Kết mạc là một màng mỏng bao phủ tròng trắng và là đệm lót mặt trong mi mắt. Dị ứng là căn bệnh xuất hiện khi hệ miễn dịch đáp ứng quá mức và sản sinh ra kháng thể trước sự xâm nhập của tác nhân lạ. Viêm kết mạc dị ứng là căn bệnh phổ biến của kết mạc và có thể điều trị dễ dàng.
Viêm kết mạc dị ứng là gì?
Khi mắt bạn tiếp xúc với các chất như phấn hoa, bào tử nấm mốc… các mạch máu ở kết mạc có thể sưng lên làm cho mắt bị đỏ, ngứa và chảy nước mắt.
Kết mạc là một lớp màng mỏng, phủ trên bề mặt tròng trắng (củng mạc) và lót mặt trong của mi mắt. Viêm kết mạc dị ứng là một tình trạng bệnh khá phổ biến của kết mạc, gồm những phản ứng viêm khi mắt tiếp xúc với các dị nguyên khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tăng phản ứng, giải phóng các chất gây ngứa, giãn mạch….
Các hình thái của bệnh viêm kết mạc dị ứng
Các hình thái lâm sàng của viêm kết mạc dị ứng bao gồm: viêm kết mạc theo mùa, viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc cơ địa, viêm kết mạc có nhú khổng lồ:
- Thể viêm kết mạc theo mùa hay gặp nhất và có xu hướng tiến triển thành viêm kết mạc quanh năm, mạn tính.
- Viêm kết mạc mùa xuân dai dẳng và khó điều trị nhất.
- Viêm kết mạc cơ địa đi kèm với viêm da cơ địa.
- Viêm có nhú khổng lồ lại xảy ra ở những người mang kính tiếp xúc.
Nguyên nhân gây ra bệnh
Tác nhân gây nên căn bệnh này cũng tương tự như các bệnh dị ứng thường gặp khác, cụ thể là:
- Bụi bẩn, lông động vật, vi khuẩn,… có trong không khí là tác nhân thường gặp gây nên viêm kết mạc dị ứng. Dễ dàng nhận biết được tình trạng này nhất là sau khi dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc thú cưng,…
- Phấn hoa và các bào tử nấm mốc xuất hiện dày đặc vào một số mùa trong năm gây ra tình trạng dị ứng.
- Sử dụng thuốc có thành phần dị ứng với cơ thể.
Có một số trường hợp bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên sẽ xảy ra phản ứng viêm cấp tính với biểu hiện sưng và đỏ mắt diễn ra trong vài giờ thì khỏi. Song song đó, bệnh nhân bị Viêm kết mạc mắt theo mùa hay quanh năm sẽ nặng hơn và xuất hiện cả viêm mũi dị ứng.

Triệu chứng viêm kết mạc dị ứng
Triệu chứng điển hình bao gồm:
- Chảy nước mắt.
- Ngứa mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Đỏ.
- Cảm giác rát.
- Sưng mí mắt.
Những triệu chứng này có thể xảy ra một mình hoặc cùng với các triệu chứng viêm mũi dị ứng và thường xuất hiện một thời gian ngắn sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Các triệu chứng do dị ứng theo mùa có xu hướng xấu hơn nếu do dị ứng với các chất gây dị ứng trong nhà như mạt bụi hoặc lông vật nuôi.
Biến chứng của bệnh
Bệnh viêm kết mạc dị ứng vốn không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe nhưng nếu không phát hiện và điều trị đúng chỉ định thì có thể gây nên những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như loét giác mạc và giảm thị lực.
Loét giác mạc
Việc điều trị muộn hoặc không hiệu quả có thể khiến bệnh nhân bị loét giác mạc. Bệnh nhân sẽ xuất hiện mi đỏ cộm mắt, sưng tấy, đau mắt, chảy nước mắt và dịch mủ, mắt bị cộm khiến họ khó mở mắt. Loét giác mạc sẽ khiến bệnh nhân nhanh chóng bị suy giảm thị lực và một số trường hợp chỉ có thể cảm nhận được ánh sáng.
Giảm thị lực
Một khi nhiễm trùng lan rộng sẽ khiến bệnh nhân đau rát Mắt, mắt mờ hay khô mắt, thị lực kém và việc quan sát trở nên rất khó khăn. Thế nhưng khi bệnh viêm kết mạc dị ứng được điều trị khỏi thì tình trạng thị lực kém cũng sẽ biến mất.
