Bệnh viêm túi mật gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng với người cao tuổi (NCT) cần cảnh giác cao. theo các thống kê, tuổi cao là một trong các yếu tố thuận lợi của bệnh viêm túi mật, hơn nữa viêm túi mật có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Viêm túi mật là bệnh gì?
Viêm túi mật là tình trạng nhiễm trùng ở túi mật. Túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan, chứa mật do gan tạo ra và có chức năng tiết mật vào ruột khi thức ăn được đưa vào. Mật giúp hòa tan chất béo trong thức ăn. Nguyên nhân chính gây ra viêm túi mật là do sỏi mật bị kẹt trong ống dẫn từ túi mật đến ruột. Nếu không chữa trị kịp thời, viêm túi mật có thể dẫn đến nhiễm trùng và thủng túi mật.
Nguyên nhân gây viêm túi mật
Các căn nguyên dẫn đến bệnh lý này bao gồm:
- Sỏi mật: Là các hạt cứng phát triển trong túi mật tạo thành sỏi. Dịch mật bị tích tụ do sỏi chặn đường lưu thông, từ đó dẫn đến tình trạng viêm.
- Nhiễm trùng: Một số bệnh do nhiễm virus, bệnh HIV AIDS,…
- Khối u ở mật chèn ép và ngăn chặn dịch mật thoát ra khỏi túi mật. Sự tích tụ dịch mật là nguyên nhân gây viêm tại cơ quan này.
- Các nguyên nhân khác như: vấn đề về mạch máu khiến lưu lượng máu đến túi mật giảm, sẹo nằm trên ống mật gây tắc nghẽn ống mật,…
Đối tượng có nguy cơ bị viêm túi mật
Những đối tượng sau có nguy cơ cao bị viêm túi mật hơn so với người bình thường:
- Người ở độ tuổi trung niên trở lên.
- Người ăn nhiều chất béo, mắc bệnh béo phì.
- Người thường xuyên nhịn đói, dạ dày – ruột thường xuyên trống rỗng.
- Tác dụng phụ từ một số loại thuốc đặc trị.
- Phụ nữ đang mang thai cũng có nguy cơ cao hơn phụ nữ bình thường.

Triệu chứng của viêm túi mật
Viêm túi mật sẽ gây đau đớn ở vùng bụng bên phải (vị trí của túi mật) và gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Bệnh cũng thể hiện ở một số bộ phận khác của cơ thể. Các triệu chứng phổ biến của bệnh là:
- Đau và quặn thắt ở vùng hạ sườn phải.
- Đau lan lên ngực, lưng, hay vai phải.
- Đau hơn khi hít vào, di chuyển hoặc khi đè trên vùng bên phải của phần bụng trên.
- Ợ hơi, buồn nôn và thường nôn mửa sau bữa ăn chứa nhiều chất béo.
- Vàng da và vàng mắt.
- Hạ thân nhiệt.
- Phân nhạt màu.
- Ngứa da nếu ống mật chủ bị tắc do sỏi.
- Sốt và ớn lạnh.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Biện pháp điều trị bệnh
- Nội khoa: Kháng sinh, bồi phụ nước điện giải, thuốc giãn cơ trơn. Hiện nay điều trị nội khoa chỉ để bổ trợ, hồi sức trước cho điều trị ngoại khoa trong điều trị viêm túi mật.
- Dẫn lưu túi mật: Trong trường hợp bệnh nhân già yếu không thể chịu đựng được cuộc mổ hoặc dẫn lưu túi mật để hồi sức chuẩn bị cho cuộc mổ.
- Phẫu thuật cắt túi mật: Là phương pháp điều trị cơ bản trong viêm túi mật.
- Cắt túi mật nội soi: Là phương pháp phổ biến và được áp dụng rộng rãi đối với hầu hết các trường hợp viêm túi mật.
- Phẫu thuật mổ mở cắt túi mật kinh điển ngày càng ít được áp dụng. Phương pháp này chỉ được áp dụng khi có chống chỉ định của mổ nội soi, đường mổ trắng giữa trên rốn hoặc dưới sườn phải.
Viêm túi mật là một bệnh ngoại khoa và nếu không được điều trị phẫu thuật kịp thời, túi mật sẽ bị thủng và gây nhiễm trùng ổ bụng. Lúc này điều trị không còn đơn giản là mổ nội soi cắt túi mật nữa mà đôi khi bác sĩ phải mổ mở để rửa sạch ổ bụng. Vì thế, khi phát hiện các dấu hiệu bệnh bạn nên đi khám để được chuẩn đoán. Nhờ đó, có phương pháp điều trị thích hợp mang lại những hiệu quả nhất định, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.