Viêm màng não ở trẻ em là một căn bệnh nguy hiểm, khiến trẻ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh và não bộ, thậm chí tử vong.
Viêm màng não ở trẻ em là bệnh gì?
Màng não có cấu tạo gồm 3 lớp: màng cứng, màng nhện và màng mềm với chức năng bảo vệ hệ thần kinh trung ương. Viêm màng não là tình trạng sưng, viêm màng não, màng bao phủ não và tủy sống khi tác nhân gây bệnh tấn công vào lớp màng não.
Viêm màng não có thể xảy ra ở có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em bởi nhiều nguyên nhân khác nhau gồm: Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm và một số bệnh lý không nhiễm trùng.
Ngoài cách phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh, viêm màng não ở trẻ em có thể được phân loại theo mức độ nghiêm trọng của bệnh gồm cấp tính, mãn tính, bán cấp và tái diễn.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm màng não ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên tác nhân phổ biến nhất gây viêm màng não là virus, vi khuẩn, nấm và vi trùng,… Cụ thể:
Do vi khuẩn
Viêm màng não ở trẻ em do vi khuẩn thường xảy ra khi trẻ đang mắc một số bệnh lý nhiễm trùng khác như nhiễm trùng tai, xoang, gặp các chấn thương gây vỡ xương sọ hay xuất hiện biến chứng sau khi thực hiện các phẫu thuật liên quan đến não bộ.
Do virus
Hầu hết các trường hợp viêm màng não do virus gây ra thường không nghiêm trọng như viêm màng não do vi khuẩn. Một số chủng virus gây bệnh thường gặp như enterovirus (đây là virus đường ruột, lây lan qua đường phân, miệng), virus cúm, quai bị, virus herpes HIV,…
Mặc dù được đánh giá là ít nguy hiểm hơn bệnh do vi khuẩn, tuy nhiên, khi trẻ bị viêm màng não do virus, mẹ vẫn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị sớm, đặc biệt nếu trẻ còn trong giai đoạn sơ sinh hoặc có hệ miễn dịch yếu.
Nấm
Nấm là một tác nhân gây viêm màng não mạn tính với các triệu chứng tương tự viêm màng não cấp nhưng kéo dài hơn và không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Cryptococcus là loại nấm thường gặp nhất, xuất hiện chủ yếu ở những người có hệ miễn dịch suy giảm, bị HIV/AIDS.
Do các nguyên nhân khác
Bên cạnh các tác nhân gây bệnh kể trên, trẻ bị viêm màng não có thể được gây ra bởi ký sinh trùng, hay do các phản ứng hóa học, dị ứng thuốc và các bệnh lý khác như u hạt, ung thư,…
Các yếu tố thuận lợi của viêm màng não ở trẻ em
- Tuổi: < 3 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh.
- Trẻ nam gặp nhiều hơn nữ.
- Tổn thương miễn dịch: Đẻ non, suy giảm miễn dịch, cắt lách, suy dinh dưỡng…
- Nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính, nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng…
- Dị tật, chấn thương màng não: Thoát vị màng não tủy, dẫn lưu não thất, chấn thương sọ não, thủ thuật chọc dò tủy sống.
- Môi trường sống đông đúc, vệ sinh kém.

Dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ em
Các dấu hiệu cảnh báo viêm màng não trẻ em mà cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ như:
- Co giật: Toàn thân hoặc có thể ở tay, chân, mắt, miệng. Một số trường hợp trẻ có thể bị co giật đơn thuần do sốt cao, nhưng cũng có thể do rối loạn điện giải. Tuy nhiên trường hợp nào cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
- Rối loạn ý thức: Ban đầu trẻ sẽ dễ bị kích động, sau đó trẻ có thể rơi vào tình trạng lờ đờ, ngủ li bì, hôn mê.
- Trẻ có biểu hiện đau đầu, nôn, liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở tay, chân, hoặc nửa người.
Trẻ bị viêm màng não có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm
Viêm màng não là một bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ xuất hiện biến chứng cao. Mức độ tổn thương đến hệ thần kinh và não bộ và các cơ quan khác phụ thuộc vào thời điểm phát hiện và điều trị tích cực cho trẻ. Các biến chứng trẻ có thể phải đối mặt khi bị viêm màng não gồm:
- Mất thính giác – điếc.
- Suy giảm trí nhớ.
- Khả năng tư duy kém, trí tuệ chậm phát triển.
- Tổn thương não vĩnh viễn.
- Suy thận.
- Sốc.
- Động kinh.
- Gặp khó khăn khi di chuyển.
- Tử vong…
Chẩn đoán viêm màng não ở trẻ em
Sau khi khám lâm sàng hướng tới viêm màng não, các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cho trẻ để chẩn đoán như:
- Chọc dịch não tủy: Lấy dịch não tủy xét nghiệm nhằm xác định tình trạng viêm, tác nhân gây bệnh và sự nhạy cảm của vi khuẩn với các kháng sinh. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh.
- Xét nghiệm máu: Nhằm đánh giá mức độ nhiễm trùng. Cấy máu khi nghi nhiễm khuẩn huyết.
- Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não: Được chỉ định trong những trường hợp cần chẩn đoán phân biệt với những nguyên nhân khác hoặc nghi ngờ có biến chứng.
- Siêu âm xuyên thóp: Được thực hiện ở trẻ còn thóp để loại trừ tác nhân khác (xuất huyết não màng não, u não…) và theo dõi biến chứng của bệnh viêm màng não.
Điều trị bệnh viêm màng não ở trẻ em
Việc điều trị viêm màng não ở trẻ em sẽ được dựa trên các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ:
- Viêm màng não do vi khuẩn: Trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn gây ra cần được điều trị với thuốc sáng sinh dùng qua đường tĩnh mạch kịp thời để kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ bệnh chuyển biến thành các biến chứng nguy hiểm (phù não, động kinh,…). Thời gian đầu, khi chưa xác định được chủng vi khuẩn, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc kháng sinh phổ rộng và sau đó, điều chỉnh lại đúng loại thuốc kháng sinh theo loại vi khuẩn gây bệnh.
- Viêm màng não do nấm hoặc các nguyên nhân khác: Trong khoảng thời gian đầu khi bệnh chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể điều trị cho trẻ bằng cả thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus.
- Viêm màng não do nấm: Bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp loại thuốc này với thuốc kháng sinh để ngăn ngừa, điều trị lao màng não. Các loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó, bác sĩ chỉ kê thuốc khi đã xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.
- Viêm màng não do các nguyên nhân khác: Đối với các trường hợp này, trẻ thường sẽ tự khỏi mà không cần hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, để bệnh nhanh khỏi, bác sĩ có thể cho trẻ một số loại thuốc có chứa corticosteroid. Nếu bệnh gây ra do các bệnh lý khác, việc điều trị viêm màng não sẽ hướng đến điều trị các bệnh lý này.

Cách phòng bệnh viêm màng não ở trẻ em
Để phòng ngừa bệnh viêm màng não cho trẻ, bố mẹ và người chăm sóc trẻ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Dùng giấy che miệng cho trẻ khi ho, hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác.
- Rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, với xà phòng khử khuẩn.
- Cho trẻ nghỉ ngơi đủ giấc.
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên.
- Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
- Rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng đủ chất, đảm bảo vệ sinh.
- Đối với thai phụ, tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chưa qua tiệt trùng.
- Tiêm vacxin cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
Viêm màng não ở trẻ em là một bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn chặn sự xuất hiện các biến chứng. Do đó, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần chủ động phòng ngừa bệnh và cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị ngay trẻ có biểu hiện mắc bệnh.