Viêm họng xung huyết là tên gọi khác của viêm họng cấp, đây là một bệnh rất thường gặp, xuất hiện nhiều vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Điều trị viêm họng xung huyết nếu không kịp thời và triệt để sẽ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người.
Viêm họng xung huyết là bệnh gì?
Viêm họng xung huyết là tên gọi khác của bệnhviêm họng cấp, xảy ra khi niêm mạc họng bị virus hoặc vi khuẩn tấn công gây xung huyết, sưng tấy, đau rát, phù nề. Đây là một bệnh rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ người lớn đến trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi, Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc xuất hiện đồng thời với viêm mũi xoang, viêm VA, viêm mũi, viêm amidan,…
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng xung huyết
- Các virus gây bệnh thường gặp: Adenovirus, Virus cúm, RSV – virus hợp bào hô hấp, Virus para- influenzae, Virus Coxsackie,…
- Các vi khuẩn ít gặp hơn: Liên cầu bêta tan huyết nhóm A, B, C, G; phế cầu, Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, các vi khuẩn kị khí…
Ngoài nguyên nhân nhiễm khuẩn, một số yếu tố dưới đây thúc đẩy làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng xung huyết:
- Thời tiết thay đổi thất thường.
- Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản có nguy cơ mắc viêm họng xung huyết cao hơn.
- Suy giảm đề kháng kém.
- Môi trường ô nhiễm dễ gây tổn thương đường hô hấp.
- Một số công việc sử dụng giọng nói với cường độ cao như ca sĩ, người dẫn chương trình, giáo viên… có nguy cơ bị tổn thương niêm mạc họng rất cao.
- Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, áp lực, stress, thức khuya khiến cơ thể suy nhược.
- Thường xuyên hút thuốc lá, ăn đồ cay nóng, uống nước lạnh… có thể làm tổn thương niêm mạc họng.

Dấu hiệu viêm họng xung huyết
Viêm họng xung huyết do nguyên nhân từ virus thông thường sẽ tự khỏi sau 3 – 5 ngày đồng thời giảm dần các triệu chứng. Nếu bệnh do nguyên nhân từ vi khuẩn, các dấu hiệu sẽ kéo dài ngày hơn.
Dưới đây là các dấu hiệu chung của viêm họng xung huyết dù xuất phát từ nguyên nhân virus hay vi khuẩn:
- Cảm giác khó chịu, ngứa vướng, nóng rát ở cổ họng.
- Niêm mạc họng tấy đỏ, phù nề.
- Sốt cao trên 39 độ C.
- Nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi.
- Khi nuốt chất lỏng hoặc chất rắn sẽ thấy đau họng, cảm giác đau nhói lên tai khi nuốt, ho, nói.
- Người bệnh ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm.
- Ngạt mũi, khó thở, có thể kèm theo chảy máu mũi.
- Bác sĩ khi khám sẽ thấy toàn bộ niêm mạc họng đỏ, xuất tiết, tổ chức bạch huyết ở thành sau họng đỏ mọng, mao mạch nổi rõ, hạch góc hàm sưng nhẹ, hơi đau.
Các biến chứng nguy hiểm của viêm họng xung huyết
Viêm nhiễm, áp xe các khu vực lân cận là biến chứng thường gặp nhất của viêm họng xung huyết. Ngoài ra, bệnh còn có nguy cơ gây ra các biến chứng xa ở các bộ phận như tim, thận… Trường hợp nghiêm trọng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Biến chứng tại chỗ: Viêm sưng, áp xe khu vực thành sau họng và các khoang bên họng; Biến chứng viêm tấy hoại tử vùng cổ rất hiếm gặp nhưng có khả năng gây nguy cơ tử vong cao.
