Viêm họng mạn tính thường kéo dài và có thể liên tục tái phát. Nếu không điều trị sớm, bệnh không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mà còn có nguy cơ dẫn tới những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
Viêm họng mạn tính là bệnh gì?
Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm ở họng có thời gian kéo dài trên một tuần. Bệnh viêm họng trở thành mạn tính là hậu quả của quá trình viêm họng cấp tính lặp lại nhiều lần hoặc không đáp ứng với các thuốc điều trị. Bệnh biểu hiện dưới 4 hình thức là sung huyết đơn thuần, xuất tiết, quá phát và teo.
Thể điển hình của viêm họng mạn tính là viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính. Ngoài ra, bệnh còn gây ra bởi một số nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn, nhiễm virus; khói bụi và các chất ô nhiễm không khí; viêm xoang mãn tính; trào ngược dạ dày – thực quản.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng mạn tính
- Virus: Theo điều tra y tế, 80% các ca họng bị tổn thương, viêm nhiễm là do virus. Những virus thường gây bệnh là: Cảm cúm, Adenovirus, Rhinovirus, sởi, ho gà…
- Vi khuẩn: Liên cầu, tụ cầu, phế cầu… đặc biệt là liên cầu tan huyết nhóm A. Liên cầu khuẩn gây viêm họng ở trẻ em chiếm 40% các ca bệnh.
- Bệnh khác: Một số bệnh lý như viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày, cảm lạnh, cảm cúm… cũng là tác nhân gây bệnh.
- Dị ứng: Các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú, hóa chất… có thể ảnh hưởng, kích thích và gây viêm đối với lớp niêm mạc họng .
- Khói bụi và chất kích thích: Khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc trong không khí xâm nhập vào họng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tích tụ và gây viêm.
- Không khí quá khô: Môi trường thiếu ẩm sẽ làm khô họng. Tình trạng khô họng kéo dài sẽ khiến họng bị ngứa, rát và tổn thương.
- Chấn thương ở họng do căng cơ họng quá nhiều có thể khiến dây thanh quản bị tổn thương. Do vậy những người phải nói nhiều, nói với âm lượng lớn dễ bị viêm họng hơn người bình thường.

Triệu chứng của bệnh viêm họng mãn tính
Để biết mình có mắc bệnh viêm họng kéo dài mãn tính hay không, chúng ta có thể kiểm chứng thông qua một số triệu chứng sau:
- Đau họng: Chắc chắn đây là triệu chứng điển hình nhất. Cụ thể, đau họng kéo dài, kèm theo cảm giác nóng rát, khô khan, ngứa, vướng ở họng. Triệu chứng này xuất hiện rõ nhất khi mới ngủ dậy, vào sáng sớm.
- Quá trình nhai, nuốt gặp khó khăn, khi nuốt có cảm giác đau nhức.
- Ho hoặc ho có đờm kéo dài.
- Khàn giọng.
- Xuất hiện một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau đầu, sốt thường nghèo nàn, không rõ rệt.
- Với những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì có cảm giác đau rát tại vùng sau xương ức.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm họng mạn tính
Các biến chứng của viêm họng mạn tính (chủ yếu là viêm họng do vi khuẩn) có thể là:
- Viêm tai giữa.
- Viêm nắp thanh quản.
- Viêm xương chũm.
- Viêm phổi.
Cách chữa viêm họng tại nhà bằng mẹo dân gian
Những mẹo dân gian thường sử dụng các dược liệu hoặc nguyên liệu tự nhiên dễ kiếm. Bệnh nhân có thể áp dụng những mẹo dân gian đơn giản để trị viêm họng ngay tại nhà như sau:
- Chữa đau họng bằng mật ong: Mật ong có tính kháng viêm, kháng khuẩn tốt. Đồng thời nguyên liệu này giúp làm dịu họng nhanh chóng. Người bệnh có thể dùng mật ong nguyên chất pha với nước ấm uống vào mỗi sáng hoặc ngậm mật ong chanh đào để trị viêm đau họng.
- Chữa viêm họng bằng tỏi: Dùng tép tỏi đã bóc sạch vỏ đập dập rồi hấp cách thủy cùng với mật ong khoảng 20 phút. Ăn cả nước và cái mỗi ngày 3 lần trước khi dùng bữa 15 phút giúp chữa viêm hiệu quả.
- Chữa viêm họng bằng lá tía tô: Lá này thường được sử dụng để nấu cháo hoặc hấp cách thủy cùng hoa đu đủ đực, hoa khế và đường phèn.

Phòng ngừa bệnh viêm họng mãn tính
Để phòng ngừa bệnh viêm họng dai dẳng, mãn tính, cũng như ngăn ngừa sự diễn tiến của bệnh, chúng ta hãy tham khảo một số biện pháp sau:
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh: Ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau củ và trái cây để bổ sung khoáng chất và các loại vitamin, giúp tăng sức đề kháng chống lại vi khuẩn và virus gây bệnh.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo không gian sống trong lành.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, cũng như tránh xa những nơi có khói thuốc lá.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, thường xuyên súc họng với nước muối giúp làm sạch họng, ngăn chặn sự tập trung cư ngụ của vi khuẩn.
- Điều trị dứt điểm các bệnh tai mũi họng như viêm mũi xoang, viêm amidan… và bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (nếu có).
- Hạn chế qua lại các nơi bị ô nhiễm hoặc đeo khẩu trang mỗi khi phải ra khỏi nhà.
- Giữ vệ sinh mũi bằng cách hút dịch mũi, không để dịch mũi có cơ hội chảy xuống họng, gây kích ứng niêm mạc họng.
- Luôn luôn rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau khi ho, hắt hơi, đi vệ sinh… và hạn chế đưa tay lên vùng mũi, miệng.
Viêm họng mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm cản trở các hoạt động sinh hoạt thường ngày và cũng rất khó điều trị. Bạn nên sớm đến bác sĩ để được chẩn đoán ngay khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng họng. Ngoài ra, hãy chú ý đến những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày để chủ động phòng tránh viêm họng mãn tính từ sớm.