Viêm thanh quản cấp là tình trạng viêm niêm mạc của thanh quản kéo dài dưới 3 tuần. Đây là một bệnh khá phổ biến ở nước ta và nguyên nhân chủ yếu là do virus xâm nhập vào cơ thể.
Viêm thanh quản cấp tính là bệnh gì?
Viêm thanh quản là tình trạng viêm sưng ở dây thanh quản. Khi sử dụng chúng quá mức cũng gây nhiễm trùng. Bên trong thanh quản thường có hai dây thanh âm để tạo nên giọng nói. Khi xảy ra tình trạng viêm chúng sẽ bị sưng đỏ và kích ứng. Từ đó những thanh âm tạo ra sẽ không giống như bình thường.
Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc của thanh quản kéo dài dưới 3 tuần. Bệnh lý này gây nên do nhiều nguyên nhân cũng như biểu hiện lâm sàng khác nhau. Viêm thanh quản cấp có thể gặp ở nhiều đối tượng nhưng người lớn gặp nhiều hơn trẻ em. Tùy thuộc vào từng đối tượng mà cách điều trị sẽ khác nhau.
Nguyên nhân gây bệnh
Đa phần các trường hợp viêm thanh quản cấp đều do các nguyên nhân sau:
- Nhiễm virus, thường là khi bị cảm cúm hoặc cảm lạnh.
- Do nói hoặc la hét quá nhiều.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn.
Điều kiện thuận lợi
- Sau một viêm đường hô hấp: bệnh mũi xoang, bệnh phổi, bệnh họng amiđan, VA ở trẻ em.
- Bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi.
- Sử dụng giọng gắng sức: nói nhiều, hét, hát to…
- Sặc các chất kích thích: bia, rượu…
- Trào ngược họng, thanh quản.

Triệu chứng khi bị bệnh
Các triệu chứng thường gặp khi bị bệnh:
- Toàn thân: Ớn lạnh, đau mình, chân tay mỏi.
- Cơ năng: Bắt đầu đột ngột bằng cảm giác khô họng, nuốt đau, tiếng nói khàn hoặc mất kèm theo ho, khạc đờm.
- Thực thể: Niêm mạc xung huyết, dây thanh nề đỏ, lớp dưới niêm mạc phù nề, xuất tiết nhầy đặc đọng ở mép sau và dây thanh.
Biện pháp điều trị bệnh
Tùy theo mức độ khó thở thanh quản, có sốt hay không sốt, điều trị nguyên nhân. Thời gian điều trị thường dưới 1 tuần, một số trường hợp diễn tiến nặng nguy cơ điều trị kéo dài hơn.
- Khó thở thanh quản độ 1: có thể điều trị ngoại trú, dùng thuốc uống dexamethason hoặc prednisolon, cần tái khám mỗi ngày.
- Khó thở thanh quản độ 2: nhập viện, điều trị với thuốc dexamethason tiêm hoặc uống; hoặc khí dung budenoside; hoặc khí dung adrenalin, dùng kháng sinh nếu chưa ngoại trừ nguyên nhân nhiễm khuẩn.
- Khó thở thanh quản độ 3: nằm cấp cứu, thở oxy để đảm bảo oxy trong máu, khí dung adrenalin, dexamethason tiêm, kháng sinh tĩnh mạch.
- Nếu bệnh diễn tiến nặng hơn tím tái, lơ mơ, cơn ngừng thở thì chỉ định đặt nội khí quản thở máy.

Biện pháp phòng bệnh viêm thanh quản cấp tính
- Tránh hút thuốc lá thụ động, khói làm khô và kích thích dây thanh âm.
- Uống nhiều nước.
- Tránh ăn thức ăn cay, thực phẩm cay có thể gây ra trào ngược dạ dày.
- Tránh la hét, nói nhiều căng giọng.
- Chế độ ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây … thực phẩm chứa nhiều vitamin A, E, C giúp chất nhầy dây thanh âm hoạt động tốt.
- Phòng nhiễm trùng hô hấp: rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc người đang mắc nhiễm trùng hô hấp trên như cảm lạnh, cúm.
- Tiêm vaccin đầy đủ.
Viêm thanh quản cấp tính mặc dù chưa gây nguy hiểm ngay nhưng về lâu dài viêm thanh quản cấp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Do đó, để được điều trị dứt điểm bệnh lý này người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được bác sĩ hỗ trợ. Bên cạnh đó, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh lý này. Điều chỉnh chế độ dinh dương và lối sống nhằm hộ trợ việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.