- Biến chứng ở các cơ quan lân cận: Viêm mũi xoang cấp, viêm thanh quản, khí quản, phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi…
- Biến chứng xa: Viêm họng xung huyết do liên cầu tan huyết có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng tim, viêm cầu thận cấp, thấp khớp…
Điều trị bệnh
Điều trị bằng thuốc
Người bệnh dùng các loại thuốc như thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm, thuốc kháng sinh… nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm họng xung huyết. Bác sĩ khuyến cáo, việc dùng thuốc kháng sinh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần phải uống đủ liều được chỉ định kể cả khi các triệu chứng đã hoàn toàn biến mất. Bởi vì việc dùng thuốc kháng sinh không đủ liều sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị về sau.
Các loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm họng xung huyết bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Thường dùng nhóm beta lactam gồm Penicillin V, Penicillin G, Cephalosporin thế hệ 1 (như Cefalexin, Cefadroxil,…) hoặc Penicillin A (Amoxicillin). Nếu bị dị ứng với nhóm này, người bệnh có thể chuyển qua nhóm Macrolid. Nhóm này gồm các thuốc Erythromycin, Azithromycin, Clarithromycin…
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol, Aspirin, Ibuprofen…
- Thuốc chống viêm: Methylprednisolone, Prednisolon, Alpha Chymotrypsin…
Chữa tại bệnh nhà
Dân gian luôn đánh giá cao hiệu quả của việc điều trị bệnh viêm họng tại nhà bởi những nguyên liệu từ thảo dược. Nhưng bạn cần lưu ý rằng phương pháp này chỉ thực sự phù hợp cho những trường hợp bệnh nhẹ. Bạn có thể áp dụng phương pháp chữa tại nhà từ các nguyên liệu như:
- Ngải cứu: Đây là thực vật có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm được dùng nhiều trong nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bạn dùng lá ngải cứu non, rửa sạch và nhai từ 2-3 lần mỗi ngày.
- Diếp cá: Là thảo dược có tính hàn không độc, thanh nhiệt, hóa đàm, tiêu thũng phù hợp điều trị sưng viêm, ho khan, có đờm. Dùng nắm rau diếp cá rửa sạch, xay nhuyễn và lấy phần nước cốt pha với nước ấm. Sử dụng 2 lần mỗi ngày.
- Mật ong: Có thành phần kháng vi khuẩn, virus, giảm tắc nghẽn hô hấp, long đờm. Bạn chỉ cần hòa mật ong cùng với nước ấm để uống hàng ngày để thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sát khuẩn, giảm ho bằng cách ngậm kẹo tinh dầu bạc hà, dùng nước muối sinh lý…

Phòng ngừa viêm họng xung huyết
Để hạn chế nguy cơ mắc phải chứng bệnh khó chịu này, bác sĩ đã gợi ý một số phương pháp phòng tránh đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất cao, cụ thể:
- Giữ ấm cơ thể, họng, tai, mũi khi thời tiết giao mùa bằng cách quàng khăn, mặc ấm, đeo khẩu trang, ăn uống đồ nóng/ấm.
- Hạn chế ăn uống đồ lạnh, uống nước đá để giảm kích thích niêm mạc họng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, đồng thời nên thực hiện súc miệng bằng nước muối sinh lý.
- Phòng ngừa cảm cúm khi thời tiết giao mùa bằng nhiều biện pháp khác nhau.
- Không nên dùng rượu, bia, thuốc lá và có các biện pháp bảo vệ mình nếu như làm việc hoặc sống trong môi trường khói bụi, độc hại.
- Xây dựng cho mình một chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng, nên uống đủ nước và ưu tiên các thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin để tăng đề kháng.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm cay, nóng, đồ uống có ga,…
- Có chế độ học tập, nghỉ ngơi phù hợp, tránh căng thẳng quá mức và đồng thời thường xuyên rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe.
Viêm họng xung huyết không phải là bệnh quá nghiêm trọng. Nên đến cơ sở y tế nếu cơn đau họng của bạn kéo dài hơn một vài ngày. Để bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra và có phương pháp điều trị thích hợp. Điều trị sớm có thể nâng cao hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng tốt cùng với luyện tập thể lực thường xuyên để tăng sức đề kháng của cơ thể, đẩy lùi các tác nhân gây bệnh.