận bể thận có thể dẫn đến tắc nghẽn ở thận hoặc gây tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Cả 2 biến chứng này đều nguy hiểm, tiên lượng tử vong cao. Khi đó người bệnh sẽ được chỉ định can thiệp phẫu thuật cấp cứu bằng phẫu thuật để giải quyết nguyên nhân tắc nghẽn.
Phòng ngừa viêm đài bể thận cấp
Một số lưu ý sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nói chung và bệnh viêm đài bể thận cấp nói riêng:
- Đi tiểu trước và ngay sau khi quan hệ.
- Vệ sinh cơ quan sinh dục từ trước ra sau, đặc biệt là sau khi đi tiểu hoặc đại tiện nhằm ngăn ngừa vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo và gây nhiễm khuẩn ở thận.
- Uống nhiều nước, tránh mất nước giúp ngăn ngừa viêm đài bể thận cấp và hỗ trợ cải thiện chức năng thận.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những người có vấn đề về thận.
Viêm thận bể thận cấp tái phát nhiều lần nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm như viêm thận bể thận mạn và suy thận mạn. Vì thế, khi được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh nên hợp tác điều trị với bác sĩ thật tốt, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Leave a reply