Viêm tai giữa là bệnh về tai khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Trang bị đầy đủ các kiến thức về viêm tai giữa ở trẻ em là cần thiết để các bậc phụ huynh có thể xử lý nhanh chóng, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ.
Viêm tai giữa là bệnh gì?
Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường. Có hai dạng hay gặp viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết.
75% trẻ em dưới 3 tuổi sẽ có ít nhất một lần bị viêm tai, và gần 50% số trẻ này bị viêm tai từ 3 lần trở lên trước khi được 4 tuổi.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em
Viêm tai giữa là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm nằm ở phía sau màng nhĩ. Ở trẻ em, viêm tai giữa là căn bệnh phổ biến nhất, chỉ xếp sau viêm nhiễm đường hô hấp. Sở dĩ, bệnh gặp nhiều ở trẻ em là do một số nguyên nhân như:
- Do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên không đủ sức chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập.
- Cấu trúc tai của trẻ em chưa hoàn thiện, ống thính giác của trẻ thường ngắn hơn so với người lớn nên rất dễ tắc. Thông thường thì ống thính giác sẽ mở ra để cho phép các chất lỏng và tạp chất thoát ra ngoài. Tuy nhiên, khi ống thính giác bị đóng, lúc này các chất thải không thoát được ra ngoài khiến vi khuẩn kẹt lại bên trong tai và gây nhiễm trùng.
- Trẻ mắc các bệnh lý về tai, mũi, họng như: Viêm xoang, viêm họng, viêm amidan…
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Bên cạnh nguyên nhân trên thì bé bị viêm tai giữa có thể do các yếu tố sau:
- Polyp trong tai che lấp phần tai giữa.
- Trẻ bị ốm, ho, sốt, cảm lạnh khiến đờm, dịch mũi lây sang tai.
- Trẻ bị dị ứng thời tiết hoặc thức ăn.
- Trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá.
- Khi tắm cho trẻ để nước vào trong tai và không vệ sinh sạch.
- Để nước vào tai bé khi bơi hoặc sử dụng nút chặn cho bé khi bơi.
- Vệ sinh tai bé không đúng cách.
- Mẹ cho bé bú sữa mẹ ở tư thế nằm, làm cho sữa mẹ sặc lên mũi bé, trào sang tai, gây viêm tai.
- Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ. Do sữa mẹ có các chất dinh dưỡng cùng các kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi các vi rút gây bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo viêm tai giữa ở trẻ em
Trẻ bị viêm tai giữa sẽ có những dấu hiệu bệnh đặc trưng sau:
- Sốt nhẹ đến sốt vừa, có thể cao hơn 39 độ C.
- Chán ăn, bỏ bú, ăn không ngon miệng.
- Trẻ bị đau trong tai, trẻ lớn có thể nói cho cha mẹ nhưng trẻ nhỏ chỉ biết dùng động tác dụi tay hoặc kéo vành tai.
- Trẻ khó chịu, trằn trọc, khó ngủ, hay quấy khóc.
- Tiêu chảy, nôn ói.
- Có dịch mủ chảy ra từ ống tai ngoài.
- Chậm phản ứng với âm thanh.
- Có triệu chứng đau đầu, giảm thính lực tạm thời.
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em khá dễ nhận biết và xuất hiện từ sớm, vì thế cha mẹ chỉ cần chú ý là sẽ thấy trẻ có nhiều biểu hiện bệnh khác lạ.
Bệnh viêm tai giữa có để lại biến chứng
Một số viêm tai giữa sẽ có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng đa phàn phải điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên nếu cha mẹ nhận thấy tình trạng nhiễm trùng của trẻ tiến triển xấu hơn, nên đưa bé đến gặp bác sĩ, bởi nếu không chữa trị kịp thời, trẻ sẽ gặp phải một số biến chứng như:
- Dễ chuyển sang mãn tính, gây đau, chảy dịch tai, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.
- Thủng màng nhĩ.
- Xơ cứng khớp giữa các xương con.
- Có thể gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ chưa nói sõi.
- Các biến chứng nặng hơn như: viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch, liệt dây thần kinh mặt…
Biện pháp điều trị viêm tai giữa ở trẻ
Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc làm giảm đau, hạ sốt. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào các giai đoạn của viêm tai giữa như: Giai đoạn xung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ mà sẽ có cách điều trị khác nhau, thông tin cụ thể như sau:
- Viêm tai giữa ở giai đoạn xung huyết chủ yếu điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh. Bởi vi khuẩn gây viêm tai giữa chủ yếu là liên cầu, phế cầu, Hemophilus Influenza… nên bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm thiếu chống viêm, thuốc chống phù nề hoặc một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol.
- Khi chuyển sang giai đoạn ứ mủ, bác sĩ có thể cân nhắc biện pháp trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ kết hợp sử dụng thêm với các loại thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn xung huyết
- Ở giai đoạn ứ mủ, dịch mủ ứ đọng ở trong tai sẽ tự động phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ và chảy ra ngoài từ ống tai ngoài gây thủng màng nhĩ. Lúc này, bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh kết hợp với hydrocortisone nhỏ tai để làm sạch tai. Ngoài ra thì bác sĩ cũng có thể cân nhắc sử dụng kỹ thuật làm thuốc tai. Đây là thủ thuật rửa, nhỏ hoặc phun thuốc vào vị trí tổn thương trong tai nhằm làm sạch cũng như để thuốc ngấm vào sâu trong tai, từ đó làm giảm dần triệu chứng chảy mủ ở trong tai.

Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ có thể được phòng ngừa hiệu quả với các biện pháp sau:
- Giữ ấm tốt cho trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa vừa giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp vừa hạn chế viêm tai giữa biến chứng.
- Vệ sinh tai – mũi – họng sạch sẽ, hạn chế tối đa khả năng bị sổ mũi, viêm họng.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh ẩm mốc, khói bụi.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
- Cho trẻ bú nhiều, ăn nhiều hoa quả, trái cây với trẻ đã ăn được để tăng sức đề kháng.
- Khi cho trẻ bú bình, nên để bé ở tư thế ngồi, tránh bé bú ở tư thế nằm khiến sữa và nước có thể chảy ngược lại vào tai.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá hoặc hóa chất trong môi trường ô nhiễm.
- Tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ các loại vắc xin được khuyến cáo hàng năm, trong đó đặc biệt lưu ý vắc xin ngừa cúm và phế cầu.
Viêm tai giữa là một chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Điều trị bệnh viêm tai giữa khá phức tạp, nếu trẻ không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì sẽ rất dễ để lại biến chứng. Chính vì thế, khi thấy trẻ có triệu chứng bất thường ở tai, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Leave a reply