Viêm phổi là một tình trạng bệnh lý rất hay gặp và được phân thành nhiều loại với các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Tuy nhiên để việc thăm khám và điều trị đúng cách thì các bác sĩ phải phân loại được các loại viêm phổi.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Các phế nang, đường dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Thông thường, có nhiều tác nhân gây ra tình trạng viêm phổi, nhưng thường do vi khuẩn, virus và nấm. Bệnh viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhẹ, đến viêm phổi nặng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền, hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Viêm phổi có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau tùy theo nguyên nhân và mục đích phân loại, nhưng nhìn chung hiện nay viêm phổi chủ yếu được phân loại dựa trên nguyên nhân gây viêm phổi và nguồn lây nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Mỗi loại viêm phổi sẽ có nguyên nhân gây bệnh riêng, chẳng hạn như:
- Viêm phổi do vi khuẩn: Sự tấn công của vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (S. pneumoniae) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề sức khỏe này. Bên cạnh đó, bệnh viêm phổi còn có thể xảy ra bởi một số chủng vi khuẩn khác, chẳng hạn như Mycoplasma, Staphylococcus, Haemophilus và Legionella.
- Viêm phổi do virus: Virus là nguyên nhân gây ra số trường hợp viêm phổi nhiều thứ hai sau vi khuẩn. Có rất nhiều loại virus gây viêm phổi, chẳng hạn như các loại virus gây ra cảm lạnh cũng như virus cúm.
- Viêm phổi do nấm: Trường hợp này là biến chứng của bệnh nấm sâu Coccidioidomycosis, còn gọi là sốt thung lũng hay valley fever.
- Viêm phổi hít: Loại viêm phổi này còn có tên gọi khác là viêm phổi sặc, xảy ra khi một lượng lớn dịch từ dạ dày, họng hoặc miệng đi vào phổi và gây viêm tại đây. Viêm phổi hít không truyền nhiễm.
- Viêm phổi bệnh viện: Trong vài trường hợp hy hữu, người bị viêm phổi có nguy cơ mắc bệnh trong thời gian nhập viện để điều trị một hoặc nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm phổi, nhưng một số đối tượng nhất định có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những đối tượng này bao gồm:
- Trẻ dưới 2 tuổi.
- Người từ 65 tuổi trở lên.
- Người từng bị đột quỵ, gặp vấn đề về nuốt hoặc bị liệt toàn thân.
- Người gần đây hoặc hiện đang nhập viện, đặc biệt phải dùng máy thở.
- Nhiễm trùng đường hô hấp chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.
- Hút thuốc, sử dụng một số loại thuốc kích thích hoặc uống quá nhiều rượu.
- Hệ miễn dịch yếu do bệnh hoặc sử dụng thuốc như steroid hoặc thuốc ung thư.
- Tiếp xúc với chất kích thích phổi như môi trường ô nhiễm, khói và một số hóa chất.
- Có tiền sử hoặc đang mắc các như hen suyễn, xơ nang, tiểu đường hoặc suy tim.

Dấu hiệu viêm phổi thường gặp
Dấu hiệu viêm phổi thường gặp xuất hiện chủ yếu ở các trường hợp viêm phổi cấp tính, triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và thường gặp ở trẻ nhỏ, người già:
- Đau ngực khi thở hoặc ho.
- Ho, ho khan, ho có đờm.
- Sốt trên 38 độ, đổ mồ hôi và ớn lạnh.
- Mệt mỏi, uể oải và chán ăn.
- Thở nhanh, khó thở khi gắng sức.
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Biến chứng bệnh viêm phổi ở người trưởng thành
Viêm phổi là bệnh lý dễ chuyển biến xấu và tiên lượng nặng khi xảy ra các biến chứng. Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, khoảng 25% người trên 65 tuổi mắc viêm phổi có nguy cơ tử vong; 30-50% người bệnh phải gánh chịu những biến chứng viêm phổi nặng nề như:
- Nhiễm trùng huyết.
- Suy hô hấp nặng.
- Tràn dịch màng phổi.
- Áp xe phổi.
- Viêm màng ngoài tim.
Quá trình lây truyền bệnh viêm phổi
Phần lớn các trường hợp viêm phổi trong cộng đồng xuất phát điểm từ virus, vi khuẩn. Viêm phổi là bệnh hô hấp có tính truyền nhiễm dễ dàng và nhanh chóng nhất từ người sang người qua hai con đường chính: Trực tiếp và gián tiếp.
- Lây truyền trực tiếp: Người khỏe mạnh vô tình hít phải virus, vi khuẩn gây viêm phổi khi tiếp xúc gần, nói chuyện với người bệnh hoặc khi người bệnh hắt hơi, ho, sổ mũi.
- Lây truyền gián tiếp: Người khỏe mạnh có thể mắc viêm phổi khi tiếp xúc chung các vật dụng, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc chén đũa, quần áo… Hoặc người lành vô tình chạm vào các vật dụng có sẵn vi sinh vật gây bệnh và đưa tay lên mũi, mắt, miệng. Bởi virus, vi khuẩn có thời gian sống ở trên đồ vật cá nhân của người bệnh lên đến vài giờ.

