Viêm tiểu phế quản là một bệnh phổi phổ biến thường do virus gây ra. Nó thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi và trong những tháng mùa đông.
Bệnh viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản (hay viêm tiểu phế quản cấp tính) là tình trạng viêm đường hô hấp do một loại virus gây ra. Virus này tác động đến tiểu phế quản – các đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi.
Nhiệm vụ của các tiểu phế quản là kiểm soát luồng không khí trong phổi. Khi bị nhiễm trùng hoặc tổn thương, chúng có thể sưng lên hay bị tắc nghẽn, ngăn chặn oxy lưu thông. Mặc dù bệnh thường xảy ra ở trẻ em, người lớn vẫn có thể bị ảnh hưởng.
Có 2 loại viêm tiểu phế quản chính:
- Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh do virus: Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ em là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Virus bùng phát vào mỗi mùa đông và bệnh ảnh hưởng đến trẻ em dưới 1 tuổi.
- Viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn: Đây là tình trạng hiếm gặp và nguy hiểm ở người lớn. Bệnh để lại sẹo ở tiểu phế quản, làm chặn đường thông khí, gây tắc nghẽn đường thở.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh chủ yếu do virus xâm nhập và lây nhiễm qua đường hô hấp. Phổ biến là các loại virus sau:
- Virus hợp bào hô hấp (RSV): Loại virus chính dẫn tới đa số các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Virus tấn công trẻ ở độ tuổi từ dưới 1 tuổi. Khi trẻ bị nhiễm loại virus này sẽ bị viêm, tích tụ chất ngầy và sưng đường thở.
- Virus Adeno: Virus Adeno gây ra khoảng 10% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, loại virus này chủ yếu nhắm vào màng nhầy ở mũi, họng của trẻ.
- Virus cúm: Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc virus cúm, gây viêm ở phổi, mũi và cổ họng. Trẻ nhỏ mắc bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Đối tượng trẻ nhỏ nào có nguy cơ mắc bệnh?
Do phổi và hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên những trẻ dưới 3 tháng tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc viêm phế quản cao nhất. Một số trường hợp là do có các bệnh lý sau làm tăng nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản ở trẻ:
- Trẻ bị nhẹ cân, suy hô hấp sơ sinh.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
- Bị bệnh phổi mạn tính kèm theo tim bẩm sinh, cao áp phổi, loạn sản phế quản phổi.
- Ở trong tập thể có người mắc bệnh như: nhà trẻ, trường học,… hay trong gia đình có người nhiễm bệnh.
- Thường xuyên hít phải khói thuốc lá.
- 6 tháng đầu trẻ hoàn toàn không được bú sữa mẹ.

Triêu chứng viêm tiểu phế quản
Chú ý xem cách thở của trẻ. Bạn nên liên hệ với bác sĩ khi phát hiện các dấu hiệu khó thở như:
- Trẻ thở ngắn sau khi ho.
- Trẻ không uống hoặc bú.
- Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường hoặc dễ ngủ trong lúc ăn.
- Trẻ rất quấy, không thể ngủ, hoặc rất khó để giữ bình tĩnh.
- Trẻ bị sốt.
- Trẻ không đi tiểu trong vòng 6-8 tiếng hoặc bị khô miệng và môi.
- Trẻ có thóp lõm.
Biến chứng của viêm phế quản nặng có thể bao gồm
- Môi xanh hoặc da (tím tái).
- Ngưng tim ngưng thở. Ngưng thở rất có thể xảy ra ở trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh trong vòng hai tháng đầu.
- Mất nước.
- Độ bão hòa oxy thấp và suy hô hấp.
Nếu những biến chứng trên xảy ra, trẻ sẽ phải nhập viện. Suy hô hấp nặng có thể phải đặt ống nội khí quản để giúp trẻ thở. Trong trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có sinh non, bị bệnh tim hoặc phổi hoặc có hệ thống miễn dịch kém, các phụ huynh nên theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu ban đầu của viêm phế quản do nhiễm trùng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng.
Bệnh viêm tiểu phế quản có lây nhiễm không?
Các virus gây viêm phế quản rất dễ lây lan. Người bệnh truyền bệnh cho người khác thông qua các con đường sau đây:
- Bệnh có thể lây lan qua hắt hơi và ho hoặc nói chuyện.
- Bệnh cũng có thể lây khi tay chạm vào miệng hay mũi sau khi tiếp xúc với vi trùng gây bệnh.
Chẩn đoán phân biệt bệnh
Những phương pháp chẩn đoán bệnh gồm:
- Xét nghiệm hình ảnh học như chụp X-quang ngực.
- Sử dụng phế dung kế để đo lường mức độ và tốc độ hít không khí vào trong mỗi nhịp thở.
- Xét nghiệm khí máu động mạch đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu người bệnh.
- Lấy bệnh phẩm như nước mũi, các chất nhầy đường hô hấp (áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).
Điều trị viêm tiểu phế quản
Về điều trị viêm tiểu phế quản thường kéo dài trong hai đến ba tuần. Phần lớn trẻ em bị viêm tiểu phế quản có thể được chăm sóc tại nhà sau khi được hướng dẫn. Điều quan trọng là phụ huynh cần phải cảnh giác với những thay đổi về hô hấp của trẻ, như trẻ khó chịu khi thở, không thể nói hoặc khóc vì khó thở.
Do virus gây viêm phế quản nên thuốc kháng sinh không có hiệu quả để điều trị. Nếu trẻ bị nhiễm vi khuẩn khác như viêm phổi, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh.
Thuốc corticosteroid đường uống và hít để làm loãng chất nhầy đã được chứng minh không điều trị hiệu quả cho viêm tiểu phế quản và không được khuyến cáo sử dụng.

Phòng ngừa viêm tiểu phế quản
RSV và các loại virus khác gây ra bệnh khá phổ biến và dễ lây lan. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có khả năng bị nhiễm virus nhưng thường không bị nặng như trẻ nhỏ.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là không để lây nhiễm virus. Bạn có thể thực hiện những biện pháp sau đây:
- Giữ trẻ tránh xa những người bị cảm lạnh hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
- Tránh xa những khu vực đông người là nơi virus có thể lây lan dễ dàng. Cẩn trọng khi đi thang máy hoặc trung tâm mua sắm.
- Rửa tay thường xuyên.
- Thường xuyên khử trùng bề mặt, đồ chơi của trẻ và đồ vật trong nhà.
- Khi có trẻ bị viêm tiểu phế quản cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc, rửa tay sau khi chăm sóc trẻ và tránh để các trẻ khác đến gần.
- Lọc sạch khói cũng như hóa chất khỏi môi trường sống.
- Tạo độ ẩm trong không khí. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý vệ sinh các thiết bị tạo ẩm để đề phòng nấm mốc phát sinh.
Trẻ bị viêm phế quản thường không quá nguy hiểm nhưng nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Gia đình cũng không cần quá lo lắng về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ khi trang bị cho mình đầy đủ kiến thức phòng ngừa cho trẻ để có những phương án điều trị phù hợp. Ngoài việc điều trị, cần bộ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé tăng cường miễn dịch, hồi phục sức khỏe.