Viêm niêm mạc trực tràng là một trong những bệnh đường tiêu hóa xảy ra ở đoạn cuối của đại tràng. Tuy là một bệnh tiêu hóa nhưng viêm niêm mạc trực tràng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, gồm các bệnh đường ruột, các bệnh nhiễm trùng thông thường và cả các bệnh lây qua đường tình dục.
Viêm niêm mạc trực tràng?
Trực tràng là một đoạn cơ trơn nằm ở vị trí thuộc đoạn cuối của đại tràng. Trước khi được đưa ra khỏi cơ thể, phân sẽ đi qua trực tràng.
Khi lớp mô ở niêm mạc bên trong trực tràng gặp tổn thương dẫn tới viêm nhiễm thì được gọi là viêm niêm mạc trực tràng. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Triệu chứng viêm loét sẽ gây ra các cơn đau ở trực tràng, người bệnh bị chảy máu, tiêu chảy, chảy dịch và hay có cảm giác buồn đi vệ sinh liên tục, Những biểu hiện này có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc lâu ngày, tái phát nhiều lần sẽ trở thành mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, bao gồm:
- Mắc bệnh viêm ruột (bệnh Crohn): Viêm ruột có thể dẫn đến xuất hiện các triệu chứng của viêm niêm mạc trực tràng.
- Viêm trực tràng do phẫu thuật: Có những ca phẫu thuật đại tràng phải mở một lỗ mở để thải phân ra ngoài thay vì đi qua trực tràng cũng sẽ khiến bệnh nhân bị viêm trực tràng.
- Nhiễm trùng: Thường lây qua hoạt động quan hệ tình dục, nhất là qua đường hậu môn có thể dẫn tới viêm niêm mạc trực tràng. Các loại nhiễm trùng lây nhiễm qua con đường này bao gồm: herpes sinh dục, lậu, chlamydia. Bên cạnh đó, nhiễm trùng liên quan tới thực phẩm như nhiễm khuẩn campylobacter, shigella hay salmonella cũng có thể là nguyên nhân gây viêm niêm mạc trực tràng.
- Xạ trị: Điều trị ung thư bằng xạ trị tại các khu vực lân cận (ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt,…) cũng có khả năng gây viêm niêm mạc trực tràng.
- Viêm trực tràng do bạch cầu ái toan: Xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi khi bạch cầu ái toan tích tụ ở niêm mạc trực tràng.
- Dị ứng thực phẩm: Thực phẩm chứa protein (sữa bò hoặc sữa đậu nành) dành cho trẻ sơ sinh gây viêm niêm mạc trực tràng.
- Kháng sinh: Thuốc kháng sinh đôi khi tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột, do đó vi khuẩn Clostridium difficile vẫn có cơ hội phát triển gây viêm nhiễm trong trực tràng.
Các yếu tố rủi ro gây viêm niêm mạc trực tràng
Các yếu tố rủi ro gây ra tình trạng viêm này bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) cũng làm tăng khả năng bị viêm trực tràng. Nguy cơ này tăng lên nếu quan hệ không sử dụng bao cao su và một trong hai người đang bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Bệnh viêm ruột: Bệnh nhân viêm loét đại tràng hay Crohn cũng có nguy cơ cao bị viêm niêm mạc trực tràng.
- Xạ trị ung thư: Xạ trị hướng vào trực tràng hay khu vực xung quanh (như điều trị ung thư trực tràng, buồng trứng hay tuyến tiền liệt) cũng khiến nguy cơ bị viêm niêm mạc trực tràng tăng lên.

Dấu hiệu viêm niêm mạc trực tràng
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm niêm mạc trực tràng có thể gồm:
- Có cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục, thường xuyên.
- Chảy máu trực tràng.
- Tiết chất nhầy từ trực tràng ra ngoài.
- Đau trực tràng.
- Đau bên trái bụng.
- Có cảm giác đầy, tức trực tràng.
- Tiêu chảy.
- Đau sau khi đi vệ sinh.
Tác động của viêm niêm mạc trực tràng đối với sức khỏe
Một số tác động của viêm niêm mạc trực tràng đối với sức khỏe:
- Suy nhược cơ thể: Tiêu chảy kéo dài gây mất nước, mất cân bằng điện giải, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
- Viêm niêm mạc trực tràng gây cảm giác ngứa ngáy và nóng rát hậu môn khiến bệnh nhân khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày và sức khỏe tinh thần người bệnh.
