Viêm cầu thận mạn tính là bệnh gây tổn thương cầu thận, tiến triển từ từ trong vòng nhiều năm. Giai đoạn cuối của bệnh dẫn đến suy thận mạn ngày càng nặng dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh viêm cầu thận mạn tính là gì?
Viêm cầu thận là một tập hợp các bệnh về thận, trong đó các cầu thận, cụm vòng của các mao mạch được tìm thấy trong vỏ quả thận có chức năng loại bỏ chất thải dưới dạng nước tiểu, dần dần bị hư hại theo thời gian.
Viêm cầu thận mạn tính là một tình trạng kéo dài. Bệnh này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận mạn tính cũng như bệnh thận giai đoạn cuối.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính
Các yếu tố gây ra bệnh bao gồm:
- Bệnh thận đái tháo đường: Tiểu đường mất kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng như gây tổn thương lớn đến thận.
- Xơ hóa cầu thận khu trú: Các sẹo của mô thận ảnh hưởng đến chức năng và gây ra hội chứng hư thận.
- Bệnh lý thận IgA: Tình trạng các kháng thể IgA tích lũy trong mô thận gây tổn thương mô.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Kháng thể trong lupus ban đỏ hệ thống có thể tấn công các mô thận và làm hỏng chức năng thận.
- Các cá nhân mắc viêm cầu thận cấp tính nhiều lần có thể mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính.
- Bệnh có yếu tố di truyền, vì xảy ra nhiều hơn ở một số gia đình.
- Hệ thống miễn dịch bất thường có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn tính: Miễn dịch bất thường có thể dẫn đến tổn thương mô thận thông qua một loạt các cơ chế.
- Không kiểm soát được cao huyết áp có thể gây tổn hại cho thận, lâu dài có thể gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính.
Nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn tính vẫn chưa được xác định trong khoảng 25% trên tổng số trường hợp.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận mạn mà bạn cần lưu ý gồm:
- Nhiễm khuẩn, nhiễm virus bất cứ vị trí nào cũng có thể làm trầm trọng hơn.
- Người thường xuyên hút thuốc và sử dụng rượu bia.
- Người bị viêm cầu thận cấp kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.
- Người thường xuyên sử dụng những loại thuốc có hại cho thận.
- Người có chế độ ăn quá nhiều muối.
- Người bị bệnh béo phì.
- Một số yếu tố về địa lý và chủng tộc như người da đen hoặc người Mỹ gốc Á.
- Người có cấu trúc thận bất thường.

Triệu chứng bệnh viêm cầu thận mạn tính
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm cầu thận mạn tính là:
- Đi tiểu quá mức.
- Có máu lẫn trong nước tiểu.
- Nước tiểu có bọt: Bạn có thể thấy nước tiểu sủi bọt khi đi tiểu.
- Tăng huyết áp.
- Chảy máu cam thường xuyên.
- Thường xuyên mệt mỏi, đau nhức và chuột rút cơ bắp, tình trạng này trở nặng vào ban đêm.
- Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu bao gồm da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt.
- Chán ăn và giảm cân.
- Da khô, có hoặc không có ngứa.
- Khó ngủ.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cảm giác đầy hơi bụng.
- Khó thở và ho.
Trong trường hợp bệnh nặng, bạn có thể gặp các triệu chứng thần kinh như:
- Kém tỉnh táo.
- Buồn ngủ, thờ ơ.
- Mê sảng.
- Lú lẫn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm cầu thận mạn
Những ảnh hưởng sức khỏe đầu tiên khi mắc bệnh là tích tụ chất thải hoặc chất độc trong máu. Bởi vì khi cầu thận bị giảm khả năng lọc nước tiểu và chất thải do tổn thương sẽ không thể hoạt động hiệu quả bằng cầu thận khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị ức chế vai trò điều hòa huyết áp của thận, mất protein trong máu và mất hồng cầu.
Người bị viêm cầu thận mạn nếu không thực hiện điều trị kiểm soát sức khỏe của cầu thận, dần lâu bệnh sẽ phát triển thành những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Những biến chứng có thể gặp ở bệnh viêm cầu thận mạn gồm:
- Suy thận mạn và suy thận giai đoạn cuối.
- Huyết áp cao, có thể có cơn tăng HA kịch phát, suy tim ứ huyết.
- Hội chứng thận hư.
- Viêm cầu thận tiến triển nhanh.
- Biến chứng về máu: thiếu máu, xuất huyết.
- Biến chứng về xương.
- Loãng xương, nhuyễn xương.
Viêm cầu thận mạn có chữa được không?
Viêm cầu thận mạn tính là căn bệnh đe dọa tính mạng nhưng hiện tại không có cách chữa trị. Tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán và điều trị sớm thì có cơ hội lành bệnh.
Chẩn đoán xác định bệnh
Để xác định viêm cầu thận mạn tính thì cần khám lâm sàng và làm các công việc cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm nước tiểu có protein niệu và /hoặc hồng cầu niệu dai dẳng.
- Xét nghiệm máu có biểu hiện thiếu máu, có thể có tăng urê, creatinin máu.
- Siêu âm có thể thấy sự bất thường một hoặc cả hai thận (teo nhỏ). Tuy vậy, nếu chụp thận có chất cản quang (UIV) thì thấy đài và bể thận vẫn bình thường. Trong trường hợp thật cần thiết thì có thể sinh thiết thận.
Phương pháp điều trị viêm cầu thận mạn tính
Không có điều trị đặc hiệu với viêm cầu thận mạn tính, mục tiêu điều trị bao gồm:
- Dự phòng các đợt tiến triển cấp tính.
- Hạn chế tiến triển của tổn thương cầu thận, duy trì chức năng cầu thận.
- Điều chỉnh nội môi.
- Điều trị biến chứng.
- Điều trị bệnh nguyên.
- Thay đổi chế độ ăn phù hợp và lối sống lành mạnh để làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ điều trị viêm cầu thận mạn:
- Lợi tiểu: Lasix 40mg x 1 viên/24h. Có thể cho liều cao hơn nếu vẫn còn phù.
- Thuốc hạ áp các nhóm thuốc đều dùng được. Khi có suy tim thì không dùng thuốc chẹn β giao cảm.
- Dùng kháng sinh khi có đợt viêm nhiễm: Cần cho dùng các kháng sinh thích hợp, tránh các kháng sinh độc cho thận, dùng kéo dài từ 7-14 ngày. Đối với viêm họng thì tốt nhất là Penicillin hoặc Ampicillin.

Cách phòng bệnh viêm cầu thận mạn tính
- Tăng cường sức đề kháng và thể lực bằng cách tập thể dục.
- Hạn chế ăn muối để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, sưng và cao huyết áp.
- Giảm tiêu thụ chất đạm và kali để làm chậm sự tích tụ chất thải trong máu.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh răng họng miệng để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
- Cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh các bệnh về da (mụn, nhọt…).
- Tiêm phòng vaccine viêm gan B, không dùng chung bơm kim tiêm.
- Khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Viêm cầu thận mạn có thể tiến triển thành những bệnh lý nguy hiểm khác về thận như suy thận, huyết áp cao hoặc hội chứng thận hư. Vậy nên, khi phát hiện các dấu hiệu bệnh cần được thăm khám và chuẩn đoán kịp thời. Tuy nhiên, không có phương pháp cụ thể điều trị viêm cầu thận mạn và cũng không thể điều trị dứt điểm bệnh. Vì thế, người bệnh cần phải kiểm soát, duy trì và cải thiện chức năng lọc của cầu thận chế độ dinh dưỡng, thói quen sống và những loại thuốc hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng.