Viêm phổi do virus là loại viêm phổi thường gặp thứ hai, sau viêm phổi do vi khuẩn. Tuy nhiên bệnh viêm phổi do virus sẽ khó điều trị hơn bởi kháng sinh không có tác dụng với các chủng virus.
Viêm phổi do virus là bệnh gì?
Viêm phổi do virus là một bệnh lý do biến chứng của virus gây cảm lạnh và cúm. Viêm phổi do virus chiếm khoảng 1/3 các trường hợp viêm phổi. Virus xâm nhập vào phổi của bạn và khiến chúng viêm, làm ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Nhiều trường hợp viêm phổi do virus tự khỏi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp biến chứng nặng như bị bội nhiễm vi khuẩn, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi… có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh
Các loại virus như virus cúm, virus hợp bào hô hấp, adenovirus, virus á cúm, virus varicella hay virus corona (SAR-CoV-2) chính là nguyên nhân gây bệnh. Virus lây truyền khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với vật bị nhiễm virus.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh
Những yếu tố sau có thể làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Bạn đang mắc bệnh mãn tính.
- Ức chế hoặc suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Hút thuốc lá.
- Bạn đang nhập viện.

Triệu chứng của viêm phổi do virus
Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm phổi do virus bao gồm:
- Ho khan.
- Sốt.
- Ớn lạnh, hoặc rét run.
- Khó thở, thở nhanh.
- Đau ngực, đau tăng lên khi ho hoặc khi thở vào.
Chẩn đoán viêm phổi do virus thường chỉ cần dựa vào thăm khám lâm sàng, nếu cần có thể tiến hành thêm xét nghiệm máu và chụp Xquang ngực.
Phương pháp chuẩn đoán bệnh
Bệnh viêm phổi do virus rất khó để xác định. Nhiều loại virus gây ra những triệu chứng tương tự nhau và phải cần đến một số chẩn đoán đặc biệt. Bác sĩ thường chẩn đoán cho bạn bằng cách:
- Chụp X quang phổi.
- Kiểm tra công thức máu toàn bộ.
- Cấy máu để kiểm tra virus trong máu (hoặc vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng thứ cấp).
- Nội soi phế quản (hiếm khi cần thiết).
- Xét nghiệm mẫu ngoáy mũi và ngoáy họng.
- Cấy đờm (để loại trừ các nguyên nhân khác).
- Sinh thiết phổi mở khi không tìm được nguyên nhân gây viêm phổi.
- Đo nồng độ oxy và carboxyde trong máu.
Điều tri bệnh viêm phổi do virus
Điều trị viêm phổi do virus về nguyên tắc sẽ không sử dụng kháng sinh, bởi kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn. Tùy mức độ và nguyên nhân gây ra viêm phổi, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định sử dụng thuốc kháng virus:
- Nếu bệnh nhân mắc bệnh do virus cúm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza), hay peramivir (Rapivab). Những thuốc kháng virus này có tác dụng hạn chế sự nhân lên của virus trong cơ thể.
- Nếu bệnh nhân bị nhiễm virus hợp bào đường hô hấp (RSV), bác sĩ có thể chỉ định ribavirin (Virazol).
Bên cạnh thuốc kháng virus, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các thuốc điều trị triệu chứng, chẳng hạn như thuốc giảm đau, hạ sốt,… Trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân cần nhập viện để được hỗ trợ thêm các can thiệp điều trị cần thiết. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần tăng cường nghỉ ngơi và uống đủ nước.

Cách phòng bệnh viêm phổi do virus
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm phổi do virus:
- Tiêm phòng vaccine cúm hàng năm.
- Tránh xa những người đang bị bệnh có các triệu chứng như ho hoặc hắt hơi.
- Bạn nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hay tiếp xúc với người bệnh.
- Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động.
- Tránh uống quá nhiều rượu.
- Đặt máy làm ẩm không khí trong phòng.
- Uống nhiều nước để bạn không bị mất nước.
- Rửa tay bằng xà phòng hay chất sát khuẩn tay có cồn đúng cách.
- Ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ, ăn chín, uống sôi, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ. Những thói quen lành mạnh giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn mạnh mẽ.
- Để tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch bạn cần bổ sung vi chất cho cơ thể như: Vitamin A, C, D và E, Fe, Zn và Se. Những vi chất dinh dưỡng này có thể bổ sung từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung vitamin tổng hợp.
Bệnh viêm phổi do virus là căn bệnh nguy hiểm, . Để phòng tránh các loại virus gây viêm phổi, bạn nên chích ngừa cúm hằng năm, với trẻ em cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, duy trì chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, rèn luyện thể thao hợp lý. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng viêm phổi bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.