Chuẩn đoán và điều trị viêm niêm mạc trực tràng
Chuẩn đoán
Những kỹ thuật y tế có thể được sử dụng trong chẩn đoán viêm niêm mạc trực tràng bao gồm:
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm này giúp phát hiện tình trạng thiếu máu hay nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phân. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tự thu thập mẫu phân để làm xét nghiệm, xác định xem tình trạng viêm trực tràng có phải do vi khuẩn gây ra hay không.
- Nội soi phần cuối đại tràng. Khi đó, bác sĩ sử dụng một ống mảnh, mềm và có đèn chiếu sáng để kiểm tra phần cuối đại tràng cũng như trực tràng. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm.
- Nội soi toàn bộ đại tràng. Bác sĩ sẽ kiểm tra hết toàn bộ đại tràng nhờ vào một ống mảnh, linh hoạt và có gắn một camera nhỏ ở đầu luồn qua hậu môn. Sinh thiết cũng có khi được thực hiện trong quá trình này.
- Các xét nghiệm xác định nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Những xét nghiệm này bao gồm lấy mẫu dịch tiết từ trực tràng hoặc từ niệu đạo.
Điều trị
Phương pháp điều trị viêm niêm mạc trực tràng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm. Cụ thể:
Chữa viêm do nhiễm trùng:
- Kháng sinh: Sử dụng doxycycline trong trường hợp viêm trực tràng do vi khuẩn gây nên.
- Kháng virus: Nếu bệnh nhân bị viêm trực tràng do virus như herpes sinh dục thì có thể dùng thuốc kháng virus acyclovir.
Chữa viêm do xạ trị:
Đối với những ca bị nhẹ thì có thể không cần phải điều trị nhưng nếu bệnh nhân gặp các biểu hiện đau và chảy nhiều máu thì cần thiết phải can thiệp bằng y khoa:
- Dùng thuốc: Dùng dưới dạng thuốc đặt, viên uống hoặc thụt rửa. Các thuốc có công dụng giảm viêm, kiểm soát tình trạng chảy máu gồm: mesalamine, metronidazole, sucralfate, sulfasalazine.
- Loại bỏ phần mô bị tổn thương: Bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật đốt đông bằng Argon plasma, đốt điện hoặc những biện pháp khác để cắt bỏ những chỗ bị viêm và chảy máu.
- Làm giãn cơ trơn hoặc làm mềm phân: Để hỗ trợ đẩy các tạp chất gây tắc nghẽn ruột, giảm đau do viêm niêm mạc trực tràng cho người bệnh.
Chữa viêm trực tràng do bệnh viêm ruột:
- Sử dụng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng viêm trực tràng: Viêm niêm mạc trực tràng liên quan đến các bệnh đường ruột: Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,… thường được điều trị bằng các loại thuốc kiểm soát viêm, sưng: Mesalamine, corticosteroid,…
- Phương pháp phẫu thuật: Loại bỏ các phần niêm mạc trực tràng bị hư hại, thương tổn. Thường áp dụng cho những bệnh nhân không hoặc ít đáp ứng với điều trị bằng thuốc.

Phương pháp phòng ngừa viêm niêm mạc trực tràng
Để phòng ngừa viêm niêm mạc trực tràng cũng như hạn chế nguy cơ tái phát, cần chú ý:
- Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.
- Không nên ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ (các món chiên, rán, xào,…), đồ chua cay, bia, rượu, cà phê,… Nên uống nhiều nước.
- Sau khi ăn, nên nghỉ ngơi 30 – 45 phút. Tuyệt đối không được vận động ngay sau khi ăn, không ăn quá no,…
- Không quan hệ tình dục với nhiều người, với người mắc các bệnh tình dục, viêm loét sinh dục, không quan hệ tình dục qua hậu môn. Đồng thời, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để đảm bảo an toàn.
- Đối với trẻ em dị ứng sữa bò, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn sữa phù hợp cho trẻ.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi để không bị nhiễm khuẩn đường ruột hay mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa: Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,…
- Nên dành thời gian tập thể dục hàng ngày để giúp cơ thể tăng sức đề kháng và tinh thần thoải mái hơn.
- Thăm khám định kỳ giúp tầm soát tình trạng bệnh hoặc nguy cơ tiến triển của bệnh.