Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến với mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở người lớn với những triệu chứng mãn tính, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp thường gặp ở người có cơ địa nhạy cảm. Bệnh xảy ra khi dị nguyên (phấn hoa, nấm mốc, bọ, ve, mạt bụi, bụi vải, hóa chất,…) xâm nhập vào niêm mạc hô hấp và kích thích phản ứng dị ứng của hệ miễn dịch.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Các yếu tố gây bệnh thường gặp:
Cơ địa nhạy cảm: thường do yếu tố di truyền
Tiếp xúc với dị nguyên hay chất gây dị ứng:
- Dị nguyên qua đường thở: bụi, con mọt, lông động vật, phấn hoa,…
- Dị ứng qua đường ăn uống: các loại thực phẩm như trứng, sữa, hải sản.
- Dị ứng với các thành phần của thuốc: thường là kháng sinh, nhất là penicilline, aspirine, vaccine.
Sự mất cân bằng dị ứng: Khi mất cân bằng dị ứng, bệnh sẽ xuất hiện khi có các yếu tố thuận lợi như:
- Tiếp xúc ồ ạt với dị nguyên, vượt quá ngưỡng.
- Yếu tố tinh thần: căng thẳng, stress.
- Rối loạn nội tiết: phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, thuốc tránh thai.
- Yếu tố khí hậu: độ ẩm, nhiệt độ, nồng độ các ion trong khí quyển,… ảnh hưởng không tốt đến bệnh nhân dị ứng, nhất là dị ứng đường hô hấp.
- Yếu tố ô nhiễm môi trường.
- Lối sống thiếu vận động, béo phì, thiếu vitamin D do thiếu ánh nắng, ăn kiêng hoặc sử dụng nhiều rượu, thuốc lá.
- Virus và vi khuẩn: niêm mạc bị phù nề, hệ lông chuyển bị tê liệt do viêm nhiễm làm tăng tính phản ứng với dị nguyên, giảm khả năng bảo vệ của niêm mạc.

Yếu tố nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng
Khả năng mắc bệnh viêm mũi dị ứng của bạn sẽ cao hơn so với người bình thường khác nếu có những yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Người bị hen phế quản hoặc bệnh dị ứng khác.
- Người bị viêm da dị ứng.
- Gia đình có tiền sử bị dị ứng hoặc hen phế quản.
- Người sống hoặc làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với các chất gây dị ứng (lông động vật, mạt bụi,..).
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Hắt hơi liên tục.
- Chảy nước mũi trong suốt giống như nước lã, không có mùi.
- Nghẹt mũi.
- Ngứa mũi, họng và mắt.
- Đau đầu, đau vùng xoang.
- Ù tai.
- Giảm khứu giác.
- Ho khan.
- Quầng thâm dưới mắt.
Viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không
Viêm mũi dị ứng là một bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời, phù hợp có thể dẫn đến nhiều vấn đề cho người bệnh như:
- Giảm chất lượng cuộc sống: Viêm mũi dị ứng có thể gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động yêu thích, học tập, làm việc kém hiệu quả hơn.
- Ngủ không ngon giấc: Các triệu chứng của bệnh có thể khiến bạn khó ngủ, dẫn đến mệt mỏi và khó chịu.
- Làm trầm trọng hơn bệnh hen phế quản: Bệnh có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh hen như ho và thở khò khè.
- Viêm xoang: Tình trạng tắc nghẽn xoang kéo dài do viêm mũi dị ứng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang.
- Nhiễm trùng tai: Viêm mũi dị ứng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.
- Viêm họng, viêm phế quản: Do nghẹt mũi dẫn đến phải thở bằng miệng.
Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Để chữa bệnh có thể áp dụng nhiều cách như:
- Thuốc điều trị: Dùng các loại thuốc kháng histamin.
- Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi: Dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi có thể giúp giảm ngứa và các triệu chứng liên quan đến dị ứng khác trong thời gian ngắn.
- Liệu pháp miễn dịch: Những mũi tiêm dị ứng sẽ làm giảm phản ứng miễn dịch với các chất gây dị ứng cụ thể theo thời gian.
- Các biện pháp khắc phục tại nhà: Phụ thuộc vào chất gây dị ứng. Nếu bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa, người bệnh nên tránh xa những nơi có nhiều cây cối, dùng máy hút ẩm hoặc bộ lọc không khí dạng hạt giúp bạn kiểm soát dị ứng khi ở trong nhà. Nếu bạn bị dị ứng với bụi, mạt nhà; hãy giặt tấm trải giường và chăn mền bằng nước nóng trên 55 độ C; đeo khẩu trang khi làm việc nếu bị dị ứng với các tác nhân ở nơi làm việc…
- Điều trị phẫu thuật: Bệnh điều trị bằng biện pháp phẫu thuật chỉ định cho những trường hợp bị viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hóa cuốn mũi, một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn.

Phương pháp phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng bệnh là tránh xa các chất gây dị ứng. Bên cạnh đó, bạn nên áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh:
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để hạn chế các tác nhân gây viêm mũi. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng nặng thì bạn nên nhờ người thân làm giúp công việc này.
- Đội mũ và đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Rửa mặt, tay chân và thay áo ngay khi về nhà.
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục.
- Đóng cửa sổ và cửa ra vào trong mùa dễ bị dị ứng.
- Tắm cho thú cưng 2 lần/tuần để giảm vảy da chết.
- Dẹp bỏ thảm trong phòng ngủ để hạn chế mạt bụi phát triển.
Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, làm mối nguy cơ dẫn tới các bệnh mãn tính nguy hiểm khác. Bệnh cần được phát hiện, chữa trị kịp thời để có kết quả cao hơn. Bên cạnh việc điều trị, cần chú trọng tới chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt hàng ngày.