Viêm gân là tình trạng tổn thương gân và/ hoặc bao gân dẫn đến đau, sưng và hạn chế cử động khớp. Viêm gân phổ biến những vận động viên thể thao hay những người chơi thể thao thường xuyên. Đa số tình trạng viêm gân có thể điều trị hiệu quả và hồi phục nhanh chóng bằng cách kết hợp sử dụng thuốc, nghỉ ngơi hợp lý và vật lý trị liệu.
Viêm gân là gì?
Viêm gân là tình trạng gân bị viêm hay tổn thương, gây đau nhức và sưng nóng quanh khớp. Bất kỳ gân tại vị trí nào đều có khả năng bị viêm. Tuy nhiên, các biểu hiện viêm thường xuất hiện tại những vị trí như vai, cổ tay, đầu gối, gót chân…
Gân là các sợi mô dày được tạo thành bởi collagen, kết nối cơ và xương. Chức năng chính của gân là hỗ trợ các khớp vận động dễ dàng, giữ cho xương không bị lệch.
Các dạng viêm gân thường gặp nhất
Gân ở bất kì vị trí nào trên cơ thể đều có thể bị viêm, nhưng nguy cơ cao hơn cả là tại những vùng dưới đây:
- Tại khuỷu tay: Viêm lồi cầu xương cánh tay hay còn gọi là khuỷu tay người chơi tennis, viêm mỏm trên lồi cầu cánh tay.
- Tại vai: Viêm gân nhị đầu vai.
- Tại cổ tay: Viêm bao gân cổ tay.
- Tại đầu gối: Viêm gân bánh chè.
- Tại gót chân: Viêm điểm bám gân Achilles.
- Tại ngón tay: Viêm gân gấp ngón tay (ngón tay lò xo).
Viêm gân tại mỗi vị trí sẽ có mức độ tác động và phạm vi ảnh hưởng khác nhau. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể của mỗi trường hợp để đưa ra hướng giải quyết thích hợp.
Nguyên nhân bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây viêm gân, cụ thể như:
- Chấn thương bất ngờ, trực tiếp.
- Lặp lại hành động nhiều lần theo thời gian, hoạt động quá mức do nghề nghiệp.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Viêm cột sống dính khớp.
- Rối loạn chuyển hóa.
- Thoái hóa gân do tuổi già.
- Co cơ quá mức, đột ngột, cử động sai tư thế, vi chấn thương…

Dấu hiệu viêm gân thường gặp
Những dấu hiệu nhận biết thường gặp của tình trạng viêm gân như:
- Sưng gân.
- Da trên gân bị ảnh hưởng, trở nên mềm hơn.
- Cảm thấy đau khi cử động tại khu vực bị ảnh hưởng.
- Có cảm giác nứt hoặc ma sát khi cử động khớp.
- Bị căng cứng khớp hay gân do sưng.
- Có khối u hay nốt sần trên gân.
Những triệu chứng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Khi không được điều trị, gân sẽ bị căng quá mức, dẫn tới đứt gân. Khi gân bị đứt, người bệnh có thể sờ thấy một khoảng trống trên gân, gây nhiều trở ngại khi cử động.
Viêm gân có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị kịp thời bằng những biện pháp thích hợp, viêm gân sẽ làm tăng nguy cơ đứt gân – một tình trạng tổn thương gân nghiêm trọng, yêu cầu phải phẫu thuật mới có thể khôi phục. Hơn nữa, tình trạng viêm gân kéo dài sẽ biến chứng thành dạng mạn tính với sự phát triển bất thường của các mạch máu mới.
Và đương nhiên, gân bị tổn thương, trở nên yếu ớt sẽ cản trở và giảm chức năng vận động của cả hệ cơ xương khớp. Lúc này, những sinh hoạt hàng ngày và công việc của bạn sẽ bị gián đoạn, khiến cuộc sống rơi vào bế tắc.
Biện pháp điều trị bệnh
Những phương pháp điều trị bệnh được thực hiện với mục đích giảm đau và viêm. Phần lớn người bệnh đều có thể áp dụng những phương pháp điều trị như:
Nghỉ ngơi
Người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ để giúp giảm viêm, cải thiện những triệu chứng viêm ở gân hiệu quả. Bạn có thể cân nhắc băng hay nẹp tại vị trí bị ảnh hưởng nhằm hạn chế cử động.
Chườm chườm lạnh
Trong vòng 48 giờ sau khi bị thương, bạn có thể chườm đá để giảm viêm. Người bệnh thực hiện chườm đá khoảng 10 – 15 phút/lần, 2 lần/ngày sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh rất tốt. Lưu ý tránh chườm đá trực tiếp lên da để tránh gây bỏng lạnh. Bạn nên đặt đá trong chiếc khăn mỏng hay túi chườm trước khi đặt lên da.
Vật lý trị liệu
Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh các bệnh tập tăng cường sức mạnh cho gân. Mục đích của bài tập là hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Phương pháp chữa trị này được xem là an toàn và hiệu quả với tình trạng viêm gân mạn tính không đáp ứng những biện pháp điều trị khác.
Phẫu thuật
Khi vật lý trị liệu và những phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ canxi lắng đọng ở gân và sửa chữa gân, sau đó hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho người bệnh.

Cách phòng tránh viêm gân
- Hạn chế những hoạt động làm gân bị căng thẳng quá mức, đặc biệt là trong thời gian dài. Nếu cảm thấy đau khi tập, người bệnh cần dừng lại để nghỉ ngơi, tránh tập vì có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Kết hợp những bài tập tăng sự linh hoạt và khả năng chịu đựng của gân. Bạn có thể tập xen kẽ giữa những bài tập như đạp xe, chạy bộ hay bơi lội.
- Cần cải thiện kỹ thuật nhằm tránh kỹ thuật xấu ảnh hưởng tới gân. Bạn có thể trao đổi với huấn luyện viên trước khi bắt đầu tập.
- Luôn khởi động trước khi tập luyện để tăng phạm vi chuyển động của khớp, giảm nguy cơ chấn thương khi thực hiện những động tác lặp lại.
- Áp dụng tư thế đúng tại nơi làm việc như điều chỉnh màn hình máy tính, ghế, bàn phím phù hợp, tránh gây căng thẳng cho gân và khớp
- Luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức lực của bản thân.
- Khởi động trước khi tập thể dục, làm việc nặng bằng cách căng giãn cơ trong phạm vi tối đa của chuyển động khớp xương.
- Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường cơ bắp để tăng khả năng chịu đựng trọng tải.
Viêm gân là bệnh lý phổ biến, thường ảnh hưởng đến các khớp lớn, làm suy giảm tầm vận động của người bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ đối mặt với tình trạng rách gân, làm mất chức năng của khớp. Vì thế, khi có dấu hiệu gân bị viêm, bạn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Leave a reply