Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là do ảnh hưởng của nội tiết tố, không cần điều trị. Tuy nhiên khi có tình trạng viêm nhiễm xảy ra có thể gây nên những triệu chứng khó chịu và tác động không tốt cho mẹ và thai nếu không được quan tâm và điều trị thích hợp.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là gì?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là tình trạng các tế bào tuyến trong cổ tử cung phát triển lấn ra bên ngoài, vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung. Vì vậy thai phụ thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, khí hư có mùi khó chịu, ngứa…dễ dẫn đến viêm nhiễm.
Ngoài ra, bệnh thường gặp ở phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở hoặc sử dụng thuốc uống ngừa thai kéo dài. Tuy nhiên, một vài trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung là bẩm sinh. Khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu kém, cộng với sự thay đổi lớn về nội tiết tố khiến mẹ bầu có lộ tuyến cổ tử cung và dễ bị viêm bội nhiễm hơn.
Mẹ bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung do đâu?
Viêm lộ tuyến khi mang bầu có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân. Việc trang bị đầy đủ kiến thức về những yếu tố có khả năng gây bệnh cao sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa và điều trị hiệu quả:
- Thói quen quan hệ tình dục không an toàn trước và trong thời gian mang bầu.
- Vệ sinh vùng kín chưa đúng cách hoặc lựa chọn sai các sản phẩm làm sạch.
- Phụ nữ khi mang thai thường tiết ra nhiều dịch âm đạo hơn, môi trường bên trong “cô bé” có độ ẩm ướt cao làm gia tăng nguy cơ bị các vi khuẩn tấn công.
- Phụ nữ không chăm sóc phần phụ tốt sau khi phá thai hoặc từng có tiền sử sinh non.
- Do ảnh hưởng của viêm nhiễm vùng kín, phụ khoa trước khi mang thai.
- Mặc đồ lót quá bó sát hoặc không thay đổi sau 6 tháng một lần.
Cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung cho bà bầu
Thông thường phác đồ điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung là điều trị viêm nhiễm bằng thuốc, sau đó cân nhắc áp dụng đốt điện hoặc áp lạnh để diệt lộ tuyến nếu thật sự cần thiết (những trường hợp viêm lộ tuyến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống như họ phải mang băng vệ sinh hàng ngày vì tiết dịch).
Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang mang thai, những phương pháp như đốt điện hoặc áp lạnh này không được khuyến khích vì nó không phù hợp cho phụ nữ mang thai.
Do đó, đối với sản phụ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống và/hoặc đặt thuốc âm đạo nhằm cải thiện tình trạng viêm nhiễm. Khi được chẩn đoán bệnh, mẹ bầu cần tuân thủ chặt chẽ tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Ghi nhớ lịch thăm khám định kỳ để được theo dõi chặt chẽ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Để góp phần điều trị hiệu quả, mẹ bầu cần lưu ý:
- Có chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đủ giấc.
- Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, stress ảnh hưởng đến thai nhi.
- Lựa chọn sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ. Không thụt rửa âm đạo.
- Quan hệ tình dục an toàn.
Tốt nhất, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp và cách sử dụng đúng cách.
Dự phòng viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai
- Đảm bảo vấn đề vệ sinh trước, trong và cả sau thai kỳ.
- Lựa chọn sản phẩm vệ sinh vùng kín phù hợp để không làm mất cân bằng độ ẩm cũng như pH âm đạo.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Nếu bị mắc các bệnh lý về phụ khoa thì cần điều trị triệt để trước khi mang thai.
- Đi khám thai định kỳ thường xuyên để có thể phát hiện sớm những bất thường của vùng kín. Khi đã thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay, không tự ý dùng thuốc vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai không phải là một bệnh lý ác tính, nhưng nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, những người mẹ bị viêm trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây lây nhiễm trực tiếp cho trẻ trong quá trình chuyển dạ đẻ thường, dẫn tới việc trẻ sinh ra bị nhiễm các bệnh ở vùng mắt, đường hô hấp hay các nhiễm khuẩn về da khác…
Leave a reply