Viêm cơ tim là một trong những bệnh lý về tim vô cùng nguy hiểm. Đây là hiện tượng các tế bào cơ tim bị tổn thương do nhiều tác nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim.
Viêm cơ tim là bệnh gì?
Viêm cơ tim là tình trạng viêm toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim, là hậu quả của một bệnh nhiễm trùng khác gây nên chứ không có một loại vi rút riêng biệt nào là vi rút viêm cơ tim.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20 – 40), gặp ở nam nhiều hơn nữ, biểu hiện phong phú có thể từ nhẹ đến nặng. Người bị suy giảm hệ miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ nhiều hơn.
Bệnh viêm cơ tim có biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, thể tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, có nguy cơ tử vong rất cao đến 70% nếu không được điều trị tích cực kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim
Nguyên nhân gây viêm cơ tim chủ yếu là do virus, trong đó thường gặp nhất là do virus coxsackie B. Một số loại virus khác như virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus), parvovirus B19 (virus gây sốt phát ban), virus herpes (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa), hay virus rubella (gây bệnh sởi) cũng là nguyên nhân tiềm tàng của viêm cơ tim.
Ngoài ra, bệnh viêm cơ tim cũng có thể gây ra bởi vi khuẩn, ký sinh trùng; do tiếp xúc với thuốc gây dị ứng, độc hại, thuốc chống động kinh; do điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị; mắc bệnh lupus, viêm động mạch…

Dấu hiệu viêm cơ tim thường gặp
Viêm cơ tim nhẹ thường không có triệu chứng gì đáng chú ý. Người bệnh có thể cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và có các triệu chứng chung của cơ thể khi nhiễm virus, sau đó tự khỏi mà không hề nhận biết được mình đã bị viêm cơ tim.
Trong những trường hợp viêm nặng, người bệnh có thể gặp nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:
- Tức ngực.
- Nhịp tim nhanh bất thường.
- Huyết áp tụt.
- Khó thở ngay cả khi đang ngồi nghỉ ngơi hoặc trong quá trình vận động.
- Phù nề (tích nước) ở chân, sưng mắt cá chân và bàn chân.
- Cảm giác mệt mỏi.
- Dấu hiệu và triệu chứng khác như đau đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, sốt, đau họng và tiêu chảy.
- Viêm cơ tim ở trẻ em thường là bệnh viêm cơ tim cấp tính với các triệu chứng tiến triển nhanh và rõ rệt hơn bao gồm: Sốt, ngất xỉu, khó thở, nhịp thở nhanh và nhịp tim nhanh bất thường.
Viêm cơ tim có nguy hiểm không?
Viêm cơ tim có thể gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đối với người bệnh:
Suy tim
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm cơ tim có thể nhanh chóng làm tổn thương cơ tim và dẫn đến suy tim khiến tim không còn chức năng bơm máu để nuôi cơ thể. Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ: Tình trạng tổn thương cơ tim sẽ khiến máu chảy trong tim có thể hình thành cục máu đông và những cục máu này có thể gây tắc một trong các động mạch vành. Từ đó sẽ dẫn tới nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp cục máu đông trong tim di chuyển đến động mạch dẫn lên não, người bệnh sẽ có thể phải đối mặt với đột quỵ
Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim
Viêm cơ tim cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
Đột tử
Tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng sẽ khiến cho tim có thể ngừng đập một cách đột ngột và dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo thống kê ở người trẻ, viêm cơ tim chiếm 20% trong số những nguyên nhân gây đột tử.
Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
Nếu cơ tim bị tổn thương như máu chảy trong tim có thể hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông gây bít tắc một trong các động mạch vành, gây ra nhồi máu cơ tim. Hoặc nếu cục máu đông trong tim di chuyển đến một động mạch dẫn đến não có thể gây ra đột quỵ.
Phương pháp chẩn đoán viêm cơ tim
Để chẩn đoán bệnh viêm cơ tim, ngoài những triệu chứng lâm sàng kể trên, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm để đưa ra kết luận chính xác nhất:
- Điện tâm đồ.
- Siêu âm tim.
- Chụp Xquang tim phổi.
- Xét nghiệm nồng độ men tim và kháng thể kháng virus.
- Sinh thiết cơ tim…

Phương pháp điều trị
Điều trị viêm cơ tim có thể chỉ điều trị nội khoa nhưng cũng có thể phải hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể trong những trường hợp sốc tim. Trong những trường hợp này, tỉ lệ tử vong rất cao, chi phí điều trị lớn.
- Điều trị nội khoa: Trong giai đoạn cấp không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Đa phần viêm cơ tim cấp có thể phục hồi, ít ảnh hưởng chức năng tim. Nhưng cũng có một tỉ lệ viêm cơ tim gây suy tim, bệnh cơ tim giãn. Điều trị ở giai đoạn này chủ yếu là điều trị suy tim, dùng thuốc theo khuyến cáo điều trị suy tim.
- Những trường hợp nặng: Có thể cần dùng các thuốc vận mạch hỗ trợ, nhưng thường phải cần đến hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Viêm cơ tim cấp có thể ảnh hưởng đến bộ máy dẫn truyền nhịp gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, hoặc block nhĩ thất. Những trường hợp này cần đặt máy tạo nhịp tạm thời kết hợp.
Một số lưu ý với người bị viêm cơ tim
Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bệnh nhân viêm cơ tim cấp để có thể phục hồi nhanh hơn, ngừa biến chứng:
- Nghỉ ngơi, vận động vừa phải, hạn chế làm việc quá sức trong và sau điều trị. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về loại hoạt động thể chất và thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
- Tái khám kiểm tra đúng lịch để phát hiện, can thiệp nếu bệnh tái phát, diễn biến nặng hơn.
- Chế độ ăn dinh dưỡng, giảm muối, tránh hút thuốc và nước có ga.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều dùng hoặc bỏ thuốc khi triệu chứng bệnh đã giảm.
Viêm cơ tim không phải là hiếm gặp, việc phòng ngừa cũng không phải dễ dàng, do có rất nhiều nguyên nhân. Do đó, cần tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm siêu vi hoặc hội chứng giống cảm cúm cho đến khi họ bình phục hoàn toàn.
Leave a reply