Viêm màng ối là tình trạng nhiễm vi khuẩn, gây ra viêm màng đệm và màng ối bao quanh thai nhi. Bệnh thường xảy ra khi mẹ mang thai vào những tháng cuối hoặc chuyển dạ và dẫn đến nhiễm trùng nặng ở người mẹ và em bé.
Viêm màng ối là gì?
Viêm màng ối là tình trạng nhiễm vi khuẩn trước hoặc trong quá trình sinh. Tình trạng này xảy ra ở màng ngoài và màng ối xung quanh thai nhi.
Viêm màng ối có thể dẫn đến sinh non hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng ở mẹ và bé.
Nguyên nhân gây viêm màng ối
Nguyên nhân viêm màng ối thường do vi khuẩn từ dưới âm đạo xâm nhập hệ thống phòng vệ bình thường của tử cung, các vi khuẩn thường gặp là liên cầu nhóm B và E.coli.
Bên cạnh đó, viêm màng ối còn có thể do nhiễm trùng qua đường máu và thường do vi khuẩn Listeria monocytogenes.
Chuyển dạ kéo dài sau khi màng ối vỡ làm tăng tỉ lệ sản phụ bị viêm màng ối, tuy nhiên nguy cơ phổ biến nhất vẫn là do sinh non.
Những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:
- Mang thai sớm (phụ nữ dưới 21 tuổi).
- Tình trạng kinh tế không ổn định.
- Mang thai lần đầu.
- Thời gian chuyển dạ và sinh lâu.
- Màng thai bị rách trong một thời gian dài.
- Sinh non.
- Làm nhiều kiểm tra âm đạo trong quá trình chuyển dạ (chỉ là một yếu tố nguy cơ cho phụ nữ bị rách màng thai).
- Bị nhiễm trùng đường sinh dục dưới (âm đạo, âm hộ…).
- Có làm theo dõi tim thai bằng băng ghi điện tử.
- Sử dụng đồ uống có cồn hoặc thuốc lá.

Dấu hiệu nhận biết viêm màng ối
Đa số các trường hợp viêm màng ối trong thai kỳ không có biểu hiện triệu chứng. Một số trường hợp có các dấu hiệu rỉ ối non hoặc có dấu hiệu của viêm màng ối xuất hiện trong chuyển dạ như:
- Mẹ sốt cao trên 38°C, đổ mồ hôi hoặc lạnh, mạch nhanh (> 100l/p).
- Tim thai nhanh (nhịp cơ bản > 160l/p).
- Tử cung mềm đau.
- Rỉ ối, vỡ ối.
- Nước ối có mùi bất thường.
- Xét nghiệm máu có số lượng bạch cầu tăng từ 15000 – 18000.
- Siêu âm: Có thể phát hiện lượng nước ối ít (sau vỡ ối, rỉ ối, có hồi âm).
Biến chứng viêm màng ối
Viêm màng ối chỉ xảy ra trong khoảng 1- 2% số trường hợp mang thai nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và thai nhi:
- Thai lưu, sẩy thai: Những trường hợp viêm màng ối trong giai đoạn sớm của thai kỳ không được phát hiện và điều trị sẽ đến thai lưu sớm, sẩy thai sớm.
- Sinh non: Những trường hợp thai kỳ chưa đủ tháng, nhiễm trùng màng ối có rỉ ối non, ối vỡ non dẫn đến em bé phải chào đời sớm và có những biến chứng của trẻ sơ sinh non tháng khi hệ hô hấp, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa… chưa phát triển hoàn chỉnh nên trẻ sẽ khó thích nghi với môi trường bên ngoài.
- Nhiễm trùng sơ sinh: Những trường hợp có viêm màng ối khi thai đủ tháng, em bé chào đời sẽ đối diện với nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh, đặc biệt là nhiễm trùng với Streptococcus nhóm B sẽ có những biến chứng rất nặng đến trẻ sơ sinh (loại vi khuẩn này có thể kiểm tra xác định trước khi sinh và điều trị khi có chuyển dạ).
- Nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng máu cho mẹ: Nếu viêm màng ối không được điều trị kịp thời thì vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu hơn gây viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng cơ tử cung, thậm chí nhiễm trùng máu gây hậu quả nghiêm trọng cho mẹ, đôi khi phải cắt tử cung để điều trị.
Điều trị viêm màng ối
Điều trị viêm màng ối cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị sau:
- Khám chuyên khoa sớm ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ để được điều trị kịp thời.
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ để cải thiện tình trạng viêm nhiễm như đặt thuốc, dùng dung dịch vệ sinh, tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc bỏ thuốc.
- Một số trường hợp nặng và khẩn cấp bác sĩ có thể cho mẹ chấm dứt thai kì ngay lập tức để bảo đảm tính mạng cho cả mẹ và con.
- Sử dụng kháng sinh điều trị theo kết quả kháng sinh đồ.
- Đối với thai phụ sinh mổ, sử dụng kháng sinh cần bao phủ thêm vi khuẩn kỵ khí vì đó là nguyên nhân chủ yếu trong biến chứng viêm nội mạc tử cung sau mổ lấy thai.

Viêm màng ối nên làm gì?
Vì bệnh lý viêm màng ối thường không có biểu hiện triệu chứng thế nên chúng ta cần ngăn ngừa trước bằng cách tăng cường sức đề kháng trong thai kỳ:
- Chế độ ăn đủ chất: Chế độ ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng sữa… và giàu vitamin từ trái cây, rau xanh…
- Sinh hoạt điều độ: Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
- Vận động luyện tập đầy đủ sẽ tạo nên một cơ thể dẻo dai và thai kỳ khỏe mạnh.
- Bên cạnh đó, khám và điều trị phụ khoa trước khi mang thai cùng với khám thai định kỳ giúp phát hiện và điều trị sớm tình trạng viêm phụ khoa trong thai kỳ cũng rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng viêm màng ối.
- Tích cực điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh phối hợp liều cao.
- Trường hợp phát hiện bệnh lý viêm màng ối trong thai kỳ, hướng xứ trí phụ thuộc vào tuổi thai và tình trạng nhiễm trùng.
- Cân nhắc trưởng thành phổi khi thai non tháng và phương pháp sinh khi có chuyển dạ.
- Theo dõi sau sinh: Tình trạng toàn thân của mẹ, gò tử cung, sản dịch và tích cực thuốc tăng gò tử cung, kháng sinh đủ liều.
Phòng ngừa viêm màng ối
Viêm màng ối có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thoáng mát.
- Điều trị triệt để viêm nhiễm âm đạo trước khi quyết định mang thai.
- Nếu mẹ có nguy cơ sinh non cao, cần được sàng lọc nhiễm khuẩn âm đạo vào cuối 3 tháng giữa thai kỳ để phát hiện và điều trị sớm.
- Khi chuyển dạ, bác sĩ cần hạn chế số lần kiểm tra âm đạo trong chuyển dạ, đặc biệt là chuyển dạ sớm.
- Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt, nên đi khám hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, nếu nghi ngờ cần theo dõi liên tục kèm với siêu âm khối lượng nước ối và lấy dịch ối kiểm tra xem có phải rỉ ối hay không.
Viêm màng ối khi mang thai không phải là tình trạng quá nguy hiểm hay nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng không tốt cho sức khỏe cả mẹ và em bé trước và sau khi sinh. Vì vậy bạn nên đi khám thai định kỳ để theo dõi và kiểm tra ngay nếu có các bất thường khác. Bên cạnh đó, điều chỉnh sinh hoạt và xây dựng chế độ ding dưỡng khoa học ngăn ngừa và đẩy lùi nguy hiểm, nâng cao sức khỏe của mẹ và bé.