Viêm họng do liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng cổ họng do vi khuẩn gây nên. Bệnh có thể khỏi trong vài ngày nếu chăm sóc y tế phù hợp, nghỉ ngơi nhiều và bổ sung nhiều dịch. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm.
Viêm họng do liên cầu là bệnh gì?
Viêm họng do liên cầu khuẩn (viêm họng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A) là tình trạng cổ họng đau rát do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Mặc dù viêm họng do liên cầu khuẩn chỉ chiếm một phần nhỏ trong các trường hợp viêm họng, nhưng các triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng cổ họng do virus. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Tất cả mọi người đều có thể mắc viêm họng liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, độ tuổi phổ biến nhất mắc bệnh viêm họng liên cầu ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm họng do liên cầu khuẩn là do nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Streptococcus pyogenes, còn được gọi là liên cầu nhóm A hoặc Streptococcus nhóm A. Đây là bệnh rất dễ lây truyền và chủ yếu lây lan dưới các hình thức sau:
- Đường hô hấp: Hít phải các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
- Ăn uống chung với người bệnh.
- Tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa hoặc những bề mặt khác có dính vi khuẩn gây bệnh, sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm:
- Độ tuổi: Tuổi từ 5 đến 15 tuổi.
- Thời gian vào cuối thu đến đầu xuân và ở nơi tụ tập đông người.
- Hệ thống miễn dịch kém.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm do viêm cầu khuẩn
Những dấu hiệu giúp nhận biết viêm họng liên cầu khuẩn bao gồm:
- Nổi hạch ở cổ khiến người bệnh đau họng đặc biệt là khi nuốt.
- Sốt cao liên tục trên 38 độ C.
- Viêm họng liên cầu gây đau đầu, dạ dày, đau nhức cơ hay co cứng cơ.
- Các nốt phát ban rải rác trên cơ thể.
- Nội soi họng thấy các mảng trắng và chấm đỏ trên vòm họng, amidan sưng đỏ.
- Hạch bạch huyết bị sưng gây đau nhức.
Viêm họng liên cầu khuẩn có nguy hiểm không?
Viêm họng do liên cầu khuẩn thường có triệu chứng nặng hơn so với các nguyên nhân khác. Nguy hiểm hơn, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng như:
- Nhiễm trùng ở amidan, ở tai, máu, da, xoang.
- Sốt thấp khớp có thể dẫn tới đau khớp và viêm, phát ban thậm chí làm tổn hại cho van tim.
- Strep nhiễm trùng có thể dẫn đến bệnh viêm nhiễm khác như: bệnh ban đỏ – một căn bệnh đặc trưng bởi phát ban, viêm thận.
Phương pháp điều trị bệnh
Với thể bệnh này, hầu hết người mắc bệnh đều được điều trị bằng thuốc. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị hữu hiệu sẽ được bác sĩ điều trị chỉ định phù hợp nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh. Thuốc kháng sinh sẽ nhanh chóng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, người bệnh nên thực hiện lối sống lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị thật hiệu quả và nhanh chóng:
- Chế độ ngủ, nghỉ ngơi khoa học, đủ tiêu chuẩn 6-8 tiếng/ngày để cơ thể có đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn.
- Giữ họng ẩm, không bị khô và ngăn ngừa mất nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hàng ngày.
- Ăn các thực phẩm mềm, dễ nuốt, ưu tiên các thực phẩm bổ dưỡng và nhẹ nhàng như cháo, súp, ngũ cốc, các loại sinh tố, nước ép rau củ quả. Đặc biệt các loại thực phẩm đều phải được chế biến kĩ, chín mềm và đảm bảo vệ sinh. Nên hạn chế các loại thực phẩm cay nóng, có tính axit cao như cam, chanh,… sẽ làm tổn thương cổ họng.
- Hàng ngày, nên vệ sinh cổ họng bằng nước muối ấm 2-3 lần/ngày.
- Với người lớn nên tránh xa các chất kích thích đặc biệt là thuốc lá có thể gây đau họng và gia tăng khả năng nhiễm trùng.
- Trong thời gian điều trị bệnh nên ở nhà, tránh tiếp xúc với nhiều người để hạn chế khả năng lây bệnh sang người khác ít nhất trong 2 ngày.

Biện pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh, hãy giúp trẻ thực hiện các biện pháp:
- Che miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.
- Không dùng chung đồ cá nhân: Không dùng chung ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống. Rửa bát bằng nước nóng, xà phòng hoặc máy rửa bát.
- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh viêm họng do liên cầu.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Viêm họng liên cầu ở trẻ có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh như đau họng, sốt, đau đầu, khó nuốt,… mọi người nên nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đồng thời, trong sinh hoạt hằng ngày, cần chú ý tới các biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan.