Viêm gan là bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có virus. Bệnh ngày càng phổ biến và trở nên nghiêm trọng. Nếu được điều trị kịp thời, phù hợp, bệnh nhân bị viêm gan sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Viêm gan do virus là gì?
Viêm gan do virus là tình trạng lá gan bị virus xâm nhập và tấn công khiến cho các tế bào gan bị viêm và tổn thương. Viêm gan virus có thể phá vỡ quá trình thải độc, lưu trữ vitamin và sản xuất hormone của gan. Biến chứng của viêm gan là suy gan, xơ gan, ung thư gan…
Có 5 loại virus viêm gan chính, bao gồm A, B, C, D và E. 5 loại này chính là mối quan tâm lớn vì gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thêm vào đó là khả năng lây lan của nó. Đặc biệt, virus viêm gan B và C có thể tiến triển thành bệnh mãn tính, đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan A và E thường lây lan qua đường tiêu hóa. Viêm gan B, C và D lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Virus viêm gan A
Virus viêm gan A (HAV) có trong phân của người nhiễm bệnh và thường lây truyền đường tiêu hóa. Quan hệ tình dục cũng có thể là nguyên nhân lây lan HAV. Hầu hết những người mắc bệnh viêm gan A có thể hồi phục hoàn toàn và miễn dịch với virus viêm gan A suốt đời.
Tuy nhiên, virus viêm gan A cũng có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh. Hầu hết những người ở các khu vực có điều kiện vệ sinh kém rất dễ bị nhiễm virus viêm gan A. Hiện nay, đã có vắc-xin phòng ngừa viêm gan A an toàn và hiệu quả.
Đối với bệnh HAV điều trị chỉ giúp nâng đỡ thể trạng và giải quyết các triệu chứng. Không có phương pháp đặc hiệu để điều trị viêm gan A. Cơ thể người bệnh sẽ tự đào thải virus viêm gan A sau vài tuần mà không cần chữa trị. Bệnh nhân có thể được chăm sóc ở nhà mà không cần phải nhập viện.
Virus viêm gan B
Virus viêm gan B (HBV) lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền thông qua truyền máu và các chế phẩm từ máu bị nhiễm HBV. HBV cũng gây rủi ro cho các nhân viên y tế, những người bị thương do kim tiêm vô tình gây ra trong khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HBV.
Viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan. 15%- 25% ca viêm gan B mãn tính có nguy cơ phát triển thành các bệnh gan mãn tính như xơ gan, ung thư gan và suy gan. Hiện nay vắc xin đặc chủng cho việc phòng ngừa vi rút viêm gan B đã được sử dụng rộng rãi.
Đối với các trường hợp viêm gan B cấp tính thì chưa có thuốc điều trị, nên phương án tốt nhất là thực hiện chăm sóc hỗ trợ. Đối với các trường hợp viêm gan B mãn tính thì bệnh nhân phải được theo dõi thường xuyên các dấu hiệu tiến triển của bệnh gan; một số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.
Virus viêm gan C
Virus viêm gan C (HCV) chủ yếu lây truyền qua việc tiếp xúc với máu nhiễm trùng. Điều này có thể xảy ra thông qua truyền máu và các chế phẩm từ máu bị nhiễm HCV, tiêm nhiễm trong quá trình y tế. HCV cũng có thể lây truyền qua đường tình dục, nhưng đây là những trường hợp hiếm gặp. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa HCV.
Viêm gan C có thể từ một bệnh nhẹ, kéo dài một vài tuần, đến nhiễm trùng nghiêm trọng, suốt đời (mãn tính). Hầu hết những người bị nhiễm virus viêm gan C đều bị viêm gan C mãn tính. Hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan C.
Có tới 75%-85% ca nhiễm vi rút viêm gan C phát triển thành các bệnh mãn tính, 5%-20% trường hợp viêm gan C mãn tính phát triển thành xơ gan và 1%-5% các ca xơ gan do viêm gan C gây ra sẽ bị tử vong hoặc bị ung thư gan.
Đối với các trường hợp viêm gan C cấp tính: Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các bệnh nhân viêm gan cấp tính C. Đối với các trường hợp bệnh mạn tính thì đã có một số loại thuốc có sẵn để điều trị. Các phương pháp điều trị hiện tại thường liên quan đến 8-12 tuần điều trị bằng đường uống (thuốc) và khoảng 90% bệnh nhân được chữa khỏi.
Virus viêm gan D
Đây là một virus không hoàn chỉnh (chỉ có phần nhân không có phần vỏ) được phát hiện năm 1977. Vì vậy nó không thể độc lập gây bệnh mà phải đồng nhiễm hoặc bội nhiễm với viêm gan B mới có khả năng gây bệnh. Hiện nay đã có vaccine phòng viêm gan D.
HDV có thể lây nhiễm từ người qua người bằng đường máu, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với những chất dịch từ cơ thể đang bị nhiễm bệnh như nước tiểu, máu, tinh dịch, dịch âm đạo, quan hệ tình dục không an toàn.
Bệnh nhân bị nhiễm HDV có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc. Trong đó, Pegylated interferon alpha mang đến hiệu quả để giảm tải số lượng virus và những tác động của bệnh lý này đến chức năng của gan trong khoảng thời gian thuốc đang được sử dụng, tuy nhiên tác dụng này sẽ dừng lại nếu thuốc không được sử dụng.
Virus viêm gan E
Viêm gan E (HEV) là loại bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, phát triển mạnh ở các nước nhiệt đới, vệ sinh môi trường kém, thường xuyên có lũ lụt. Virus viêm gan E được tìm thấy trong các chất thải, phân, rác, nguồn nước bị ô nhiễm… Virus thường tự giới hạn và khỏi trong vòng 4-6 tuần.
Hiện nay, bệnh HEV cấp vẫn chưa có thuốc có thể điều trị, hay làm thay đổi quá trình phát triển viêm gan E cấp tính. Do đó, các bác sĩ chuyên khoa thường tư vấn các liệu pháp hỗ trợ. Đối với bệnh HEV mạn, Ribavirin để điều trị bệnh này dù đây không phải loại thuốc được quy định nhằm điều trị bệnh HEV mạn.
Biện pháp phòng ngừa
Đối với virus viêm gan lây theo đường tiêu hóa (HAV và HEV) cần phải giữ vệ sinh thực phẩm và nước uống. Quản lý và khử trùng phân của bệnh nhân để tránh lây lan.
Đối với các virus viêm gan lây theo đường máu (HBV, HCV, HDV) cần phải đảm bảo khử trùng tốt các dụng cụ tiêm truyền, phẫu thuật. Sử dụng máu và các chế phẩm của máu cần được kiểm tra chặt chẽ để loại trừ các vi rút viêm gan. Virut viêm gan B có thể lây truyền qua đường sinh dục do vậy trong quan hệ tình dục cũng phải có dụng cụ bảo vệ.
Viêm gan virus là căn bệnh nguy hiểm. Việc điều trị ở giai đoạn cấp có thể dễ dàng nếu áp dụng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Nhưng ở giai đoạn mạn khó điều trị hơn, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Vậy việc thăm khám sức khỏe định kỳ, phòng ngừa chủ động là biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất dành cho bạn đối với căn bệnh nguy hiểm và dễ lây lan này.