Viêm dạ dày là bệnh lý gây ra do tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến đau dạ dày, đầy bụng, khó tiêu… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do vi khuẩn, chế độ ăn uống không khoa học, hay người bệnh sử dụng rượu bia trong thời gian dài. Hơn nữa khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến viêm loét, chảy máu dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày.
Bệnh viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày là một từ dùng để mô tả các nhóm vấn đề có chung một đặc điểm là viêm ở lớp niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm này thường là kết quả từ sự nhiễm một loại vi khuẩn gây ra hầu hết các vết loét ở dạ dày. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên hay uống quá nhiều rượu, bia cũng góp phần dẫn đến tình trạng này.
Các triệu chứng bệnh có thể xảy ra đột ngột (viêm dạ dày cấp tính) hoặc diễn biến âm thầm, từ từ theo thời gian (viêm dạ dày mãn tính). Một vài trường hợp, tình trạng viêm có thể dẫn đến loét và làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, hầu hết những người bị viêm không nghiêm trọng đều có thể cải thiện nhanh chóng khi điều trị.
Bệnh viêm dạ dày nguyên nhân do đâu
Niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến viêm dạ dày và nguyên nhân đến niêm mạc bị tổn thương là do:
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Tuỳ vào chủng HP có gây bệnh hay không mà người nhiễm có thể chuyển sang viêm loét dạ dày.
- Viêm dạ dày tự miễn: Người bệnh bị rối loạn hệ miễn dịch, cơ thể tự sản sinh kháng thể tấn công niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm loét. Bạn bị rối loạn miễn dịch, nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể.
- Lạm dụng thuốc: Bạn sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm dẫn đến viêm loét.
- Chế độ ăn không không khoa học: Người bệnh có thói quen ăn uống không đúng bữa, ăn quá no, để bụng đói, hay vận động mạnh sau khi ăn khiến lượng axit trong dạ dày tiết ra nhiều hơn, dẫn đến một số triệu chứng trào ngược và viêm loét dạ dày.

Dấu hiệu của viêm dạ dày
Viêm dạ dày không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng rõ ràng. Một số dấu hiệu gợi ý viêm dạ dày như:
- Đau nhức, khó tiêu ở phần bụng trên và cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc tốt lên sau khi ăn.
- Có cảm giác cồn cào, nóng rát ở dạ dày.
- Sau khi ăn thường có cảm giác đầy bụng trên.
- Buồn nôn, nôn (có thể có máu hoặc không).
- Đi ngoài ra máu.
Bệnh viêm dạ dày có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, tình trạng viêm này có thể dẫn đến loét và chảy máu dạ dày. Một số dạng viêm dạ dày mạn tính còn có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhất là khi chúng làm mỏng lớp niêm mạc và gây biến đổi các tế bào ở đó.
Hãy thông báo với bác sĩ nếu thấy các dấu hiệu và triệu chứng viêm không được cải thiện dù đã điều trị theo hướng dẫn.
Biến chứng có thể gặp
Bệnh viêm dạ dày dù nặng hay nhẹ nhưng đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt với trường hợp bệnh kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Hẹp môn vị: Khi niêm mạc dạ dày ở môn vị bị tổn thương dẫn đến hẹp môn vị. Người bệnh gặp khó khăn khi trong quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Xuất huyết dạ dày: Niêm mạc dạ dày bị tổn thương mao mạch máu giãn nở có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày. Khi bị xuất huyết, bạn có thấy phân màu đen và xuất hiện máu tươi .
- Thủng dạ dày: Thành dạ dày bị bào mòn nghiêm trọng dẫn đến thủng dạ dày. Khi đó người bệnh xuất hiện cơn đau dữ dội, hạ huyết áp,.. cần phải cấp cứu và điều trị sớm.
- Ung thư dạ dày: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất, nguy hiểm đến tính mạng.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm dạ dày
- Nội soi đường tiêu hóa.
- Xét nghiệm tìm H.pylori: Xét nghiệm phân, máu, test hơi thở.
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân xem bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết không.
- Chụp X quang đường tiêu hóa.
- Sinh thiết niêm mạc dạ dày.
Phương pháp điều trị viêm dạ dày hiệu quả
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
- Trường hợp viêm dạ dày cấp do dùng thuốc nhóm NSAID hoặc uống rượu bia: Ngưng sử dụng thuốc này, ngưng uống rượu.
- Trường hợp nhiễm H.pylori: Dùng thuốc kháng sinh trong vòng 7 – 14 ngày theo phác đồ tiêu diệt H.pylori.
- Trường hợp viêm dạ dày do thiếu máu ác tính: Bổ sung vitamin B12 đường tiêm.
Các trường hợp viêm dạ dày do tăng tiết acid:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Esomeprazol, omeprazol…
- Thuốc chẹn H2: Cimetidine, famotidine, nizatidine…
- Thuốc kháng acid: Muối nhôm…

Phòng ngừa viêm dạ dày
- Không uống rượu bia quá nhiều, tập cai thuốc lá.
- Chỉ uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc và sử dụng trong thời gian dài.
- Cần bổ sung vitamin A, D, K, B12, acid folic, canxi, Fe, Zn,..trứng, sữa giúp trung hòa acid dạ dày tốt hơn,..
- Tránh các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, trà, cà phê,…
- Khám bác sĩ khi có tình trạng viêm nhiễm: răng, tai – mũi – họng…
- Vận động phù hợp, tập thể dục đều đặn và hợp lí, khoảng 30 phút/ngày, 5 lần/tuần để có sức khỏe tốt.
- Nghỉ ngơi hợp lí, ngủ đủ.
- Tránh stress.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Bệnh viêm dạ dày là bệnh nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Vậy nên, khi phát hiện các dấu hiệu bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Điều trị sớm có thêm nhiều cơ hội khỏi bệnh. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt tăng cường sức khỏe, đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh.