Viêm cầu thận đề cập đến tình trạng viêm tại cơ quan bài tiết này. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, tình trạng này có nguy cơ kéo theo hàng loạt biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Viêm cầu thận là bệnh gì?
Thận có chức năng lọc máu để tạo ra nước tiểu, bài tiết các chất thải, điều chỉnh các chất điện giải ngoài ra thận còn có chức năng duy trì sự ổn định của huyết áp, tham gia vào quá trình tạo máu.
Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận.
Nếu tổn thương tại cầu thận có thể có các biểu hiện như phù, tăng huyết áp, thay đổi thành phần nước tiểu, thiếu máu,… nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống thậm chí tử vong.
Bệnh chia thành 2 thể: Viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn. Mỗi thể lâm sàng lại có nguyên nhân và đặc điểm lâm sàng khác nhau.
- Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cấp tính tại cầu thận. Bệnh xuất hiện sau nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A do nhiễm khuẩn ngoài da hay sau viêm họng. Là bệnh lý phức hợp miễn dịch phần lớn hồi phục hoàn toàn sau 4-6 tuần.
- Viêm cầu thận mạn là tình trạng viêm mạn tính tại cầu thận, bệnh tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến xơ teo cả 2 thận. Bệnh diễn biến thành từng đợt cấp và sau cùng trở thành suy thận mạn tính không hồi phục được. Bệnh do nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân gây viêm cầu thận
Viêm cầu thận có thể do hệ thống miễn dịch của cơ thể gặp vấn đề. Các tổn thương thận dẫn đến mất máu và protein ra nước tiểu. Tình trạng này có thể phát triển nhanh chóng và chức năng thận bị mất trong vài tuần hoặc vài tháng. Đây được gọi là bệnh viêm cầu thận tiến triển nhanh. Một số người bị viêm cầu thận mãn tính không có tiền sử bệnh thận.
Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như:
- Viêm họng do liên cầu.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- Hội chứng Goodpasture.
- Thoái hóa tinh bột, xảy ra khi các protein tích tụ một cách bất thường trong các cơ quan và các mô của bạn.
- U hạt Wegener dẫn đến viêm các mạch máu.
- Viêm đa nút động mạch – một căn bệnh mà trong đó các tế bào tấn công các động mạch.
- Rối loạn ảnh hưởng đến màng đáy cầu thận, một phần của thận giúp lọc chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi máu.
Có rất nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ bị bệnh, chẳng hạn như:
- Sử dụng hóa chất và thuốc có hại cho thận.
- Sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroids (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen.
Những triệu chứng của bệnh
Triệu chứng viêm cầu thận rất đa dạng. Bệnh có thể diễn ra một cách thầm lặng kín đáo, không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu hoặc bệnh cũng có thể phát triển hết sức rầm rộ. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là:
- Phù.
- Tăng huyết áp.
- Đái ra máu đại thể trong viêm cầu thận cấp.
- Nước tiểu có bọt.
- Biểu hiện suy tim trong viêm cầu thận cấp.
- Sốt nhẹ 37,5oC – 38,5oC.
- Đau vùng thắt lưng đau ỉ hoặc dữ dội.
- Đau bụng, bụng chướng nhẹ, buồn nôn, đi lỏng; không ít trường hợp viêm cầu thận cấp mở đầu bằng cơn đau bụng cấp.
- Thiếu máu: Một bệnh nhân viêm cầu thận mạn có thể có thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt, hay chóng mặt, đau đầu có thể do thiếu dinh dưỡng hoặc suy thận mạn tính dẫn đến thiếu máu mạn tính.
Sự nguy hiểm của bệnh viêm cầu thận
Tình trạng sức khỏe này có thể không quá nguy hiểm nếu bạn sớm phát hiện và chữa trị ngay từ đầu.
Ngược lại, nếu không được điều trị hiệu quả và kịp thời, bệnh có thể kéo theo hàng loạt vấn đề nguy hiểm như tăng huyết áp, suy tim, phù phổi và tổn thương một số cơ quan, bộ phận khác.
Ngoài ra, bệnh xảy ra lâu ngày không được kiểm soát tốt có nguy cơ khiến thận bị hư hại hoàn toàn. Khi các cầu thận bị viêm và suy thoái, khả năng lọc thải sẽ mất đi khiến chất thải cùng dịch dư thừa tích tụ nhanh chóng. Lúc này, người bệnh cần lọc máu khẩn cấp.
Nếu chức năng của thận không đạt được 10% so với bình thường, bạn sẽ được chẩn đoán bị bệnh thận giai đoạn cuối. Trong trường hợp này, thẩm tách theo định kỳ và ghép thận là hai lựa chọn duy nhất có thể giúp bạn tiếp tục sống.
Chẩn đoán và điều trị bệnh
Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận
Các bệnh lý cầu thận được chẩn đoán dựa trên xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh hệ niệu. Tuy nhiên, một số trường hợp chẩn đoán xác định bệnh cầu thận cần dựa vào sinh thiết thận làm xét nghiệm mô bệnh học.
- Xét nghiệm nước tiểu: Dùng que thử phát hiện protein, hồng cầu trong nước tiểu, định lượng protein để xác định mức độ ít nhiều, soi cặn để thấy hình thái hồng cầu niệu không đều và hình ảnh trụ hồng cầu. Đôi khi, người bệnh cần phải làm xét nghiệm tỷ số albumin/creatinin niệu hay đạm niệu 24 giờ.
- Xét nghiệm máu: Định lượng ure và creatinin nhằm đánh giá chức năng thận (nồng độ những chất này sẽ tăng khi có suy thận).
- Xét nghiệm những yếu tố miễn dịch: (Kháng thể kháng nhân, bổ thể, kháng thể kháng màng đáy cầu thận, ANCA…), xét nghiệm đường huyết, ALSO, điện di protein trong huyết thanh và nước tiểu… Các xét nghiệm này mang lại rất nhiều lợi ích trong việc xác định những bệnh lý toàn thể, gây tổn thương cầu thận thứ phát và có giá trị tiên lượng bệnh.
- Siêu âm thận: Giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt những trường hợp có hồng cầu trong nước tiểu không phải do nguyên nhân cầu thận hoặc phân biệt những nguyên nhân gây suy thận do tắc nghẽn đường dẫn niệu với suy thận do bệnh lý cầu thận. Ngoài ra, khi xem xét hình thái, kích thước thận còn hỗ trợ bác sĩ xác định tiến triển bệnh là cấp hoặc mạn.
- Sinh thiết thận làm xét nghiệm mô bệnh học: Có giá trị chẩn đoán xác định căn nguyên, thể loại và giai đoạn tiến triển của bệnh. Ngoài giá trị chẩn đoán xét nghiệm mô bệnh học còn định hướng điều trị, tiên lượng bệnh.
Điều trị bệnh viêm cầu thận
Phác đồ điều trị viêm cầu thận ở mỗi người không giống nhau vì nó phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một trong những phương pháp điều trị thường gặp là kiểm soát huyết áp, đặc biệt khi nguyên nhân cơ bản của bệnh là chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường.
Nếu huyết áp của bạn không cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, bao gồm nhóm thuốc ức chế men chuyển như captopril, lisinopril, perindopril.
Trong trường hợp cầu thận bị viêm do hệ miễn dịch tấn công, corticosteroid cũng có thể hữu ích trong việc làm giảm đáp ứng miễn dịch.
Một giải pháp điều trị viêm cầu thận khác nữa là thay huyết tương. Phương pháp này giúp loại bỏ phần chất lỏng của máu (huyết tương) và thay thế nó bằng dịch tiêm qua đường tĩnh mạch hoặc huyết tương được hiến tặng.
Lượng protein, muối và kali trong chế độ ăn uống của bạn cũng là một số yếu tố cần phải xem xét trong thời gian chữa trị.
Trong trường hợp tình trạng của bạn trở nên tồi tệ đến mức suy thận, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật lọc máu bằng máy để lọc sạch máu. Phương pháp điều trị cuối cùng là ghép thận.
Phòng ngừa mắc bệnh viêm cầu thận
Bạn có thể thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc những bệnh lý ảnh hưởng tới thận như:
- Hạn chế ăn muối để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, phù và cao huyết áp.
- Giảm tiêu thụ protein và kali để làm chậm sự tích tụ của các chất thải trong máu của bạn.
- Kiểm soát trọng lượng ở mức cho phép.
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn có bệnh tiểu đường.
- Bỏ thuốc lá.
- Nhanh chóng điều trị các vấn đề nhiễm trùng có nguy cơ ảnh hưởng đến cầu thận.
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng, stress kéo dài là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp. Huyết áp cao rất dễ làm tổn thương những tế bào ở thận, từ đó gây suy giảm chức năng thận.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động cơ thể không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể mà còn tăng cường tuần hoàn máu, khả năng hoạt động của các tế bào bạch cầu. Mọi bộ phận trong cơ thể đều khỏe mạnh hơn, bao gồm cả thận.