Chuẩn đoán viêm kết mạc dị ứng
Khi bạn đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành khám mắt và hỏi về tiền sử dị ứng của bạn. Lòng trắng của mắt bị đỏ và xuất hiện những nốt sưng nhỏ bên trong mí mắt là các dấu hiệu rất dễ nhận biết của chứng bệnh này. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một trong các xét nghiệm sau:
Để làm rõ tình trạng bệnh, bác sĩ thường chỉ định làm một số xét nghiệm quan trọng:
- Kiểm tra da: Xác định da bị phản ứng với dị nguyên nào. Điều này giúp bác sĩ đánh giá được mức độ phản ứng của cơ thể với yếu tố dị nguyên, bao gồm đỏ, sưng.
- Làm xét nghiệm máu: Xét nghiệm các chỉ số máu giúp bác sĩ xác định được cơ thể người bệnh có đang sản xuất protein hoặc kháng thể tự nhiên để tự bảo vệ chống lại các tác nhân dị nguyên như bụi, phấn hoa, nấm mốc hay không.
- Tiến hành xét nghiệm mô kết mạc: Bác sĩ sẽ thực hiện cạo mô kết mạc để kiểm tra các tế bào bạch cầu kích hoạt khi bị dị ứng có tên là tế bào bạch cầu ái toan.
Điều trị viêm kết mạc do dị ứng
Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như loét giác mạc và suy giảm thị lực. Hiện nay, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp điều trị hiệu quả như:
Tự chăm sóc tại nhà
Các biện pháp chủ yếu tập trung vào phòng ngừa và giảm thiểu biến chứng của bệnh. Tuyệt đối tránh xa các yếu tố dị nguyên làm mắt bị dị ứng, bằng cách:
- Vệ sinh nhà cửa hàng ngày đảm bảo không gian sống sạch sẽ, thoáng đãng, không có bụi bẩn, lông chó mèo.
- Hạn chế ra đường khi ô nhiễm môi trường tăng cao, tránh đến các nơi có phấn hoa.
- Sử dụng máy lọc không khí cho gia đình giảm thiểu ô nhiễm.
- Hạn chế tiếp xúc các hóa chất như keo xịt, thuốc tẩy, nước hoa,…
- Người bệnh cần hạn chế dụi tay lên mắt, chịu khó đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường.
- Trường hợp mắt bị sưng, ngứa và viêm do dị ứng, có thể chườm nóng hoặc lạnh.
Sử dụng thuốc
Nếu việc áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà không mang lại kết quả khả quan hay triệu chứng viêm kết mạc dị ứng của bạn có xu hướng trầm trọng hơn, hãy đi khám. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một trong số các loại thuốc sau:
- Nhỏ thuốc kháng histamine hay thuốc chống viêm
- Thuốc nhỏ mắt có tác dụng thu nhỏ các mạch máu bị tắc nghẽn
- Thuốc nhỏ mắt kháng viêm steroid
- Thuốc kháng sinh chống bội nhiễm
Lưu ý là những loại thuốc này hiệu quả nhất khi bạn sử dụng trước khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Phòng ngừa viêm kết mạc dị ứng
Áp dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh, bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như không khí ô nhiễm, phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi, nấm mốc…
- Đeo khẩu trang, kính khi đi ngoài trời, nhất là vào thời tiết hanh khô và nhiều gió.
- Không dụi tay vào mắt.
- Vệ sinh thường xuyên và sử dụng vật dụng vệ sinh cá nhân riêng.
- Khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói và hóa chất cần mang mắt kính bảo vệ mắt.
- Dùng nước muối nhỏ mắt sau khi tiếp xúc với khói bụi để rửa sạch chất gây dị ứng.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C và E trong các bữa ăn hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và mắt.
Viêm kết mạc dị ứng không phải là căn bệnh nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên nếu để bệnh kéo dài, virus và vi khuẩn có thể xâm nhập và gây ra tình trạng bội nhiễm rất nguy hiểm cho mắt. Viêm kết mạc dị ứng nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau vài ngày. Bên cạnh đó, hãy rèn luyện cho mình những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt.