Viêm gân nhị đầu vai là tình trạng đau phía trước vai, đau tăng khi nâng một vật ra trước hoặc nâng lên quá đầu. Tình trạng này có thể thuyên giảm khi dùng thuốc và nghỉ ngơi đúng cách. Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, bạn cần phải tiến hành phẫu thuật.
Cấu tạo của cơ nhị đầu
Cơ nhị đầu cánh tay (cơ tay trước, con chuột – biceps) là một trong ba cơ ở khoang cánh tay trước, cùng với cơ cánh tay và cơ quạ – cánh tay. Cả hai đầu của cơ có nguyên ủy nằm trên xương vai, hòa vào nhau để tạo thành một bụng cơ duy nhất tận cùng ở cẳng tay. Cơ nhị đầu đi qua vai và khớp khuỷu, giúp vận động khuỷu tay: co cẳng tay và xoay trong cẳng tay.
Cơ nhị đầu cánh tay hoạt động dựa trên ba khớp. Chức năng quan trọng nhất là xoay ngoài cẳng tay và gập khuỷu tay. Bên cạnh đó, đầu dài cơ nhị đầu cánh tay ngăn cản xương cánh tay dịch chuyển lên trên. Gân nhị đầu đóng vai trò quan trọng giúp giữ vững khớp vai, ngăn cản sự trật lên trên của chỏm xương cánh tay.
Viêm gân nhị đầu vai là bệnh gì?
Viêm gân cơ nhị đầu là tình trạng viêm ở đầu dài của gân cơ nhị đầu và là nguyên nhân phổ biến gây đau vai.
Viêm gân nhị đầu vai có thể dẫn đến rách gân, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói đột ngột, có cảm giác bị “rách” phía trước vai khi vô tình nâng một vật nặng, vai có diễn tiến sưng đau và có thể bầm máu trong vài ngày, bắp tay có thể phồng lên do cơ đứt co lại phía trước cánh tay.
Viêm gân nhị đầu vai trái hay vai phải đều có khả năng xảy ra, tùy thuộc vào những yếu tố tác động làm tổn thương tại những vị trí này.
Sự khởi phát của viêm gân nhị đầu vai nói chung là cấp tính, xảy ra khi gặp các vi chấn thương hoặc sau trật khớp vai, chẳng hạn như cố gắng để khởi động một cái máy cắt cỏ, cố luyện tập giao bóng qua đầu trong môn quần vợt, hoặc thực hiện một cú phát bóng quá mạnh trong môn golf hay động tác tập tạ để cải thiên bắp tay trước…
Nguyên nhân gây viêm gân nhị đầu
Sự khởi phát của viêm gân nhị đầu vai nói chung là cấp tính, xảy ra khi gặp các vi chấn thương hoặc sau trật khớp vai, chẳng hạn như cố gắng để khởi động một cái máy cắt cỏ, cố luyện tập giao bóng qua đầu trong môn quần vợt, hoặc thực hiện một cú phát bóng quá mạnh trong môn golf hay động tác tập tạ để cải thiên bắp tay trước… Chấn thương có thể xảy ra ngay lập tức hoặc tăng dần do bị tác động lặp đi lặp lại.
Những triệu chứng của bệnh
- Triệu chứng viêm gân nhị đầu vai thường là đau liên tục, dữ dội, khu trú ở vùng phía trước vai bên trên rãnh nhị đầu, cảm giác mắc kẹt có thể đi kèm với cơn đau.
- Bệnh nhân có thể có rối loạn giấc ngủ.
- Bệnh nhân thường cố ép gân bị viêm bằng cách xoay xương cánh tay vào trong.
- Viêm bao hoạt dịch thường đi kèm với viêm gân nhị đầu.
- Bệnh nhân viêm gân nhị đầu vai thường cảm thấy giảm dần chức năng do sự giảm tầm vận động của vai, được biểu hiện qua sự khó khăn khi làm các động tác đơn giản hằng ngày như chải tóc, cài áo ngực, với tay qua đầu khó khăn.
