Bệnh viêm dạ dày ruột do viruscòn được gọi là cúm dạ dày do nó lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc ăn uống thực phẩm, nước bị nhiễm bệnh. Nếu bạn là người khỏe mạnh, bạn có thể sẽ phục hồi mà không có biến chứng.
Viêm dạ dày ruột do virus là bệnh gì?
Viêm dạ dày ruột do virus (hay còn được gọi là viêm ruột) là một bệnh nhiễm trùng dẫn đến tình trạng viêm (sưng đỏ) dạ dày và ruột do virus gây ra.
Đây là bệnh khá phổ biến, đôi khi còn được gọi là “cúm dạ dày” vì nó lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc sử dụng các thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm bệnh.
Loại virus này có thể ảnh hưởng đến dạ dày và ruột non. Đối với trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém, viêm dạ dày ruột do virus còn có thể gây chết người.
Nguyên nhân viêm dạ dày ruột do virus
Bạn rất dễ mắc bệnh viêm dạ dày ruột do virus thông qua thức ăn và nước uống không sạch. Cũng có khả năng lây bệnh nếu bạn dùng chung đồ, khăn hay thức ăn với người đang nhiễm bệnh.
Một số loại virus có khả năng cao gây viêm dạ dày ruột:
- Rotavirus: Trẻ em thường bị nhiễm bệnh khi ngậm tay hoặc ngậm các đồ vật bị nhiễm virus vào miệng. Người lớn bị nhiễm rotavirus có thể không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây bệnh. Vắc-xin phòng chống rotavirus gây viêm dạ dày ruột đã có ở một số nước, và có hiệu quả trong việc ngừa các triệu chứng nghiêm trọng.
- Norovirus: Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị nhiễm norovirus. Norovirus có thể lây lan trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt nó dễ lây lan ở những nơi có giới hạn về không gian như viện dưỡng lão, bệnh viện, nhà trẻ, trường học.
Mặc dù bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác, nhưng hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh là từ thực phẩm và nước bị nhiễm bẩn.
Một số thực phẩm như tôm, cua, sò, hàu,… sống hoặc nấu chưa chín cũng có thể làm bạn bị bệnh.
Nguy cơ cao mắc bệnh viêm dạ dày ruột do vi-rút
- Tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh.
- Dùng chung vật dụng sinh hoạt với người bệnh.
- Người bệnh không rửa kỹ tay bằng xà phòng.
- Thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nấu chưa chín kỹ.
- Tuổi tác: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già có tỉ lệ viêm dạ dày ruột do vi-rút cao hơn.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: ung thư, HIV/AIDS.

Triệu chứng bệnh viêm ruột do virus
Những triệu chứng thường gặp khi bị viêm ruột do virus bao gồm:
- Đau thắt bụng hoặc đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn hoặc ói mửa.
- Sụt cân.
- Sốt nhẹ.
- Đau nhức cơ hoặc đầu.
Đường lây truyền của bệnh
Viêm dạ dày ruột do virus hay xảy ra và có thể gây dịch vào mùa đông xuân. Ngoài các đợt bùng phát dịch lớn do liên quan đến tiêu thụ thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm, các căn nguyên vi rút gây viêm dạ dày ruột còn có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua đường phân – miệng.
Các biến chứng bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính do virus
Viêm dạ dày ruột do virus thường nhẹ và bệnh có thể tự hồi phục chỉ nhờ bổ sung nước đúng cách. Tuy nhiên nếu không theo dõi bệnh và chủ quan trên những đối tượng nguy cơ cao, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong:
- Rối loạn nhịp tim, ngừng tim do rối loạn điện giải.
- Mất nước nặng gây sốc do giảm thể tích tuần hoàn.
- Viêm ruột, hoại tử ruột do bội nhiễm vi khuẩn.
- Ngoài ra những biến chứng về lâu dài có thể gặp ở trẻ em như suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, còi xương, chậm lớn,…
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm dạ dày ruột do virus
Có thể chẩn đoán bệnh bằng cách:
- Quan sát các dấu hiệu và triệu chứng trên người bệnh.
- Xét nghiệm phân: Xác định nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến virus hay không.
- Xét nghiệm máu.
Phương pháp điều trị viêm dạ dày ruột do virus
Nếu bệnh nhân bị mất nước nặng, cần truyền dịch tĩnh mạch để bổ sung lượng nước đã mất. Viêm dạ dày ruột cấp tính thường sẽ tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày nếu cơ thể được bù nước đầy đủ.
Một số thuốc được sử dụng điều trị triệu chứng:
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Paracetamol, Ibuprofen,…
- Thuốc chống nôn: Prochlorperazine và Promethazine đường tiêm hoặc Ondansetron đường uống.
- Thuốc tiêu chảy: Loperamid, Diphenoxylate,…
- Thuốc kháng acid và giảm tiết acid dạ dày: Omeprazol, Famotidin,…

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính do virus
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh là thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau:
- Rửa tay thường xuyên.
- Sử dụng các vật dụng cá nhân riêng biệt, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, ly nước và đĩa. Đặc biệt là sử dụng khăn riêng trong phòng tắm.
- Ăn chín, uống sôi, dùng các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
- Tránh thực phẩm sống – bao gồm cả hoa quả đã bóc vỏ, rau sống và rau trộn – được chuẩn bị từ tay trần.
- Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng.
- Giữ khoảng cách. Tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiện mắc bệnh, nếu có thể.
- Khử trùng các bề mặt như bàn, ghế, tay nắm cửa, …
- Đưa trẻ của bạn đi tiêm chủng. Rotavirus – tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ – nhưng đã có vắc-xin phòng ngừa, đặc biệt là cho trẻ dưới 1 tuổi.
Để có một sức khỏe thật khỏe mạnh, ngoài việc ăn uống đủ chất, hãy đảm bảo rằng bạn và gia đình không mắc những căn bệnh dễ lây qua đường tiêu hóa. Đặc biệt là trẻ nhỏ, đối tượng rất dễ mắc bệnh và cũng rất dễ trở nặng. Hãy chủ động bảo vệ bạn và gia đình khỏi những bệnh đường tiêu hóa qua việc rửa tay thường xuyên và ăn chín uống sôi nhé.