Viêm cầu thận mạn tính là một bệnh về thận liên quan đến tổn thương các bộ lọc nhỏ bên trong thận của bạn. Nó có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, từ nhiễm trùng đến các vấn đề trên hệ thống miễn dịch.
Viêm cầu thận mạn tính là gì?
Viêm cầu thận mạn tính là một quá trình tổn thương thực thể xảy ra ở tất cả các cầu thận của hai bên thận, bao gồm các tình trạng tăng sinh, phù nề, xuất tiết và hoại tử hyalin, xơ hóa một phần hoặc toàn bộ cầu thận. Bệnh tiến triển mạn tính từ từ qua nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến xơ teo cả hai thận.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, có thể không có triệu chứng gì nổi trội. Triệu chứng thường gặp là: phù, protein niệu, hồng cầu niệu, tăng huyết áp. Bệnh diễn biến thành từng đợt, sau 10-15 năm sẽ xuất hiện suy thận mạn tính không hồi phục.
Viêm cầu thận mạn tính là căn bệnh đe dọa tính mạng nhưng hiện tại không có cách chữa trị. Tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán và điều trị sớm thì có cơ hội lành bệnh.
Nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn tính
Các yếu tố gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính bao gồm:
- Bệnh thận đái tháo đường: Tiểu đường mất kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng như gây tổn thương lớn đến thận.
- Xơ hóa cầu thận khu trú: Các sẹo của mô thận ảnh hưởng đến chức năng và gây ra hội chứng hư thận.
- Bệnh lý thận IgA: Tình trạng các kháng thể IgA tích lũy trong mô thận gây tổn thương mô.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Kháng thể trong lupus ban đỏ hệ thống có thể tấn công các mô thận và làm hỏng chức năng thận.
- Các cá nhân mắc viêm cầu thận cấp tính nhiều lần có thể mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính.
- Bệnh có yếu tố di truyền, vì xảy ra nhiều hơn ở một số gia đình.
- Hệ thống miễn dịch bất thường có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn tính: Miễn dịch bất thường có thể dẫn đến tổn thương mô thận thông qua một loạt các cơ chế.
- Không kiểm soát được cao huyết áp có thể gây tổn hại cho thận, lâu dài có thể gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính.
Các triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm cầu thận mạn tính là:
- Đi tiểu quá mức, có máu lẫn trong nước tiểu, nước tiểu có bọt.
- Tăng huyết áp.
- Chảy máu cam thường xuyên.
- Thường xuyên mệt mỏi, đau nhức và chuột rút cơ bắp, tình trạng này trở nặng vào ban đêm.
- Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu bao gồm da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt.
- Chán ăn và giảm cân.
- Da khô, có hoặc không có ngứa.
- Khó ngủ.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cảm giác đầy hơi bụng.
- Khó thở và ho.
Trong trường hợp bệnh nặng, bạn có thể gặp các triệu chứng thần kinh như: Kém tỉnh táo, buồn ngủ, thờ ơ, mê sảng, lú lẫn.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn tính có thể bao gồm:
- Xem xét bệnh án, khám sức khỏe tổng thể.
- Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), mức đường huyết và chỉ số HbA1c, nồng độ creatinine trong máu, nồng độ urea nitrogen (BUN) và creatinine.
- Xét nghiệm máu đặc biệt để phát hiện các chức năng miễn dịch bất thường như tự kháng thể và các kết quả kiểm tra bổ sung.
- Phân tích protein nước tiểu trong vòng 24h: Lượng protein và máu có thể có tăng trong nước tiểu.
- Chụp X-quang, siêu âm thận.
- Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ quét ổ bụng.
- Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tiêm tĩnh mạch (IVP): Phương pháp này sử dụng thuốc nhuộm tương phản để phát hiện những bất thường ở thận.
- Sinh thiết thận.
- Quy trình nhuộm kháng thể, xét nghiệm phân tử và các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử.
Nhiều tình trạng lâm sàng khác có thể có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để loại trừ các điều kiện lâm sàng khác để đi đến một chẩn đoán chính xác.
Điều trị viêm cầu thận mạn tính
Hiện nay, chưa có thuốc chữa trị viêm cầu thận mạn tính. Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng ở mỗi người và nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn. Các biện pháp hạn chế sự tiến triển của bệnh được áp dụng như:
- Kiểm soát huyết áp, nghỉ ngơi, ăn nhạt và dùng lợi tiểu khi có phù và cao huyết áp.
- Tránh bị nhiễm trùng như giữ vệ sinh sạch sẽ, mang khẩu trang khi ra đường, giữ ấm khi trời lạnh…
- Khi có suy thận cần hạn chế protein trong khẩu phần thức ăn.
- Tránh dùng các thuốc độc cho thận như kháng sinh họ Aminoglycosides (như Gentamycin, Streptomycin…), kháng viêm không phải corticoid (như Ibuprofen, Diclofenac…).
Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ điều trị viêm cầu thận mạn:
- Lợi tiểu: Lasix 40mg x 1 viên/24h. Có thể cho liều cao hơn nếu vẫn còn phù.
- Thuốc hạ áp các nhóm thuốc đều dùng được. Khi có suy tim thì không dùng thuốc chẹn β giao cảm.
- Dùng kháng sinh khi có đợt viêm nhiễm: Cần cho dùng các kháng sinh thích hợp, tránh các kháng sinh độc cho thận, dùng kéo dài từ 7-14 ngày. Đối với viêm họng thì tốt nhất là Penicillin hoặc Ampicillin.
Phòng ngừa mắc bệnh
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Hạn chế ăn muối để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, sưng và cao huyết áp.
- Giảm tiêu thụ chất đạm và kali để làm chậm sự tích tụ chất thải trong máu.
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu mắc bệnh tiểu đường.
- Bỏ thuốc lá.
Viêm cầu thận mạn rất nguy hiểm và khó chữa khỏi. Vì vậy việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng, nên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh lý sớm nhất và điều trị sớm nếu có bệnh.