Viêm phế quản co thắt là bệnh lý liên quan đến đường hô hấp thường gặp do virus, kí sinh trùng trong đường thở gây nên. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Viêm phế quản co thắt là gì?
Viêm phế quản co thắt hay còn gọi là viêm phế quản thể hen là tình trạng đường dẫn khí đi sâu vào phổi bị thu nhỏ dần do viêm nhiễm. Căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn.
Nguyên nhân gây bệnh
- Tiền sử gia đình hoặc tiền sử bản thân mắc bệnh hen suyễn hoặc cơ địa mẫn cảm.
- Các dị nguyên bên ngoài như khói bụi, lông động vật, khói thuốc lá, phấn hoa, nấm mốc…
- Thay đổi nhiệt độ đột ngột nhất là ở thời điểm giao mùa.
- Virus, vi khuẩn ký sinh ở vùng mũi họng như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, virus hợp bào đường hô hấp (RSV) phát triển khi bệnh nhân bị suy giảm sức đề kháng, dẫn đến làm tăng độc tính và khởi phát co thắt phế quản.
- Hệ miễn dịch kém: Sức đề kháng không tốt nhất là trong thời điểm giao mùa cũng khiến người bệnh dễ bị viêm phế quản co thắt.
- Cơ địa dị ứng: Những người có phản ứng quá mẫn với với tác nhân dị ứng như bụi, lông gia súc, khói thuốc, phấn hoa, thức ăn,… thường có nguy cơ cao mắc viêm phế quản co thắt.
- Một số nguyên nhân khác như: Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, aspirin hoặc NSAID…; rối loạn tiêu hóa; căng thẳng tâm lý; nhiễm phải chất độc hóa học…

Triệu chứng viêm phế quản co thắt
Một số triệu chứng viêm viêm phế quản co thắt bao gồm:
- Khó thở: Là biểu hiện, triệu chứng điển hình nhất, đầu tiên của bệnh.
- Ho: Ho dai dẳng kéo dài từng cơn.
- Sốt nhẹ: kéo dài vài ngày.
- Ngứa họng: Người bệnh cảm giác ngứa trong cổ họng
- Thở khò khè: Đặc biệt ở trẻ em thường thấy dấu hiệu cánh mũi phập phồng rút lõm lồng ngực, co kéo cơ cổ.
- Trẻ em nhiều bé nôn, tiêu chảy, quấy khóc…
Bệnh viêm phế co thắt biểu hiện giống với bệnh hen phế quản, rất dễ nhầm lẫn. Chính vì thế khi có các biểu hiện của bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh
Tình trạng viêm phế quản co thắt sẽ tiến triển nặng hơn sau khi xuất hiện các triệu chứng khoảng từ 2 – 3 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
Các biến chứng nguy hiểm có nguy cơ gặp phải do viêm phế quản co thắt như viêm tai giữa, viêm phổi, suy hô hấp, xẹp phổi…
Viêm phế quản co thắt không phải hen suyễn có thể biến chứng thành hen suyễn nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và dự phòng sớm.
Chuẩn đoán và điều trị bệnh
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh
- Hô hấp ký: Đo chức năng phổi, đánh giá khả năng hoạt động của phổi bằng cách đo lượng không khí hít vào và thở ra bằng phế dung kế.
- Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF): Đo lưu lượng khí tối đa có thể thở ra, để chẩn đoán và đánh giá tình trạng hen suyễn của bệnh nhân.
- Chụp X quang phổi: Để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng hoặc các bệnh lý khác ở phổi.
Biện pháp điều trị bệnh
Điều trị nguyên nhân
Viêm phế quản co thắt do vi rút thì nói chung chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Nếu có bằng chứng về nhiễm khuẩn, thì phải dùng thuốc kháng sinh.
Điều trị suy hô hấp
Nếu có khó thở nhiều, co rút lồng ngực, tím tái,… thì phải điều trị suy hô hấp như thở oxy, thở máy,…
Ngoài ra, điều trị tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, cũng rất quan trọng, vừa giúp phòng bệnh vừa giúp hỗ trợ điều trị.

Cách phòng ngừa viêm phế quản co thắt
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm phế quản co thắt người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che chắn mũi cẩn thận khi ra đường hoặc tiếp xúc với môi trường khói bụi.
- Giữ nhà cửa và nơi làm việc sạch sẽ, thoáng khí.
- Tránh tiếp xúc với thú cưng như chó, mèo,… nếu bạn bị dị ứng với lông của chúng.
- Giặt sạch sẽ chăn ga, gối đệm trải giường và phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời.
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá để hạn chế ảnh hưởng đến phổi.
- Vệ sinh tay, chân sạch sẽ để ngăn ngừa sự nhiễm trùng lây lan.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung vitamin C. Hạn chế các loại đồ ăn cay nóng, gây dị ứng,…
- Tiêm vắc xin cúm để phòng ngừa.