- Khi không được sử dụng liên tục thì teo cơ và cứng khớp là biến chứng có thể xảy ra.
Chẩn đoán viêm gân nhị đầu vai
Để chẩn đoán viêm gân cơ nhị đầu, bác sĩ cần dựa vào thăm khám lâm sàng, đánh giá về biên độ vận động, sức cơ và các dấu hiệu bất thường ở vai.
Bên cạnh đó, người bệnh cần làm một số kỹ thuật xét nghiệm khác như:
- Chụp X-quang, mặc dù kết quả chẩn đoán hình ảnh này chỉ mô tả các vấn đề liên quan đến xương nhưng chụp X-quang cũng có ích trong việc quan sát được các vấn đề ở khớp vai của bạn.
- Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) và siêu âm đánh giá tình trạng các mô mềm, kể cả gân cơ nhị đầu chi tiết hơn X-quang.
Điều trị viêm gân nhị đầu vai
Hiện nay, có nhiều hướng điều trị viêm cơ nhị đầu, sau khi thăm khám, tùy theo tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp khác nhau:
Điều trị không phẫu thuật bao gồm
- Chườm lạnh khoảng 20 phút/lần, vài lần mỗi ngày để giảm sưng.
- Sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm.
- Nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động gây ra các cơn đau ở vai.
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nhằm kéo căng và tăng cường sức mạnh cho vai.
Riêng với trường hợp rách hoặc đứt cơ nhị đầu, chỉ định điều trị bao gồm nghỉ ngơi hoàn toàn và mang đai treo tay khoảng 1 tuần, sau đó tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật đặt ra khi điều trị bảo tồn thất bại, người bệnh còn đau vai, hạn chế vận động. Hoặc trong nhiều trường hợp viêm gân nặng đến muộn có thể đứt gân nhị đầu thì chỉ định phẫu thuật được đặt ra sớm hơn.
Các phương pháp phẫu thuật có thể phẫu thuật mở hoặc nội soi. Với sự phát triển của kỹ thuật nội soi thì các trường hợp viêm gân nhị đầu nặng hoàn toàn có thể can thiệp bằng phẫu thuật nội soi, trong nội soi có thể xử trí kèm theo các tổn thương phối hợp khác. Mổ mở được đặt ra khi gân nhị đầu bị đứt hoàn toàn, mổ mở để tạo hình điểm bám gân nhị đầu nhằm phục hồi 1 phần của động tác gấp khuỷu.
Vật lý trị liệu
Thực hiện vật lý trị liệu với bài tập kéo giãn cơ, bài tập tăng cường sức mạnh cho vai, giúp bệnh nhân khôi phục biên độ vận động, đồng thời giảm viêm cho cơ nhị đầu bị tổn thương.
Đa phần bệnh nhân đều tham khảo và áp dụng bài tập vật lý trị liệu tại nhà để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích bạn nên đi đến phòng khám chuyên khoa trị liệu uy tín để có bác sĩ kiểm tra, thiết kế bài tập phù hợp, cũng như theo dõi và đánh giá sát sao qua từng giai đoạn, từ đó giúp bệnh nhân đạt kết quả điều trị tốt nhất.
Phòng ngừa viêm gân cơ nhị đầu
Bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm triệu chứng viêm bắp tay trước, lưu ý mọi người cần vận động và tập luyện đúng cách, phòng chấn thương như:
- Giãn cơ và khởi động trước khi tập thể dục.
- Có những khoảng giải lao giữa giờ khi phải vận động liên tục.
- Thực hiện một số bài tập để tăng cường các cơ ở vai đặc biệt là gân cơ chóp quay.
- Duy trì biên độ vận động của vai, tránh những vận động quá sức đột ngột.
- Tránh dung nạp nicotine vào cơ thể mà điển hình là hút thuốc lá.
Viêm gân cơ nhị đầu dù không nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp, nguy cơ tàn phế. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.