Biện pháp chuẩn đoán bệnh
Tùy từng đối tượng, từng trường hợp mà viêm phổi có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng rõ ràng, hoặc thậm chí không có triệu chứng. Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán viêm phổi và tìm nguyên nhân để đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp như:
- Chụp X-quang hoặc CT vùng ngực giúp bác sĩ tìm kiếm dấu hiệu viêm ở phổi, đồng thời kiểm tra vị trí cũng như mức độ viêm nhiễm tại đây.
- Cấy máu và cấy đờm với mục đích xác nhận tình trạng nhiễm trùng và tìm kiếm nguyên nhân cụ thể gây viêm phổi.
- Đo độ bão hòa oxy trong máu để xác định liệu phổi có nhận đủ oxy hay không.
- Lấy mẫu dịch giữa xương sườn hỗ trợ xác định nguyên nhân gây bệnh.
Trong một số trường hợp, nội soi phế quản sẽ cần thiết nếu người bệnh có biểu hiện trở nặng hoặc không đáp ứng tốt với liệu trình điều trị bằng kháng sinh trước đó.
Cách điều trị bệnh viêm phổi
Dùng thuốc kê đơn điều trị viêm phổi
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị viêm phổi dựa trên nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh.
- Viêm phổi do vi khuẩn: Thuốc kháng sinh đường uống có thể điều trị hầu hết các trường hợp viêm phổi do vi khuẩn.
- Viêm phổi do virus: Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus. Nhiều trường hợp bệnh có thể tự khỏi bằng cách chăm sóc tại nhà.
- Viêm phổi do nấm: Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống nấm cho tình trạng này, bạn có thể phải dùng thuốc trong vài tuần để loại bỏ nhiễm trùng.
Điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện
Nếu các triệu chứng viêm phổi trở nên trầm trọng hoặc kèm theo vấn đề sức khỏe khác, bạn có thể phải nhập viện. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim, nhiệt độ và nhịp thở của bạn cùng các phương pháp điều trị như:
- Dùng kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng bằng cách tiêm đường tĩnh mạch.
- Trị liệu hô hấp: Điều này bao gồm việc cung cấp các loại thuốc trực tiếp vào phổi và dạy bạn thực hiện các bài tập thở để tối đa hóa lượng oxy trong phổi.
- Liệu pháp oxy: Được dùng để duy trì nồng độ oxy trong máu thông qua ống mũi, mặt nạ hoặc máy thở tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
Điều trị tại nhà
Hầu hết các triệu chứng giảm bớt trong một vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài trong một tháng hoặc hơn. Khi điều trị tại nhà, bạn sẽ được bác sĩ kê thuốc theo nguyên nhân gây viêm phổi. Đồng thời được hẹn đến bệnh viện tái khám theo chỉ định, hoặc đến bệnh viện ngay nếu có biến chứng khó thở, sốt cao không hạ…

Cách chăm sóc và phòng bệnh
- Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là lúc giao mùa.
- Không hút thuốc chủ động hoặc thụ động.
- Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ.
- Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng có tác dụng diệt khuẩn.
- Mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng góp phần tăng cường hệ miễn dịch. Một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng sữa,…
- Vệ sinh hầu họng, mũi miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lí nhằm loại bỏ vi khuẩn hiện diện.
- Tiêm phòng vắc xin để ngăn ngừa một số bệnh viêm phổi, cúm.
Bệnh viêm phổi thực sự nguy hiểm và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Mỗi người nên trang bị kiến thức cơ bản để tự chăm sóc cho mình, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Ngay thời điểm này, mỗi người cần chủ động phòng bệnh viêm phổi cho bản thân và gia đình bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ, giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi hàng loạt dịch bệnh đang vào cao điểm.